Chương trình tham vấn về tái định cư (TĐC) của HĐND TPHCM vừa tạm khép lại. Đúng như mục đích của chương trình, qua hình thức này, các đại biểu HĐNDTP đã trực tiếp gặp, nghe những người dân bị ảnh hưởng các dự án nói và qua đó kiểm tra việc thực hiện công tác đền bù, giải tỏa và TĐC theo Nghị quyết 57 (NQ 57) của HĐNDTP, từ đó có những đề xuất chỉnh sửa nhằm thực hiện công tác TĐC cho dân chu toàn hơn.
Sau TĐC, cuộc sống không tốt hơn!
Nếu so với yêu cầu của NQ 57 thì đến thời điểm này, việc thực hiện xóa tạm cư dài hạn trên địa bàn TP thực sự không đạt. Đã trễ gần 2 năm nhưng vẫn còn 406 hộ chưa được bố trí TĐC. Hơn nữa, nhìn tổng thể, trong số hơn 4.000 hộ dân đã được TĐC, bao nhiêu hộ có cuộc sống và chỗ ở “bằng và tốt hơn nơi ở cũ”? Đây là câu hỏi quá khó đối với hầu hết quận - huyện vì chưa có nơi nào rà soát, kiểm tra để có con số thống kê cụ thể. Tuy nhiên, từ báo cáo của các quận-huyện thì cuộc sống của người dân sau TĐC vẫn “vui ít buồn nhiều”, có những nơi chỉ có 20% người dân là có cuộc sống ổn định.
Cái sự vui ít buồn nhiều đó được người dân phản ảnh qua rất nhiều bằng chứng. Ở các dự án trên địa bàn phường Bình Chiểu quận Thủ Đức, nhiều hộ dân cho biết giá đền bù đất nông nghiệp quá thấp, chỉ 310.000 đồng/m2 nên không thể tìm được nơi ở mới! Chính vì thế, nhiều người không có nghề nghiệp, hoặc làm nông, không có trình độ văn hóa, sau khi giải tỏa chỉ còn biết “chạy” xe ôm hoặc làm “thợ đụng” (đụng gì làm nấy) chứ không thể xin làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Trong hoàn cảnh đó, nhiều người đã tiêu xài dần vào tiền đền bù nên nguy cơ tái nghèo rất cao. Từ năm 1998 đến nay, tại phường Bình Chiểu có 7 dự án triển khai đền bù với gần 600 hộ dân bị giải tỏa. Riêng dự án KCX Linh Trung 2 có 167 hộ bị giải tỏa, song chỉ khoảng 20% có cuộc sống ổn định và khá.
Ở một số địa bàn khác, thực tế cũng diễn ra tương tự. Báo cáo với HĐNDTP, lãnh đạo UBND quận 2 cũng nhìn nhận rằng, nơi ở mới của các hộ dân sau khi TĐC có tốt hơn trước nhưng đời sống phần lớn người dân lại khó khăn hơn. Nghịch lý này xuất phát từ đặc thù là hầu hết người dân quận 2 đều làm nghề nông, buôn bán nhỏ, chạy xe ôm, đưa đò… không phù hợp với môi trường sống ở chung cư. Giá đền bù thấp so với giá sinh hoạt thực tế nên người dân sau khi nhận tiền đền bù không thể trang trải cuộc sống. Một số người dân sau khi nhận nền đất TĐC không có khả năng xây nhà phải sang nhượng đất cho người khác rồi đi mướn nhà ở…
Chưa có chương trình TĐC hoàn chỉnh
Sau chương trình tham vấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Nguyễn Tấn Bền nhìn nhận, chương trình TĐC hiện nay còn rất chắp vá, chưa có một dự án TĐC nào chủ động mà cứ thực hiện dự án rồi mới chạy vạy kiếm quỹ nhà TĐC.
Điển hình là trong 35 dự án vốn ngân sách đang thực hiện bồi thường tại quận 2 thì 20 dự án có nhu cầu TĐC với gần 11.000 căn hộ và nền đất, song chỉ có 2 dự án Đại lộ Đông Tây và KĐTM Thủ Thiêm là có quỹ nhà-đất. Một số dự án như: Xa lộ Hà Nội giai đoạn 2, đường Vành đai phía Đông, vòng xoay cầu Sài Gòn… vừa bồi thường, thu hồi đất vừa kiếm nhà TĐC.
Vì “nước đến chân mới nhảy”, nên nhiều căn hộ chung cư, nền đất tái định cư theo kiểu… chữa cháy này đã được mua rất xa so với nơi ở cũ của người dân. Chính vì thế mà các hộ dân tại khu tạm cư Cù Lao Chà (phường 17 quận Bình Thạnh) kiên quyết chờ TĐC tại chỗ (chung cư Trường Sa) từ hơn 10 năm nay chứ dứt khoát không chịu nhận chung cư và nền đất ở xa… Trong các chương trình tham vấn của HĐNDTP, nhiều người dân yêu cầu “Cho chúng tôi thấy căn nhà mà các vị định bố trí TĐC như thế nào thì chúng tôi di dời ngay!”. Yêu cầu vô cùng chính đáng nhưng quá ít nơi thực hiện được.
6 quận-huyện (quận 2, 8, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Nhà Bè) mà HĐNDTP chọn để tham vấn ý kiến người dân đều là những “điểm nóng” về TĐC và có các hộ dân tạm cư quá hạn. Mỗi địa phương đều có những vướng mắc và khó khăn khách quan lẫn chủ quan, nhưng nhìn chung, nguyên nhân của việc chậm giải quyết tạm cư là vì chưa có một chương trình TĐC hoàn chỉnh. Trong và sau quá trình tham vấn, nhiều đại biểu cho rằng, sở dĩ công tác TĐC hiện nay vẫn chưa được như ý muốn là vì trước khi TĐC, các cơ quan chức năng chưa có những cuộc điều tra, tìm hiểu kỹ từng hộ gia đình (bao nhiêu người, độ tuổi, công việc của từng người và sau khi TĐC có đảm bảo công ăn việc làm cho họ không?).
Còn “hậu” TĐC, hầu như chưa có biện pháp hữu hiệu hỗ trợ người dân an cư lạc nghiệp, không điều tra xem xét cuộc sống của người dân sau TĐC ra sao. Chính vì thế, các đại biểu cho rằng, khi thực hiện các dự án, cần thiết phải có cuộc điều tra xã hội học để tìm hiểu đầy đủ thông tin kinh tế - xã hội và nguyện vọng của các gia đình bị ảnh hưởng, từ đó mới đưa ra những chính sách bồi thường, giải tỏa, TĐC thích hợp...
Số lượng đơn khiếu nại về chính sách đền bù giải tỏa những năm gần đây ngày một tăng: năm 2006: 409 đơn, năm 2007: 555 đơn, 6 tháng đầu năm 2008 đã có đến 325 đơn. Đó chính là biểu hiện cho thấy chính sách đền bù, giải tỏa chưa phù hợp.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: