Theo kế hoạch triển khai công tác xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TPHCM năm 2013 (theo Quyết định 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ), trong năm nay, Ban Chỉ đạo 09 (BCĐ 09) phải hoàn tất việc trình và thẩm định các phương án xử lý tổng thể nhà đất của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP. Đến cuối tháng 12-2012, BCĐ 09 đã kiểm tra hiện trang tất cả các cơ sở nhà đất của các đơn vị báo cáo kê khai. Tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp chưa thể trình phương án xử lý vì phương án các đơn vị đưa ra hầu hết muốn sử dụng theo hiện trạng, chưa nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Nhà 51 Phạm Ngọc Thạch thuộc diện sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trong năm 2013. Ảnh: HUY ANH
|
Chỉ thu hồi 1,8% nhà đất
BCĐ 09 cho biết, trong năm 2012, UBND TP và Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án xử lý 248 địa chỉ nhà đất. Trong đó, khối TP là 199 địa chỉ, khối trung ương là 49 địa chỉ. Lũy kế từ khi thực hiện QĐ 80/2001 của Chính phủ đến 31-12-2013 (nay là QĐ 09/CP), UBND TP và Bộ Tài chính đã phê duyệt khoảng 12.447 địa chỉ nhà đất. Trong đó, phương án tiếp tục quản lý sử dụng là 7.492 địa chỉ nhà đất (chiếm hơn 60% tổng số địa chỉ được xét duyệt). UBND TP và Bộ Tài chính chỉ thu hồi 224 địa chỉ nhà đất (chiếm 1,8% trong tổng số được xét duyệt) với tổng diện tích hơn 661.000m². Các địa chỉ nhà đất được thu hồi dùng để bán đấu giá (23 địa chỉ), xây dựng các công trình phúc lợi công cộng (89 địa chỉ), chuyển giao cho các đơn vị khác (102 địa chỉ) và giao cho ngành nhà đất quản lý, chờ bố trí sử dụng (20 địa chỉ). Hiện còn 29 địa chỉ đã duyệt phương án nhưng chưa thu hồi, nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị tạm sử dụng làm trụ sở làm việc trong thời gian xây dựng trụ sở mới; đơn vị thuê chưa chịu giao trả mặt bằng cho đơn vị bị thu hồi hiện đang khởi kiện… Lý giải việc thu hồi chậm, đại diện Sở Tài chính cho biết, một số trường hợp thu hồi rất khó khăn do đang tranh chấp và có việc chiếm dụng nên cần phải rà soát, xác minh pháp lý, lập phương án di dời nhưng các cá nhân, tổ chức thường không chấp nhận, trì hoãn việc bàn giao phải giải quyết nhiều lần và mất nhiều thời gian.
Đơn cử như: nhà đất số 205 Bến Chương Dương quận 1 của Công ty Cao su Bến Thành, nhà đất số 234 Lý Tự Trọng của Sở VH-TT-DL, nhà đất số 458 Cách Mạng Tháng Tám quận Tân Bình của Tổng Công ty Lương thực TP. Ngoài ra, một số khu đất trên địa bàn TP được Bộ Tài chính và UBND TP phê duyệt cho chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư dự án nhưng các cơ quan, đơn vị không đủ vốn đầu tư, có biểu hiện trì hoãn kéo dài, giữ lại mặt bằng. “Các đơn vị chủ yếu kéo dài thời gian để huy động các nguồn vốn hoặc thay đổi phương án đầu tư nên một số mặt bằng nhà đất sử dụng không hiệu quả. Bên cạnh đó, việc sắp xếp này còn chậm là do một số các cơ quan đơn vị chưa thực sự quan tâm và triển khai” - đại diện Sở Tài chính cho hay.
Theo báo cáo của BCĐ 09, từ khi triển khai thực hiện công tác xử lý sắp xếp nhà đất trên địa bàn TPHCM đến nay, tổng số địa chỉ nhà đất trên địa bàn TP được các cơ quan, đơn vị kê khai và đề xuất phương án xử lý là 12.647 địa chỉ với hơn 237 triệu m². Trong đó, khối trung ương chiếm 2.109 địa chỉ với hơn 96 triệu m² và khối TP chiếm 10.538 địa chỉ với gần 142 triệu m². Đến thời điểm này, BCĐ 09 đã trình UBND TP và Bộ Tài chính phê duyệt phương án xử lý của 12.461 địa chỉ (chiếm 98,52% trên tổng số kê khai).
Hiện những địa chỉ còn lại đang phải tiếp tục xử lý để trình phương án xử lý trong năm 2013. Trong đó, 46 địa chỉ nhà đất thuộc khối TP do Công ty TNHH Một thành viên Quản lý kinh doanh nhà TP tạm quản lý, BCĐ 09 tiếp tục trình UBND TP trong quý 1- 2013. Riêng 36 địa chỉ nhà đất thuộc khối trung ương có đến 33 địa chỉ nhà đất của Bộ NN-PTNT chưa xử lý là do phương án của bộ hầu như sử dụng theo hiện trạng, chưa nâng cao hiệu quả sử dụng đất. UBND TP đã xin ý kiến của Bộ Tài chính về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất của Bộ NN-PTNT nhưng đến nay vẫn chưa được phản hồi.
Thu hồi xây siêu thị bán hàng bình ổn
QĐ 80/CP năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ (nay là QĐ 09/2007) quy định: nhà đất của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, công ty nhà nước thực hiện kê khai sắp xếp lại, xử lý là các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, trong đó bao gồm các nhà đất thuộc sở hữu nhà nước của các Công ty Dịch vụ công ích TP, quận - huyện đang quản lý cho thuê để làm nhà ở. Tuy nhiên, trong nguyên tắc xử lý của QĐ 09 lại không hướng dẫn cụ thể việc xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đang cho thuê, biểu mẫu kê khai ra sao.
Chính vì thế, BCĐ 09 cho biết, liên quan đến các mặt bằng nhà đất đang cho thuê, mượn sau khi phương án tổng thể nhà đất được phê duyệt, một số đơn vị vẫn chưa chấm dứt các hợp đồng cho thuê nhưng việc chế tài lại gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như nhà đất số 62A Xô Viết Nghệ Tĩnh quận Bình Thạnh của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn; nhà đất số 51 Phạm Ngọc Thạch quận 3 của cơ quan đại diện Bộ Y tế là những mặt bằng hiện đang cho thuê một phần nhỏ trong khuôn viên và một phần diện tích sàn sử dụng vẫn chưa chấm dứt hợp đồng nên vẫn chưa giải quyết được.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ, UBND TP vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP năm 2013 mà UBND TPHCM vừa ban hành. Theo đó, trong năm 2013, BCĐ 09 phải trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt hoàn tất phương án xử lý tổng thể nhà đất của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP. UBND TP cũng yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Quản lý kinh doanh nhà TP và các công ty dịch vụ công ích quận-huyện kê khai bổ sung các nhà đất đang cho thuê làm nhà ở. Các cơ quan, đơn vị đã được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất sẽ báo cáo UBND TP về tiến độ thu hồi, bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất. “Các mặt bằng nhà đất dôi dư do đơn vị bỏ trống, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không hiệu quả sẽ được sắp xếp lại để xây dựng cửa hàng, siêu thị bán hàng bình ổn thị trường” - UBND TP nêu rõ.
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: