Top

Chương trình xây ký túc xá tại TPHCM - Khó nhiều bề

Cập nhật 28/08/2010 09:40

Báo cáo với UBND TPHCM sau 1 năm thực hiện chương trình xây dựng ký túc xá sinh viên (KTX) trên địa bàn TPHCM theo Nghị quyết 18 của Chính phủ, ngày 27-8, Sở Xây dựng TP cho biết, bên cạnh việc đầu tư xây dựng KTX từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, hiện các đơn vị đang gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí vốn để đầu tư hệ thống hạ tầng chung khu vực và các hạng mục công trình phục vụ SV của 5 dự án KTX đang triển khai trên địa bàn TP.


Một góc ký túc xá Trường Đại học Bách khoa TPHCM khang trang. Ảnh: Cao Thăng

Cần thêm 502 tỷ đồng xây dựng KTX ĐH Quốc gia

Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP cho biết, tính đến quý 2-2010, các dự án KTX trên địa bàn TP đã giải ngân được hơn 559 tỷ đồng, đạt 70% tiến độ giải ngân năm 2009. Theo ông Danh, tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng KTX đang tiến triển tốt, dự kiến hoàn thành mục tiêu xây dựng 60.000-70.000 chỗ ở SV vào năm 2011 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn về vốn. Cụ thể, khi giao chỉ tiêu kế hoạch vốn (1.000 tỷ đồng) cho 5 dự án phát triển KTX bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, TP đã phân bổ đủ kinh phí xây lắp và thiết bị cho từng dự án.

Hiện các đơn vị đang gặp khó khăn trong việc xin bổ sung vốn, khoảng hơn 1.032 tỷ đồng để xây dựng hệ thống hạ tầng trong dự án, nối kết hạ tầng chung khu vực và các hạng mục công trình phục vụ SV trong phạm vi dự án… dự kiến hoàn thành trong tháng 6-2011.

Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, các dự án trên địa bàn TP đã được Chính phủ phê duyệt danh mục nhưng chưa được bố trí kế hoạch vốn năm 2010 thì cho phép các địa phương ứng vốn năm 2010 trong tổng mức đầu tư dự án đã được duyệt để các dự án này được triển khai thực hiện và hoàn thành dứt điểm theo kế hoạch.

Nhưng hiện TP đã có quyết định phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng năm 2010 cho các dự án nên sẽ rất khó khăn trong việc ứng vốn ngân sách thực hiện các dự án xây dựng KTX. “Trong năm 2010 nếu không kịp thời bổ sung vốn cho 2 dự án KTX trường ĐH Giao thông vận tải và ĐH Văn hóa TPHCM sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình xây dựng KTX”- ông Danh cho biết.

Ngoài ra, để đảm bảo tiến độ để xây dựng dự án KTX cụm ĐH Quốc gia TP (60.000-70.000 chỗ ở, chiếm 90% kế hoạch), trong năm 2010 TP cần bổ sung thêm khoảng 502 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ cho dự án này.

Vướng giải phóng mặt bằng

Ngoài những khó khăn về vốn, đại diện các trường ĐH và các chủ đầu tư các dự án KTX trên địa bàn TP cũng cho biết công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư của các hộ dân thuộc dự án cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo đại diện ĐH Quốc gia TPHCM, trên tổng diện tích 56 ha để xây dựng KTX, hiện chỉ mới thu hồi được 28 ha. Đại diện này cho rằng, hiện tình hình giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, các hộ dân cương quyết không giao mặt bằng và không cho kiểm tra hiện trạng vì chưa có dự án tái định cư (TĐC), chính sách bồi thường chưa thỏa đáng.

Việc xây dựng khu TĐC (33,6ha) tại tỉnh Bình Dương với quy mô 967 nền và 387 căn hộ để bố trí TĐC cho các hộ dân bị di dời hiện đã hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư và phê duyệt dự án. Tuy nhiên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng đến tiến độ di dời của người dân. Việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng khu TĐC sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch chung của chương trình xây dựng.

Để các dự án xây dựng KTX bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2011, Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình Xây dựng KTX TP (gọi là Ban chỉ đạo- BCĐ) kiến nghị Chính phủ, bộ ngành trung ương sớm xem xét, bố trí hơn 1.000 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án KTX trên địa bàn TP.

Đối với 2 dự án KTX trường ĐH Giao thông Vận tải và Đại học Văn hóa TP chưa được bố trí kế hoạch vốn năm 2010, kiến nghị cho phép TP sử dụng một phần vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010 đã phân bổ cho TP để bố trí vốn xây dựng 2 KTX nêu trên với tổng vốn đầu tư hơn 188 tỷ đồng; sớm bố trí bổ sung 502 tỷ đồng để triển khai dự án xây dựng KTX ĐH Quốc gia TPHCM.

Về việc đền bù, giải phóng mặt bằng, BCĐ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Công ty cổ phần Công trình Giao thông 68 bàn giao mặt bằng cho ĐH Quốc gia TP để triển khai xây dựng KTX theo quy định. BCĐ cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Dương đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư, sớm hoàn thành và giao nền đất theo đúng thời hạn cho người dân giải tỏa di dời thuộc phạm vi dự án đầu tư xây dựng KTX.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cho rằng, chủ trương xây dựng KTX bằng trái phiếu Chính phủ là một chủ trương đúng đắn không chỉ giải quyết được chỗ ở cho SV mà còn tập trung nguồn vốn để thực hiện chương trình xây dựng KTX trên địa bàn TP, tháo gỡ được tình trạng đầu tư lẻ mẻ của các tỉnh có SV đến TPHCM học như trước đây.

Đồng chí cho biết, để đạt được chỉ tiêu xây dựng hơn 60.000 - 70.000 chỗ ở cho SV vào năm 2011, như vậy, mỗi tháng TP phải hoàn thành trên 4.000 chỗ ở.

Ngoài ra, đồng chí cũng lưu ý việc xây dựng KTX đảm bảo tiến độ nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng. TP cũng sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ bố trí vốn hợp lý để thực hiện chương trình xây dựng KTX tại TPHCM.

Trên địa bàn TPHCM có khoảng 509.000 SV đang học tập. Dự kiến đến năm 2015 sẽ có khoảng 570.000 SV học tập tại TPHCM, trong đó có 70% SV từ các tỉnh (khoảng 399.000 SV), nhu cầu về chỗ ở khoảng 239.000 chỗ (chiếm 60%). Tuy nhiên, các KTX của các trường ĐH - CĐ hiện chỉ đáp ứng khoảng 63.000 chỗ (đạt 26% so với nhu cầu về chỗ ở cho SV).

Hiện TPHCM đang thực hiện 5 dự án đầu tư xây dựng KTX bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ tại khu vực Đông Bắc (4 dự án KTX: ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP, ĐH Giao thông Vận tải cơ sở 2, ĐH Văn hóa TPHCM) và khu Nam TP (KTX ĐH Tôn Đức Thắng) với tổng vốn đầu tư gần 3.900 tỷ đồng, đáp ứng hơn 67.000 chỗ ở cho SV.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng