Top

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức: Chưa đạt yêu cầu

Cập nhật 24/01/2008 16:00

Năm 2007, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng)- đơn vị trực tiếp thụ lý hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) đối với tổ chức cấp 250 giấy chứng nhận, đạt 86,2% số hồ sơ. Kết quả này khá cao so với cả nước, nhưng so với mục tiêu đề ra vẫn chưa đạt yêu cầu.

Đất bị “biến dạng” Hình thức đất “biến dạng” khá phong phú, trong đó phần lớn là đất của tổ chức bị lấn chiếm. Chẳng hạn Công ty cổ phần Len có gần 3000 m2 đất tại đường Lê Lai (quận Ngô Quyền) mục đích sử dụng xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, nhưng để 4 hộ dân xây dựng nhà ở kiên cố, chưa bàn giao cho địa phương quản lý.

Tương tự, Công ty Xây dựng 204 có hơn 3.368 m2 đất tại phường Lãm Hà (quận Kiến An), nhưng để 2 hộ dân làm nhà ở từ năm 1985; Công ty cổ phần Xây lắp Hạ Long để 2 hộ dân xây nhà, Công ty cổ phần Cân tại xã Nam Sơn (huyện An Dương) để 1 hộ dân lấn chiếm đất xây nhà kiên cố....

Công ty cổ phần Đúc Tân Long tại xã An Hồng (huyện An Dương) lại lấn chiếm khoảng 1800 m2 vào đường quy hoạch. Hàng loạt doanh nghiệp trên đường 5 cũ thuộc phường Quán Toan (Hồng Bàng) lấn chiếm hành lang sông Cấm; một số đơn vị khác lấn chiếm hành lang đê, hành lang thoát lũ, công trình an ninh, quốc phòng...

Theo ông Phạm Quốc Ka, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, việc đất của khá nhiều doanh nghiệp không còn nguyên dạng như ban đầu, tự ý chia cắt, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, có trường hợp mua bán, chuyển nhượng bất hợp pháp nhiều lần, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sử dụng đất..., khiến quá trình thiết lập hồ sơ cấp GCN QSDĐ gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian để xác minh nguồn gốc, xử lý vướng mắc trước khi cấp. Do đó, việc cấp GCN QSDĐ cho tổ chức chậm. Ngoài ra còn có tình trạng tổ chức thiếu hồ sơ, nhưng không hợp tác với cơ quan chức năng.

Vướng về cơ chế, chính sách

Về cơ chế, chính sách cũng có không ít vướng mắc như: Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục lập hồ sơ cấp GCN QSDĐ đối với các tổ chức nhận chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê.

Mặt khác, những hồ sơ phải xác định nguồn gốc sử dụng đất cũng đòi hỏi nhiều thời gian, cá biệt có trường hợp hồ sơ gửi từ tháng 12-2006, nhưng vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời của Bộ Tài chính như trường hợp của Công ty Vận tải Xăng dầu khu vực 3.

Việc phối hợp giữa các ngành liên quan để xử lý hồ sơ theo quy chế “một cửa liên thông” chưa được thực hiện nghiêm túc tại một số cơ quan, đơn vị. Đội ngũ cán bộ làm công tác cấp GCN QSDĐ còn thiếu và yếu lại kiêm nhiệm nhiều việc, khiến việc định hướng hồ sơ ban đầu không chuẩn xác, có trường hợp phải làm đi, làm lại nhiều lần, gây bức xúc cho những tổ chức này. Ngay cả một số tổ chức thực hiện việc cấp đổi, nhưng trong quá trình thiết lập hồ sơ trước đây chưa phản ánh đúng hiện trạng, hoặc có sai sót trên GCN hoặc trên bản đồ địa chính, cũng phải đo vẽ, điều chỉnh lại...

Điều đáng nói, viêc cấp GCN QSDĐ đất đối với tổ chức thời gian qua chủ yếu vẫn thực hiện đối với các doanh nghiệp, còn các cơ quan hành chính sự nghiệp, hầu hết đều chưa có kinh phí thực hiện. Khắc phục những hạn chế nêu trên, thành phố đang hoàn thiện quy định trình tự, thủ tục cấp GCN QSDĐ đối với trường hợp chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê.

Đối với những hồ sơ do các ngành đang thụ lý, thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ làm việc với các ngành để tháo gỡ vướng mắc. Vấn đề quan trọng là tập trung nhân lực cho công tác này, theo đó Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (Sở Tài nguyên và Môi truờng) tiếp tục kiện toàn về tổ chức, nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ; bổ sung các thiết bị chuyên môn.

Theo Bộ TN - MT