GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng dự thảo sửa đổi vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng.
* Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới. Theo ông, dự thảo do Bộ TN&MT vừa đưa ra đã đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, mong mỏi của người dân hay chưa?
+ GS-TSKH Đặng Hùng Võ (ảnh): Mặc dù dự thảo luật đã đưa ra được khá nhiều điểm đổi mới nhưng theo tôi vẫn chưa đủ. Một trong những bức xúc trọng tâm trên thực tế hiện nay là việc áp dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất. Nguy cơ tham nhũng từ đây và khiếu kiện của dân cũng từ đây. Rất tiếc là dự thảo luật chưa đưa ra được những đổi mới cần thiết! Cơ chế nhà nước thu hồi đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn được giữ như Luật Đất đai hiện hành. Việc sửa những quy định này là điều mong mỏi nhất của dân, nhất là của những người đang hoặc sẽ bị thu hồi đất.
Sửa luật để loại bỏ nguy cơ tham nhũng
* Ngoài cơ chế thu hồi đất còn có những nội dung gì cần phải sửa ở Luật Đất đai, mà dự thảo luật mới chưa làm được?
+ Như trên đã nói, các quy định về cơ chế nhà nước thu hồi đất cần phải được đổi mới triệt để nhằm: Một là làm lành mạnh hóa quá trình đầu tư phát triển, không còn các dự án treo. Hai là đỡ gây cơ hàn cho những người bị thu hồi đất. Ba là loại bỏ được các nguy cơ tham nhũng.
Cơ chế nhà nước thu hồi đất trong dự thảo vẫn giữ như luật hiện hành, ngoài ra có sự khuyến khích áp dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch. Tuy nhiên, “khuyến khích” không phải là quy định của pháp luật. Hơn nữa, cơ chế nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch cũng thiếu sức sống, vì nhiều nơi đã thu hồi đất nhưng lại để hoang hóa do quy hoạch thiếu khả thi. Điều này làm người bị thu hồi đất rất bất bình.
Thu hồi đất xây dựng khu đô thị mới quận 2, TP.HCM. Ảnh: HTD
Điểm thứ hai cần phải sửa nhưng chưa đổi mới được bao nhiêu là hệ thống tài chính đất đai và giá đất. Luật Đất đai hiện hành đã xây dựng được hệ thống tài chính đất đai trên nguyên tắc giá đất phải phù hợp thị trường nhưng lại chưa hình thành được khung pháp lý về quy trình để định giá đất cho phù hợp thị trường. Cuộc sống thực tế đang yêu cầu làm rõ, xây dựng hợp lý một hệ thống quyết định giá đất độc lập với hệ thống quyết định về đất đai. Tiếp theo là những cơ chế giải quyết tranh chấp về giá đất, khiếu nại về giá đất. Tất cả những đổi mới theo các yêu cầu này đều chưa nhìn thấy trong dự thảo Luật Đất đai.
Cân bằng lợi ích người có đất và người có tiền
* Ông nói phải sửa triệt để cơ chế nhà nước thu hồi đất, vậy nên sửa theo hướng nào?
+ Thứ nhất, phải thu hẹp phạm vi áp dụng của cơ chế nhà nước thu hồi đất; không được áp dụng một cách quá rộng rãi cơ chế này như hiện nay. Thứ hai, khi áp dụng cơ chế này, cần phải quan niệm người có đất là người dân và người có tiền là nhà đầu tư đều được hưởng lợi từ dự án đầu tư chứ không chỉ người có tiền mới được hưởng lợi từ dự án đầu tư.
Tại sao người dân bị thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên) lại không đồng thuận? Đó là vì người ta thấy lúc này chỉ có ông chủ đầu tư là được lợi. Người dân đưa đất ra, nhận tiền xong thì phải ra đi. Điều này làm cho người dân có đất cảm thấy bị tước đoạt đất. Đó là cơ chế không hay.
Làm sao để người dân có đất được hưởng lợi từ dự án đầu tư? Có rất nhiều cách. Ví dụ, ở Văn Giang, nếu mỗi hộ dân bị thu hồi một sào đất nông nghiệp (360 m2) thì họ được nhận lại 36 m2 đất tại khu đô thị mới. Khi người ta có đất tại khu đô thị mới thì người ta sẽ sống chết với khu đô thị mới và tìm cách phát triển khu đô thị mới.
* Xin cảm ơn ông.
“Năng” sửa đổi nên không ổn định
* Đã sửa đổi nhiều lần nhưng Luật Đất đai hiện vẫn còn nhiều tồn tại. Vì sao vậy, thưa ông?
+ Luật Đất đai luôn quan trọng vì là quyền hưởng dụng chính đáng của cả quốc gia và của mọi tổ chức, cá nhân. Luật Đất đai đang chuẩn bị trình Quốc hội lần này là Luật Đất đai mới thứ tư. Nếu kể cả luật sửa đổi, bổ sung thì đây là lần thứ sáu Luật Đất đai được ban hành mới và sửa đổi.
Một trong những nhược điểm của quá trình xây dựng pháp luật đất đai nước ta là rất “năng động” trong sửa đổi, bổ sung. Vấn đề chưa thống nhất đa số thì để lại quyết định sau. Và khi đã quyết định mà không phù hợp thực tế là sửa đổi ngay. Cách làm đó có tính tích cực về mặt cầu thị nhưng lại rất tiêu cực khi không tạo được một môi trường pháp luật ổn định. Cách làm này cũng thể hiện một điểm chung là thiếu lý luận thống nhất. Xây dựng luật pháp như vậy là chỉ dựa vào thực nghiệm, ít nghiên cứu đầy đặn về lý luận. Đây là lý do chính gây nên tình trạng pháp luật đất đai sửa đổi, bổ sung liên tục nhưng vẫn tồn tại bức xúc trong xã hội.
* Theo ông, cần phải làm gì trong thời gian tới để tránh tình trạng trên?
+ Theo tôi, chúng ta cần mở rộng các kênh lấy ý kiến đóng góp và thực sự cầu thị khi nghe ý kiến góp ý cho việc sửa luật. Nghe trực tiếp ý kiến của dân, nghe kinh nghiệm của nước ngoài. Các đại biểu Quốc hội cần nghe ý kiến nhiều hơn lúc nào hết. Có như vậy mới loại bỏ được sự duy ý chí chủ quan trong xây dựng luật pháp. Để pháp luật đi vào được cuộc sống thì trước hết phải đưa được cuộc sống vào pháp luật.
DiaOcOnline.vn - Theo PLTP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: