Top

Chiêu đẩy giá nhà cao ngất, chủ đầu tư kê khai giá thấp bán giá cao

Cập nhật 21/01/2021 12:20

Theo HoREA, có hiện tượng khi trình dự án lên Sở Xây dựng, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thường kê khai mức giá bán thấp đến khi huy động vốn thì bán với mức giá cao hơn thậm chí có mức giá nhà ở cao cấp.

Năm 2020, tại TP.HCM, phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn, chỉ chiếm tỷ lệ 1%, giảm đến 98,6% so với năm 2019

TP.HCM: Chỉ có 1% nhà bình dân

Đánh giá về thị trường bất động sản (BĐS) năm 2020, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường vốn đã gặp rất nhiều khó khăn kể từ cuối năm 2015, nhất là trong 3 năm gần đây và đại dịch CoViD-19 đã tác động làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản.

Theo ông Châu, trong năm 2020, có thể chia làm 2 giai đoạn: 7 tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản cũng bị khủng hoảng nghiêm trọng, nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, giao dịch bị ngừng trệ. Giai đoạn 2 kể từ tháng 8/2020 đến nay, thị trường đã dần phục hồi và tăng trở lại.

Đối với thị trường BĐS TP.HCM, HoREA đánh giá về cơ bản vẫn giữ được sự phát triển ổn định, không bị đóng băng, cũng không bị “bong bóng”. Tuy nhiên tiếp tục bị thiếu hụt nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là rất thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.

HIệp hội BĐS TP.HCM dẫn ra số liệu thống kê cả năm 2020, phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn nhà, chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được phép huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Điều này làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người dân có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị, cán bộ công chức, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động và người nhập cư.

Đồng thời, đáng quan ngại là dấu hiệu biểu hiện thừa cung của phân khúc nhà ở cao cấp, do tỷ trọng nhà đầu tư thứ cấp trong phân khúc này chiếm tỷ lệ rất cao, trên dưới 60%.

Về nguồn cung dự án nhà ở thương mại, theo Sở Xây dựng TP.HCM, cả năm 2020 có 47 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, tăng đáng kể so với năm 2019. Trong đó, chấp thuận chủ trương đầu tư 11 dự án (tăng 10 dự án so với năm 2019); công nhận chủ đầu tư 10 dự án (tăng 9 dự án so với năm 2019); chấp thuận đầu tư 26 dự án (tăng 10 dự án so với năm 2019).

Sở Xây dựng cũng đã có ý kiến chuyển đến Sở Kế hoạch Đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 61 dự án (giảm 52 dự án), giảm 46% so với năm 2019, nhưng không có dự án nào được Sở Kế hoạch Đầu tư đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố ban hành “Quyết định chủ trương đầu tư” trong năm 2020.

Theo HoREA, nhìn chung, số lượng dự án nhà ở bị sụt giảm rất lớn so với năm 2017 là năm mà thị trường bất động sản tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua (với 130 dự án) và năm 2018 (với 122 dự án).

Chủ đầu tư kê khai nhà giá thấp bán giá cao

Về số lượng nhà ở (mới) đưa ra thị trường tại TP.HCM, theo số liệu thống kê đủ 12 tháng của năm 2020, Sở Xây dựng TP đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 31 dự án (giảm 16 dự án), giảm 34% so với năm 2019, với tổng số 16.895 căn nhà, giảm 30,4% so với năm 2019.

Tổng giá trị huy động vốn là hơn 66.670 tỷ đồng (đã bao gồm VAT, chưa bao gồm 2% phí bảo trì). Trong đó, có 7.114 căn nhà thuộc phân khúc nhà ở cao cấp, chiếm tỷ lệ 42,1%, tăng 15,9%; Phân khúc nhà ở trung cấp có 9.618 căn chiếm tỷ lệ 56,9%, tăng 66,2%; Phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn, chỉ chiếm tỷ lệ 1%, giảm đến 98,6% so với năm 2019.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Hiệp hội, trên thực tế thì phân khúc nhà ở cao cấp có thể chiếm đến tỷ lệ khoảng 70%, chiếm thế áp đảo trên thị trường bất động sản năm 2020. Phân khúc nhà ở trung cấp chiếm khoảng trên dưới 25% tổng số nhà ở.

“Đáng quan ngại là phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn nhà, chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được huy động vốn năm 2020. Đây là chỉ dấu cho thấy rõ sự “lệch pha” sản phẩm trên thị trường bất động sản, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp. Trong lúc rất thiếu sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, dẫn đến sự phát triển của thị trường bất động sản thiếu tính ổn định, bền vững” – ông Lê Hoàng Châu nêu vấn đề.

Theo HoREA, sở dĩ có sự chênh lệch giữa số liệu thống kê của Sở Xây dựng với thực tế, bởi lẽ, khi trình dự án lên Sở Xây dựng, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thường kê khai mức giá bán thấp, nhưng đến khi huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai, thì chủ đầu tư bán nhà với mức giá cao hơn, thậm chí có mức giá nhà ở cao cấp.

Trước tình trạng trên, Hiệp hội đề nghị các tập đoàn và doanh nghiệp BĐS xem xét tăng tỷ trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội. Mặc dù lợi nhuận thấp, nhưng có tính thanh khoản cao và ít rủi ro, góp phần cùng nhà nước giải quyết nhà ở cho cán bộ công chức, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư. Đồng thời cùng nhau phối hợp để kiểm soát giá nhà, không để tình trạng giá nhà tăng nóng, tăng ảo xảy ra trong năm 2021.

Trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này, ông Châu nêu rõ quan điểm, ở đây, không có chuyện “ép” doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở thương mại giá thấp (lại càng không phải là “ép doanh nghiệp đầu tư nhà giá rẻ”) dự án nhà ở xã hội, mà phải xuất phát từ chính nhu cầu đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp.

“Thực tế cho thấy, có những Tập đoàn và doanh nghiệp đã lựa chọn, chỉ đầu tư vào phần khúc thị trường nhà ở cao cấp. Đây là quyền tự chủ và tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong đầu tư kinh doanh, để giảm thiểu phần nào rủi ro, nhất là lúc thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng (như các thời điểm năm 2008-2009; năm 2011-2013), thì rất cần xem xét đầu tư theo phương thức “bỏ trứng vào nhiều giỏ” – ông Châu nói.

DiaOcOnline.vn – Theo Vietnamnet