Top

Không ép doanh nghiệp đầu tư nhà giá rẻ

Cập nhật 21/01/2021 12:12

Không có chuyện “ép” doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở thương mại giá thấp, dự án nhà ở xã hội, mà phải xuất phát từ chính nhu cầu đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp.



Ở nước ta, trong hơn 10 năm qua, nền kinh tế và thị trường bất động sảncũng đã trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn như “bong bóng” bất động sản năm 2007 và năm 2010; thị trường bất động sản bị đóng băng năm 2008-2009 và năm 2011-2013. Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, nhất là trong xử lý khủng hoảng, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trong đó có thị trường bất động sản, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao tầm vóc, vị thế của đất nước như ngày nay. Đó là bản chất của “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự quản lý của Nhà nước” của nước ta.

Do vậy, chẳng những cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp, mà đồng thời cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phải đồng hành với Nhà nước để thực hiện các định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, trong đó có định hướng phát triển nhà ở để thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người dân là những người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị, khu vực nông thôn.

Hiện, Bộ Xây dựng đang dự thảo và đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết về “Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp”, với một số cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, về tín dụng (bằng khoảng phân nửa mức chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội) và về thời hạn hoàn thành nộp tiền sử dụng đất dự án, để có thể có được sản phẩm căn hộ “nhà ở thương mại giá thấp” với mức giá khoảng tối đa không quá 25 triệu đồng/m2 tại đô thị đặc biệt, không quá 23 triệu đồng/m2 tại đô thị loại 1 và không quá 20 triệu đồng/m2 tại các tỉnh còn lại.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đang trình “Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội” và “Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”. Một số địa phương, như thành phố Hồ Chí Minh còn có chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch, hoặc chỉnh trang các khu dân cư lụp xụp.

Tất cả các định hướng về chỉnh trang phát triển đô thị, phát triển nhà ở này sẽ hình thành nguồn cung dự án nhà ở và sản phẩm nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội rất lớn tại các địa phương và cũng là một phân khúc thị trường bất động sản đầy tiềm năng mà các Tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản cần xem xét để nắm bắt cơ hội để đầu tư kinh doanh vì vừa vẫn đảm bảo được lợi nhuận dù không cao bằng đầu tư dự án nhà ở cao cấp, vừa ít rủi ro, vừa góp phần chia sẻ với cộng đồng xã hội.

Trên thị trường bất động sản, quyền tự do kinh doanh trong khuôn khổ quy định pháp luật thể hiện rất rõ nét. Có những Tập đoàn và DN lựa chọn đầu tư các dự án nhà ở cao cấp, cũng có những Tập đoàn và DN lựa chọn đầu tư các dự án nhà ở trung cấp, nhà ở có giá vừa túi tiền, cả nhà ở xã hội.

Ở đây, không có chuyện “ép” doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở thương mại giá thấp, dự án nhà ở xã hội, mà phải xuất phát từ chính nhu cầu đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp. Bởi đây là quyền tự chủ và tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong đầu tư kinh doanh để giảm thiểu phần nào rủi ro nhất là lúc thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng (như các thời điểm năm 2008-2009; năm 2011-2013) thì rất cần xem xét đầu tư theo phương thức “bỏ trứng vào nhiều giỏ”.

Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN