Tính đến đầu tháng 12-2008, cầu Rạch Miễu đã hoàn thành hơn 96% khối lượng công việc. Hàng trăm công nhân của Công ty cầu 12, cầu 14 thuộc Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1, Công ty Công viên cây xanh tỉnh Tiền Giang… đang khẩn trương thực hiện các phần việc, như: Thi công trải nhựa nóng mặt cầu, làm vệ sinh lan can, xây dựng trạm thu phí, công viên cây xanh dưới dạ cầu, đường dẫn lên cầu…
Có cầu: Thu hút nhà đầu tư
Cầu Rạch Miễu nối liền hai bờ sông Tiền, nằm trên quốc lộ 60 khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội phát triển cho tình Bến Tre. Công trình cầu Rạch Miễu nằm cách phà Rạch Miễu 1km về phía thượng lưu. Với tổng chiều dài 8.246m, trong đó phần cầu chính dài hơn 2.868m, được khởi công xây dựng ngày 30-4-2002, cầu Rạch Miễu là công trình cầu dây văng đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế, thi công, trong đó phần thiết kế - giám sát do Tổng Công ty tư vấn thiết kế (Bộ Giao thông Vận tải) đảm nhiệm. Tổng trị giá đầu tư cầu khoảng 1.400 tỷ đồng, trong đó 58% vốn ngân sách nhà nước và 42% vốn BOT.
Trước đây, khi chưa có cầu, người dân buộc phải đi qua phà Rạch Miễu để tới xứ dừa Bến Tre. Vào những ngày lễ tết, tình trạng kẹt phà diễn ra khá phổ biến. Tình hình này ảnh hưởng trực tiếp đến sự thông thương đi lại và trao đổi hàng hóa từ tỉnh Bến Tre tới các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Khi được chính thức đưa vào sử dụng, cầu Rạch Miễu sẽ phá vỡ thế cô lập của tỉnh Bến Tre và nối Bến Tre với các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Long An và TP HCM. Sự kiện này sẽ tạo đà cho việc kêu gọi đầu tư thúc đẩy kinh tế xã hội của khu vực.
Cách đây hơn 6 năm, trước lúc Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải phát lệnh khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu, sức hút các nhà đầu tư về Bến Tre rất thấp. Sau khi cầu được phát lệnh khởi công xây dựng, tình hình đầu tư về Bến Tre đã khác. Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại - đầu tư tỉnh Bến Tre: Năm 2004, tổng vốn đầu tư vào Bến Tre chỉ khoảng 5 triệu USD, nhưng đến năm 2006 vọt lên 23 triệu USD. Năm 2007, vốn từ các nơi liên tục đổ dồn về Bến Tre. Năm 2008, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Bến Tre đứng thứ 14/64 tỉnh thành, đã tăng 12 bậc so với năm 2006.
Náo nức chờ đón
Trong những ngày này, sự kiện thông xe kỹ thuật và khánh thành cầu Rạch Miễu là vấn đề người dân 2 bờ sông Tiền quan tâm nhất. Đi đâu cũng nghe người dân đề cập đến sự kiện trọng đại và quan trọng này. Ông Lê Văn Thân, 49 tuổi, nhà ở số 10/9 đường Phan Thanh Giản, khu phố 2, phường 3, thành phố Mỹ Tho tâm sự: “Đối với chúng tôi, cầu Rạch Miễu là sự kiện thế kỷ vì nó giúp ích rất nhiều cho sinh hoạt, đời sống, đi lại của bà con.
Trước đây, muốn qua tỉnh Bến Tre tôi phải mất cả tiếng đồng hồ đi phà vượt qua 4 cái cồn. Bây giờ, thì quá thuận tiện chỉ vài phút qua cầu là xong việc. Chúng tôi xin cám ơn Nhà nước, cám ơn mấy chú công nhân đã lao động rất nhiệt tình để xây dựng cầu Rạch Miễu!”. Khó có thể diễn tả được sự náo nức, mong chờ ngày cầu Rạch Miễu đưa vào hoạt động của người dân 2 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang. Chị Phương Dung, 32 tuổi, nhà ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Tôi có công ty chế biến thủy sản trên Sài Gòn. Trước giờ phải qua phà nên hàng hóa vận chuyển chậm lắm. Nay có cầu Rạch Miễu, tôi tin công việc kinh doanh sẽ nhanh chóng, chi phí vận chuyển cũng sẽ giảm”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi phà Rạch Miễu ngưng hoạt động thì có khoảng gần 200 hộ và cả ngàn người đang kinh doanh tại hai đầu phà sẽ không còn việc làm. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, hầu hết người dân ở 2 bờ sông Tiền rất lạc quan chờ đón ngày thông xe và đưa vào hoạt động cây cầu Rạch Miễu.
Ông Nguyễn Thái Xây, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Công trình cầu Rạch Miễu đang bước vào giai đoạn nước rút. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành các công đoạn còn lại. Bộ cũng đã thống nhất với tỉnh cuối tháng 12-2008 sẽ thử tải cầu và ngày 19-1-2009 cầu Rạch Miễu sẽ khánh thành.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: