Top

Cho tư nhân đấu thầu dự án nhà ở xã hội

Cập nhật 19/03/2008 09:00

Khi đền bù giải tỏa phải phân biệt được đất của dân địa phương và đất của nhà đầu cơ để xử lý cho phù hợp.

Ngày 18-3, báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cho biết từ năm 2003 đến nay, toàn TP mới giải quyết được 2.780 căn hộ và nền nhà ở xã hội trong khi nhu cầu nhà ở xã hội lên đến 25.000 căn.

Thiếu nhà do tiến độ đầu tư chậm

Theo ông Đào Anh Kiệt - quyền Giám đốc Sở TNMT, khi giao dự án nhà nước không quy định phải xét năng lực của nhà đầu tư nên rất nhiều dự án “treo” vì nhà đầu tư không có vốn thực hiện. Việc không được chậm nộp tiền sử dụng đất, không được huy động vốn trước khi xây dựng hạ tầng cũng khiến nhà đầu tư chậm trễ trong thực hiện dự án. Ngoài ra, thủ tục phê duyệt quy hoạch 1/500 cho các dự án rất chậm dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cũng cho rằng việc không cho nhà đầu tư chuyển nhượng dự án là một bất cập vì rất ít nhà đầu tư đủ khả năng để “ôm” hết từ khâu giải tỏa, đền bù đến xây dựng hạ tầng, thiết kế nhà cửa.

Đại diện Sở Xây dựng kiến nghị nên đấu thầu các dự án nhà ở xã hội để huy động tư nhân tham gia, đồng thời có chính sách cho vay ưu đãi và giảm thuế cho các doanh nghiệp thực hiện nhà ở xã hội. “TP có thể xây nhà cho người có thu nhập thấp bằng cách cho các nhà đầu tư đấu thầu dự án, trong đó sáu tầng dưới dành để bán cho người có thu nhập thấp, những tầng còn lại dành cho nhà đầu tư kinh doanh” - ông Trần Du Lịch, Phó đoàn ĐBQH TP gợi ý.

Một giá bồi thường cho các dự án

Kiến nghị với Đoàn ĐBQH TP, ông Lê Văn Thành - Phó Chánh văn phòng quận 7 cho rằng cần thống nhất giá bồi thường chung cho các dự án công ích và dự án kinh doanh. Lâu nay người dân hay so bì cùng một khu vực nhưng giá bồi thường cho các công trình công ích lại quá thấp so với các dự án kinh doanh.

Chính điều bất hợp lý này làm người dân không chấp nhận phương án đền bù, dẫn đến nhiều dự án kéo dài từ năm này qua năm khác không xong phần giải phóng mặt bằng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Thân Trọng Triều, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cũng cần phải xây dựng trước các khu tái định cư để có sẵn nền giao cho các hộ dân bị giải tỏa.

Ông Đào Anh Kiệt cũng thừa nhận phần lớn các dự án chậm triển khai là do bồi thường giải phóng mặt bằng chậm. Nhiều nơi đất dự án bị lấn chiếm xây dựng trái phép, chuyển nhượng giấy tay lén lút làm phức tạp thêm việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án do tư nhân thực hiện đã bồi thường với giá cao làm cho dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước bồi thường giá thấp không thể tiếp tục thực hiện được, gây khiếu nại kéo dài...

Ông Trần Du Lịch nhấn mạnh công tác đền bù giải tỏa hiện nay phải phân biệt được đất của dân địa phương và đất của nhà đầu cơ để xử lý cho phù hợp. “Làm sao để vừa đền bù hợp lý cho người có đất, đồng thời tránh việc các nhà đầu cơ đất kiếm cớ gây khó khăn” - ông Lịch nói.

Không nên định giá bồi thường

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng nhà nước không nên định giá bồi thường khi thu hồi đất như hiện nay mà nên đấu giá. Số tiền đấu giá được sẽ chia cho ba bên là nhà đầu tư, nhà nước và người bị thu hồi đất theo tỷ lệ nhất định. Số tiền đấu giá được và tỷ lệ này sẽ được công khai, người dân cứ theo đó tính toán số tiền mình được bồi thường.

Nhà nước cũng không nên quản chặt quá việc chuyển nhượng dự án mà chỉ nên lập quy hoạch rồi đưa ra thời gian thực hiện quy hoạch đó. Khi nhận đất, nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng hay liên kết đầu tư, làm sao phải bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch trong thời gian quy định.

Theo Pháp Luật TP.HCM