Top

Chủ trương mở rộng Hà Nội: Giá đất lên cơn sốt

Cập nhật 30/03/2008 08:00

Ngày 27 - 3, HĐND thành phố Hà Nội đã tán thành chủ trương mở rộng địa giới hành chính thủ đô. Ghi nhận của chúng tôi cho thấy người dân rất quan tâm đến sự kiện này. Tuy nhiên, trong khi nhiều người phấn khởi thì không ít người lại lo.

Giá đất tăng bất thường

Hơn một tháng qua, câu chuyện được người dân TP Hà Đông (Hà Tây) bàn tán nhiều nhất là toàn bộ tỉnh Hà Tây sẽ được sáp nhập về Hà Nội (HN). Ông Trịnh Hồng Tuấn, số 1B Ngô Gia Tự, TP Hà Đông, nói sau khi có thông tin sáp nhập đã diễn ra tình trạng "thổi" giá đất, giá nhà trên địa bàn lên cao. Ông Tuấn dẫn chứng một khu đất tại đường Nguyễn Viết Xuân mới được đấu giá cách đây gần hai tháng với giá trúng thầu là 18 triệu đồng/m2 nhưng bây giờ nghe nói giá lên tới 25 triệu đồng/m2. Giá một căn hộ chung cư khoảng 80m2 giá gần 1 tỉ đồng, mức giá này đắt ngang với những khu đô thị ngay tại thủ đô HN.

Giá nhà đất bị thổi phồng vượt xa giá trị thực tế, theo nhiều người, sẽ hạn chế khả năng mua của những người có nhu cầu nhưng eo hẹp về tài chính. Đồng thời cũng hạn chế khả năng cải thiện chỗ ở của người dân ngay trên địa bàn.

Hơn một tuần nay, người dân huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) cũng rất quan tâm trước thông tin 17 đơn vị hành chính và gần 180.000 nhân khẩu của huyện Mê Linh hiện nay sẽ được sáp nhập về thủ đô. Tình hình mua bán đất ở đây cũng đang "nóng" lên. Ông Đỗ Văn Hạ, người làng Tiền (xã Thanh Lâm, Mê Linh), cho hay hơn một tuần nay gia đình ông phải tiếp gần một chục ông khách đến nhà gạ mua đất.

Chỉ tay về phía mảnh vườn rộng khoảng ba sào trước nhà, ông Hạ nói vẻ tiếc rẻ: "Mấy tháng trước, tôi đã bán cho một ông khách người HN để mua một chiếc ôtô tải Vinaxuki với giá 150 triệu đồng. Nay nhiều người hỏi tôi đã bán chưa, nếu bán thì họ trả 300 triệu. Tiếc quá, giá để lại đến bây giờ thì tôi đã có... hai chiếc ôtô!". Theo ông Hạ, nhiều khách còn gạ mua cả đất nông nghiệp đang cày cấy của gia đình nhưng ông không bán.


Tại xã Tiền Phong, nơi giáp ranh với huyện Đông Anh của TP HN, việc chuyển nhượng đất đai nơi đây khá sôi động. Trong vai một khách thủ đô đi mua đất, chúng tôi được một "cò đất" tên T. "tiếp thị” muốn mua đất kiểu gì cũng có, đất thổ cư có mặt đường ôtô ra vào được rao với giá 10-12 triệu đồng/m2, đất nông nghiệp 130-150 triệu đồng/sào... "Cò” T. khuyên chúng tôi nên mua nhanh vì vài hôm nữa đất ở đây sẽ lại có giá khác do địa thế nơi đây quá gần đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài. "Anh làm việc ở thủ đô, sáng có thể đi xe buýt đi làm được!"- cò T. nói.

Dừng luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ

Ông Đỗ Đăng Long, 68 tuổi, người làng Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, cho biết người già ở làng này nói trước đây Mê Linh đã có 13 năm là "người thủ đô" (từ 1978-1991). Từ năm 1991, Mê Linh được chuyển về Vĩnh Phúc. "Tôi sống qua hai thế kỷ, thấy rằng ở tỉnh nào cũng được, miễn là cán bộ chính quyền nơi ấy lo cho dân được ấm no!".

Ở một góc độ khác, bà Vương Thị Bích, thôn Cầu Đơ, phường Hà Cầu, TP Hà Đông lo lắng: "Một miếng đất đang làm thủ tục cấp sổ đỏ chưa được giải quyết rất có thể xảy ra khả năng sẽ bị "om" lại chờ hướng dẫn hoặc phải làm lại thủ tục giấy tờ nhiều lần với lý do địa giới và địa chỉ hành chính có thay đổi cần bổ sung. Mặt khác, ngay khi có thông tin Hà Tây sẽ được sáp nhập về HN, đã có rất nhiều dự án được triển khai đầu tư tại TP Hà Đông. Ra đường chỗ nào cũng thấy bụi, người dân phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm, kẹt xe.

Cũng tại Hà Đông, trong những ngày qua người dân còn râm ran nhắc lại chuyện hơn một năm trở về trước khi thị xã Hà Đông "lên" TP. Khi đó chức tước cán bộ thay đổi ầm ầm. Tới đây, khi Hà Tây được sáp nhập vào HN, chức tước cán bộ sẽ tiếp tục thay đổi. Ông Đào Văn Thi, phường Quang Trung, TP Hà Đông, cho rằng sau khi HN mở rộng địa giới, điều người dân lo ngại chính là năng lực cán bộ và lãnh đạo thiếu tầm nên khó quán xuyến hết công việc ở xa. Như vậy những cái khó của người dân cán bộ sẽ không thấu, không giải quyết được.

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Trần Thanh Cảnh xác nhận tình trạng chuyển nhượng đất đai sôi động là có thật và việc chuyển nhượng là quyền của người dân. Tuy nhiên, ông nói việc chuyển nhượng đất nông nghiệp để sử dụng cho mục đích khác tại nhiều nơi là trái phép. Do vậy ngày 21-3, UBND huyện Mê Linh đã ra chỉ thị yêu cầu chính quyền các xã kiểm tra, rà soát toàn bộ những địa điểm có dấu hiệu chuyển đổi trái phép, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm.

Ông Cảnh cũng cho biết thường trực huyện ủy đã chỉ đạo chính quyền và các đơn vị trực thuộc trong thời gian huyện Mê Linh chuẩn bị sáp nhập về thủ đô không được tuyển dụng người làm việc mới hoặc chuyển đổi vị trí, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Trịnh Đình Dũng cho hay trước khi Mê Linh về Hà Nội, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của huyện cũng không thay đổi.

Tán thành sáp nhập bốn xã của Hòa Bình vào Hà Nội Ngày 28-3, HĐND tỉnh Hòa Bình khóa XIV đã họp bất thường nhất trí cao việc điều chỉnh toàn bộ diện tích 8.783,92ha và dân số 20.254 người của các xã: Tiến Xuân, Đông Xuân, Yên Bình và Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn vào thủ đô Hà Nội. Đồng thời kiến nghị Quốc hội điều chỉnh toàn bộ diện tích khoảng 1.250ha và dân số 4.300 người nằm về phía tây đường Hồ Chí Minh thuộc các xã Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Mỹ Lương và xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ (Hà Tây) về các xã Nhuận Trạch, Liên Sơn, Thành Lập, huyện Lương Sơn (Hòa Bình). (TTXVN)



Sẽ lộn xộn nếu làm không bài bản

Là người nghiên cứu qui hoạch đô thị, tôi không phản đối ý tưởng mở rộng Hà Nội, nhưng cái cần xem xét là tính khả thi. Một phương án được áp từ bên trên xuống sẽ dễ được thông qua, thực hiện. Nhưng vấn đề là ai sẽ đầu tư vào khu đất mới mở rộng?

Do vậy trước khi có quyết định hành chính nên có sự chuẩn bị xong về qui hoạch, biện pháp thực hiện. Nếu mở rộng để đấy thì chưa nhất thiết mở ngay. Thành phố khi mở rộng có sự chuẩn bị trước về đầu tư sẽ đảm bảo được hai điều quan trọng, đó là sự phát triển đồng bộ về hạ tầng và qui hoạch.

Ngược lại nếu mở theo kiểu "nông dân", tức cứ mở đã, có cái nào lấp cái đấy thì dễ dẫn đến lộn xộn, có nhà không có đường, có đường thì thường không tương xứng với sự phát triển tiếp theo của nhà. Lâu ngày nó lại tạo áp lực cần tiếp tục mở rộng.

Bên cạnh đó, những vùng ít nhận được đầu tư sẽ hình thành các "vùng da báo", dễ nảy sinh vấn đề xã hội. Vì vậy, cần làm lại phương án để tăng tính khả thi. Phải kêu gọi đầu tư để chuẩn bị "cốt", sau đó mới tính đến phương án mở rộng. Việc mở rộng lần này là cơ hội cho qui hoạch một thủ đô trật tự, hiện đại. Nên tính toán thật kỹ, làm nghiêm túc để tránh tình trạng mở rồi vẫn muốn mở nữa, hoặc để thế hệ sau này phải tính đến chuyện dời đô thì rất lãng phí.
( KTS Phùng Anh Tiến - phó chủ nhiệm khoa qui hoạch đô thị, Đại học Kiến trúc Hà Nội)



Theo Địa Ốc Tuổi Trẻ