Top

Chán ngán "sở hữu kỳ nghỉ"!

Cập nhật 20/04/2018 13:33

Hàng loạt đơn kiện cho rằng hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" tại dự án khu nghỉ dưỡng Alma bất lợi cho khách hàng nên họ yêu cầu hủy mà không được

Ông Nguyễn Ngọc Loan, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Khu Du lịch bán đảo Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), cho biết dự án khu nghỉ dưỡng Alma của Công ty TNHH Vịnh Thiên Đường (Công ty Alma) chậm tiến độ theo quy định tại giấy chứng nhận đầu tư, các văn bản gia hạn và cam kết của chủ đầu tư. Vì thế, ban này đã đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm.

Đang chờ… phạt

Dự án khu nghỉ dưỡng Alma được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép cho Công ty Alma đầu tư vào năm 2013, tại Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Dự án có diện tích gần 30 ha, gồm khối căn hộ du lịch cao 20 tầng, cụm tòa nhà chính, khách sạn, siêu thị, khu biệt thự nghỉ dưỡng; tổng vốn đầu tư khoảng 486 tỉ đồng.

Dự án khu nghỉ dưỡng Alma hoạt động ì ạch trong khi đơn kiện đang tăng

Hiện dự án khu nghỉ dưỡng Alma đang bị ngừng thi công vì chưa có giấy phép xây dựng cụm biệt thự nghỉ dưỡng. Sáng 17-4, tại dự án này, rất ít công nhân làm việc. Khối tòa nhà chính chỉ mới xây được 13 tầng từ năm 2017, nay hoang phế, tả tơi.

Theo BQL Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, dự án đang làm nền móng 10 biệt thự phía biển nhưng ngừng thi công do chưa được cấp phép xây dựng phần này. Khối lượng thi công hiện đạt khoảng 180 tỉ đồng. Điều đáng nói là từ giữa năm 2017, dự án bị Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Khánh Hòa xử phạt 30 triệu đồng vì trễ tiến độ. Thời điểm này, công trình cũng dừng lại ở tầng 13.

Theo ông Kiều Lâm, Trưởng Phòng Kinh tế đối ngoại Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa, vì dự án chậm trễ nên để hoàn thành có thể phải đội vốn rất nhiều. Trong buổi làm việc với chủ đầu tư vào đầu tháng 4-2018, đại diện Công ty Alma cho rằng do dự án bị kiểm tra nhiều, phải điều chỉnh nhiều lần nên trễ tiến độ.

"Tòa nhà chính đã được cấp giấy phép xây dựng đúng quy định sao chủ đầu tư không thi công? Chúng tôi đang tổng hợp báo cáo dự án này để trình UBND tỉnh Khánh Hòa xử lý. Có thể sẽ tiếp tục xử phạt. Nếu phạt lần 2 mà vẫn chậm tiến độ thì kiến nghị dừng dự án" - lãnh đạo Phòng Kinh tế đối ngoại cho biết.

Chịu mất tiền cũng không được

Liên quan dự án này, ngày 17-4, bà Đàm Thị Bích Ngọc, Chánh văn phòng TAND TP Nha Trang, cho biết vừa tiếp nhận thêm 18 đơn kiện Công ty Alma; 13 hồ sơ khác đã hoàn thành thủ tục, giao các thẩm phán thụ lý. Các đơn kiện cho rằng hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" tại dự án này có hàng loạt điều khoản bất lợi cho khách hàng nên họ yêu cầu hủy hợp đồng mua kỳ nghỉ và hợp đồng đặt chỗ. Số người nộp đơn kiện đang gia tăng nhưng tòa án đang yêu cầu bổ sung hồ sơ thì mới tiếp nhận.

Theo bà Ngọc, các hợp đồng giữa khách hàng và Công ty Alma đã chọn cơ quan giải quyết tranh chấp ở Singapore thì các bên phải làm đúng hợp đồng. Đây là lý do TAND TP Nha Trang không thụ lý các đơn kiện có điều khoản này. Tuy nhiên, sau khi TAND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu giải quyết khiếu nại theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì TP mới chấp nhận thụ lý sau 10 tháng nhận đơn.

Bà Trần Thị M.T (ngụ TP HCM) cho biết đã ký hợp đồng với Công ty Alma để "sở hữu kỳ nghỉ" với giá 360 triệu đồng (nghỉ 1 tuần/năm). Trong đó, bà đóng trước 30%, 50% là tiền vay ngân hàng và thanh toán theo nhiều đợt.

"Chúng tôi được nhân viên công ty này cho xem hợp đồng, chỉ ra những điểm lợi chứ không được đem hợp đồng về nghiên cứu. Nhiều người thấy lợi khi ký hợp đồng xong, đặt cọc mà chưa đóng kịp tiền thì nhân viên công ty không ngại đường sá, đến tận nhà kể cả ban đêm để thu tiền" - bà T. nhớ lại.

Gây hiểu nhầm?

Công ty Alma vẫn đang tiếp tục bán "sở hữu kỳ nghỉ" này nhưng chưa thấy động thái cụ thể nào của cơ quan chức năng để quản lý. Trong khi đó, hợp đồng có rất nhiều điều bất lợi cho khách hàng, như: Phải đóng phí duy trì hợp đồng; không được nghỉ ở nước ngoài như cam kết, muốn đi phải bỏ thêm chi phí; không khiếu nại công ty, không cung cấp nội dung hợp đồng cho bên thứ ba…

"Khi đóng được 140 triệu đồng, tôi quá chán nên yêu cầu hủy hợp đồng, chấp nhận mất số tiền đóng trước nhưng không được công ty chấp nhận. Phía ngân hàng thì ép tôi phải đóng mỗi tháng khoảng 7,5 triệu đồng. Tôi có trễ 15 ngày thì bị liệt vào danh sách nợ xấu. Tự dưng thành con nợ, góp tiền cho Alma" - một khách hàng khác của Công ty Alma bức xúc.

Ông Loan cho rằng "sở hữu kỳ nghỉ" không phải là sở hữu bất động sản nhưng Công ty Alma lại cho phép khách hàng "chuyển nhượng", gây hiểu nhầm. "Tôi cho rằng đây là một giải pháp huy động vốn. Đúng ra, chủ đầu tư phải bỏ tiền đầu tư nhưng lại huy động vốn chính từ khách hàng" - ông Loan nhận định.

Theo website của Công ty Alma, văn phòng liên lạc đã chuyển đến khu vực dự án. Phóng viên đến đây nhưng bảo vệ từ chối, không cho vào.

Gần 9.000 hợp đồng kỳ nghỉ

Một cán bộ Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết qua làm việc với chủ đầu tư, hiện Công ty Alma có gần 9.000 hợp đồng bán "kỳ nghỉ" này. Nhận thấy các điều khoản hợp đồng gây khó cho khách hàng nên UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh hợp đồng nhưng họ chỉ sửa được là giải quyết tranh chấp từ Singapore về Việt Nam. Việc "sở hữu kỳ nghỉ" ở Việt Nam rất mới mẻ, ngay cả Luật Du lịch cũng không đề cập. "Hiện chỉ là hợp đồng dân sự. Chúng tôi cũng khuyến cáo khách hàng phải đọc kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký để tránh thiệt thòi" - cán bộ này khuyến cáo.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ