Trong thương vụ mua cổ phần DongABank trị giá 600 tỉ đồng, khiến ngân hàng này thiệt hại 200 tỉ đồng, Vũ “nhôm” đã thế chấp 220 lô đất tại chính ngân hàng này để vay 400 tỉ đồng. Vậy số đất “khủng” này Vũ “nhôm” có được từ đâu?
Khu đô thị Harbour Ville đến nay vẫn chưa hoàn thiện. ẢNH: NGUYỄN KHÁNH |
Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 18.4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm”), Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79, đồng thời bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, do liên quan đến hành vi chiếm đoạt 200 tỉ đồng của DongABank. Theo cơ quan điều tra, năm 2013, khi DongABank bị sa sút, thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền và vàng trong kho quỹ, ông Trần Phương Bình muốn tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng vào năm 2014. Cuối năm 2013, ông Bình và Vũ “nhôm” bàn bạc, thống nhất Vũ mua 60 triệu cổ phần DongABank với giá hơn 600 tỉ đồng để Vũ thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DongABank. Nguồn tiền gồm Vũ thế chấp 220 lô đất tại TP.Đà Nẵng để vay DongABank 400 tỉ đồng, còn thiếu 200 tỉ đồng DongABank xuất quỹ chi cho Vũ bằng cách Vũ phải ký chứng từ nộp khống 200 tỉ đồng tại DongABank.
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, trong số 220 lô đất Vũ “nhôm” thế chấp có 139 lô thuộc khu đô thị Harbour Ville, nằm trong khu phức hợp đô thị, thương mại và dịch vụ cao tầng ở P.Nại Hiên Đông và P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng.
Phù phép giá đất
Các tài liệu PV Thanh Niên thu thập được cho thấy, việc cấp đất, chuyển quyền sử dụng đất tại dự án này có hàng loạt dấu hiệu bất thường cần được cơ quan chức năng làm rõ. Cụ thể, khu đô thị Harbour Ville gồm 4 lô đất có ký hiệu A2, A4, A6, A8, diện tích 170.213 m2. Trong giai đoạn 2007 - 2008, ông Trần Văn Minh, lúc đó là Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đã có các quyết định phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại khu đất này là 2,5 triệu đồng/m2. Giá này bao gồm TP sẽ chịu trách nhiệm san nền, đường giao thông xung quanh và phần kè bờ sông. Chủ đầu tư làm đường nội bộ, hệ thống thoát nước mưa, nước thải và trồng cây xanh trong khuôn viên. Căn cứ vào quyết định của Chủ tịch TP, Công ty quản lý và khai thác đất Đà Nẵng đã tổ chức quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và sau đó chỉ có một đơn vị tham gia là Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông 586!
Đến ngày 10.3.2011, Công ty 586 có văn bản xin chuyển QSDĐ cho Vũ “nhôm” và được ông Trần Văn Minh đồng ý chủ trương theo Văn bản số 1532/UBND-QLĐTh ngày 22.3.2011. Theo đó, giá chuyển QSDĐ vẫn là 2,5 triệu đồng/m2. Đến ngày 8.4.2011, Vũ “nhôm” có đơn xin xem xét lại giá chuyển QSDĐ theo hình thức giá đất thô (chưa đầu tư cơ sở hạ tầng) đối với diện tích khu đất nêu trên. Đề nghị trên đã được UBND TP.Đà Nẵng giải quyết tại Công văn 2128 do ông Trần Văn Minh ký 18.4.2011 với nội dung: Đồng ý chủ trương cho phép ông Phan Văn Anh Vũ nhận QSDĐ với đơn giá 812.000 đồng/m2.
Chưa hết, công ty của Vũ “nhôm” còn được ưu đãi giảm 10% tổng số tiền phải nộp nếu nộp đủ tiền sử dụng đất trong thời hạn 60 ngày.
Tăng đất biệt thự, giảm đất giao thông
Ngày 11.6.2011, UBND TP.Đà Nẵng ban hành Quyết định số 4881 phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu đất nêu trên thuộc khu phức hợp đô thị, thương mại dịch vụ cao tầng với diện tích đất 170.213 m2. Theo đó, nâng diện tích đất ở biệt thự từ 69.462 m2 (tỷ lệ 40,8%) lên 71.716 m2 (42,13%) và giảm tương ứng tỷ lệ đất thương mại dịch vụ, giao thông, mương thoát nước.
Theo giấy xác nhận của Công ty quản lý và khai thác đất Đà Nẵng lập ngày 20.12.2011 thì Vũ “nhôm” đã nộp tiền sử dụng đất hơn 124 tỉ đồng và được giảm 10% với số tiền hơn 13,8 tỉ đồng do nộp tiền một lần.
Cùng ngày, Vũ “nhôm” có tờ trình gửi UBND TP và Sở TN-MT Đà Nẵng xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Tờ trình này sau đó đã có bút phê của ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng (thay ông Trần Văn Minh) với nội dung: “Chuyển anh Điểu (Giám đốc Sở TN-MT) giải quyết”. Sau đó, ông Chiến đã ký một số văn bản đồng ý về chủ trương cấp giấy chứng nhận.
Vũ “nhôm” sau đó đưa phần diện tích đất trên vào Công ty cổ phần đầu tư Mega với tư cách chủ đầu tư, lập dự án có tên gọi Khu đô thị Harbour Ville. Mặc dù chưa triển khai việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt; nhưng chủ đầu tư đã chia khu đất trên thành 527 lô và được UBND Q.Sơn Trà cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho từng lô. Chủ đầu tư lập tức mở bán các lô đất nói trên thông qua hình thức hợp đồng góp vốn và nhận lại QSDĐ. Giá giao dịch tại thời điểm 2011 là 9,5 triệu đồng/m2 (hiện giá thị trường khoảng 15 - 20 triệu đồng/m2). Song đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Do đó, nhiều hộ dân nhận chuyển nhượng chỉ cầm giấy chứng nhận mà không nhận được đất trên thực tế.
Như vậy, chỉ với vài động tác sang tên, xin cấp giấy chủ quyền..., Vũ “nhôm”, với sự “ưu ái” bất thường của một số cán bộ và cơ quan ở Đà Nẵng, hưởng lợi “khủng” từ dự án này. Đặc biệt, cũng từ đây, Vũ “nhôm” đã mang giấy chứng nhận QSDĐ đi thế chấp tại DongABank để thực hiện phi vụ “thâu tóm” cổ phần ngân hàng này.
Đà Nẵng kỷ luật 5 cán bộ chủ chốt
Chiều 19.4, UBND TP.Đà Nẵng cho biết Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã ký quyết định thi hành kỷ luật 5 cán bộ lãnh đạo các sở, ngành về mặt chính quyền, trong đó có trường hợp liên quan đến dự án của Vũ "nhôm".
Cụ thể, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, bị khiển trách vì vi phạm trong việc buông lỏng vai trò tham mưu quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đô thị, để chủ đầu tư xây dựng không phép, trái phép tại một số dự án. Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN-MT, bị khiển trách do liên quan việc tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành chủ trương cho phép doanh nghiệp đồng thời triển khai đầu tư và đánh giá tác động môi trường, trong một dự án liên quan đến Vũ “nhôm” (vi phạm luật Bảo vệ môi trường). Ông Nam cũng có khuyết điểm khi đồng ý chủ trương cho doanh nghiệp thuê nhà đất, trụ sở theo hình thức không qua đấu giá QSDĐ (vi phạm luật Đất đai 2013).
Ông Trần Huy Đức, Chánh thanh tra TP và bà Lê Thị Thu Hạnh, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ, cùng bị khiển trách vì tham gia ký tên tập thể vào văn bản có nội dung tố cáo, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; sử dụng con dấu của cơ quan, đơn vị không đúng quy định hiện hành. Ông Mai Đăng Hiếu, nguyên Phó giám đốc Sở Ngoại vụ kiêm Phó văn phòng đại diện TP.Đà Nẵng tại Nhật Bản, bị cảnh cáo vì có những hành vi thiếu chuẩn mực trong giao tiếp; vi phạm quy định về nhiệm vụ của đảng viên khi ra nước ngoài.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: