Top

Cần quy định trách nhiệm của chủ đầu tư về chất lượng công trình

Cập nhật 25/08/2012 10:10

Hầu hết các công trình xây dựng trên cả nước, thuộc vốn ngân sách đều bị chậm tiến độ. Bên cạnh đó còn có tình trạng công trình xây xong không sử dụng hoặc chất lượng kém... gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước. Theo các chuyên gia xây dựng, để giải quyết tình trạng trên, cần có quy định về điều kiện năng lực và ràng buộc trách nhiệm chủ đầu tư đối với công trình xây dựng.

Khi quyền nhiều, năng lực ít

Tại các văn bản pháp luật hiện hành, đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) thì Chủ đầu tư xây dựng công trình do người quyết định đầu tư quyết định trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình.

Các căn hộ liền kề tại khu đô thị Văn Khê (quận Hà Đông) bị bỏ hoang. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Theo đó, đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, thì chủ đầu tư là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương (gọi chung là cơ quan cấp bộ), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và doanh nghiệp nhà nước. Riêng đối với dự án do bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan cấp bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư là đơn vị quản lý, sử dụng công trình.

Theo phân cấp trên, hiệu trưởng các trường học, giám đốc các bệnh viện, giám đốc bảo tàng, nhà hát hay thủ trưởng các cơ quan hành chính sự nghiệp các cấp, doanh nghiệp nhà nước... đều được quyền làm chủ đầu tư công trình xây dựng.

Các chuyên gia xây dựng cho rằng, quy định trên dẫn đến thực trạng là nhiều dự án do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan cấp bộ, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư thì chủ đầu tư không có đủ, thậm chí không có năng lực nghề nghiệp, kinh nghiệm nhưng vẫn được giao làm chủ đầu tư và BQLDA các công trình xây dựng.

Theo kỹ sư Lê Văn Thịnh, Trưởng Phòng giám định I, Cục giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), khi chủ đầu tư được phân quyền lớn mà năng lực không đi kèm tất dẫn tới nhiều hậu quả không tốt: Thứ nhất là, chủ đầu tư sẽ chọn nhà thầu thiết kế, khảo sát xây dựng thông qua quen biết là phổ biến, trong đó một số không nhỏ các công việc đã được "khép kín" (đặc biệt trong lĩnh vực giao thông do số lượng tư vấn chưa nhiều), hơn là chọn thông qua thi tuyển, đấu thầu theo quy định. Cũng vì vậy, suất đầu tư thường "bị" đẩy lên cao; phương án thiết kế không đảm bảo yêu cầu về kinh tế ngay từ đầu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình xây dựng; Thứ hai là, lúng túng trong việc lựa chọn và thay đổi vật liệu sau khi lựa chọn đơn vị thi công xây dựng. Việc thay đổi thường được đề xuất chủ yếu từ gợi ý của đơn vị thầu thi công, nhất là khi đơn giá dự thầu của từng chi tiết đã bỏ giá thấp trước đó. Việc đẩy giá thành công trình lên cao sau đấu thầu (nhất là khi còn khoản dự phòng phí) góp phần làm lãng phí và sự lãng phí cũng là nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng.

Chủ đầu tư phải chứng minh được năng lực

Có một thực tế là các công trình đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân thường hoàn thành đúng hạn và suất đầu tư bao giờ cũng thấp hơn công trình xây dựng vốn NSNN. Giải thích điều này, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, do công trình xây dựng được đầu tư bằng tiền của họ, do đó, khi chủ đầu tư thấy mình không có năng lực thì họ sẽ thuê tư vấn chuyên nghiệp để quản lý dự án với mục tiêu đảm bảo dự án được đầu tư hiệu quả nhất.

“Luật Xây dựng và Luật Doanh nghiệp cũng đã quy định: Nếu chủ đầu tư không đủ năng lực thì phải thuê tư vấn quản lý dự án. Nhưng quy định là một chuyện, còn thực tế, việc chủ đầu tư công trình xây dựng vốn NSNN đi thuê tư vấn để quản lý dự án thì rất ít. Nguyên nhân là do chủ đầu tư sợ... “mất quyền lợi”, ông Hùng nói.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề trên, ông Hùng cho rằng, chỉ cần đảo lại quy trình của quy định về chủ đầu tư hiện nay. Đó là thay vì quy định: “Trường hợp chủ đầu tư công trình xây dựng không có năng lực, kinh nghiệm thì phải thuê tư vấn quản lý dự án...” bằng quy định: “Tất cả các công trình xây dựng đều phải thuê tư vấn quản lý dự án độc lập, trường hợp chủ đầu tư chứng minh được năng lực, kinh nghiệm quản lý dự án thì mới được làm chủ đầu tư”.

“Chủ đầu tư thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kể từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến khi nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng bảo đảm tính hiệu quả, tính khả thi của dự án và tuân thủ các quy định của pháp luật”. - Khoản 1 Điều 34 và Khoản 1 Điều 35 Nghị định số 12/2009/NĐ - CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Đồng quan điểm trên, kỹ sư Lê Văn Thịnh cho rằng, cần phải có quy định chủ đầu tư công trình xây dựng sử dụng vốn NSNN phải là đơn vị pháp nhân, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có người đại diện chủ đầu tư phù hợp với loại dự án, có đủ kiến trúc sư, kỹ sư, kỹ sư kinh tế phù hợp với yêu cầu của dự án; đã thực hiện quản lý ít nhất 1 dự án cùng nhóm hoặc 2 dự án nhóm thấp hơn liền kề.

Về lâu dài, ông Hùng cho rằng, để đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu tư các công trình xây dựng, tốt nhất là thành lập các ban quản lý dự án khu vực hoặc ban quản lý dự án các ngành, lĩnh vực. Khi có các ban quản lý chuyên nghiệp, họ sẽ chịu trách nhiệm từ A đến Z trong việc triển khai các công trình xây dựng thuộc lĩnh vực mình hiểu biết. Ví dụ: nếu là Ban quản lý dự án trường học, họ sẽ chuyên nghiệp từ việc thiết kế công trình giảng đường, thư viện, nhà thể thao, thí nghiệm... đến chọn giải pháp thi công, vật liệu, xử lý các sự cố khi xảy ra. Điều này đảm bảo các công trình được thiết kế và thi công bằng các giải pháp tối ưu nhất, xử lý các sự cố nhanh nhất. Và khi công trình xây dựng có vấn đề, họ là người phải chịu trách nhiệm. “Theo các quy định hiện nay về chủ đầu tư công trình xây dựng vốn NSNN, tưởng rất đầy đủ, chặt chẽ. Nhưng khi công trình xảy ra sự cố, kém chất lượng, hiệu quả thì lại không quy được ai là người chịu trách nhiệm”, ông Hùng nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Tin Tức