Nhiều khu đất của nông trường đang được san ủi làm biến dạng, phân chia thành lô, thửa, xây dựng các công trình trái phép, nhà nghỉ, biệt thự…
Đoàn giám sát (Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội) làm việc với UBND TP Hà Nội ngày 23/8.ảnh V.H
Đây là một trong những biến tướng của đất nông lâm trường được UBND TP Hà Nội đưa ra tại buổi làm việc với Đoàn giám sát (Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội) ngày 23/8.
Cho dân “mượn” đất làm nhà
Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 57 nông, lâm trường, trạm trại với tổng diện tích trên 11.700ha (gần 2.500ha do Bộ NN&PTNN quản lý, Hà Nội quản lý trên 9.200ha). Theo UBND thành phố, trong các nông trường, trạm trại thì đất đai là tài sản, tư liệu sản xuất chủ yếu. Nhưng công tác quản lý đất đai lại yếu kém, bất cập tồn tại trong thời gian dài mà không được xử lý hoặc xử lý không triệt để. Các cơ quan nhà nước, các nông lâm trường lúng túng trong đổi mới mô hình hoạt động; quy định chồng chéo giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNN; Người lao động quen với bao cấp, sợ chuyển đổi mô hình mới sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi…
Đó là những nguyên nhân gây nên tình trạng sử dụng đất sai mục đích, để đất hoang hóa, bị lấn chiếm, cho thuê, hợp tác, liên doanh, liên kết, bố trí nhà ở, mua bán, chuyển nhượng đất trái pháp luật diễn ra phức tạp. Cụ thể, Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Môncađa, mặc dù không được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất nhưng đã tự ý chuyển đổi mục đích giao hơn 20ha đất nông nghiệp cho 209 hộ làm nhà, vườn. Trạm thực nghiệm giống cây rừng Ba Vì tự giao 4,47ha cho 22 hộ khu vực Cẩm Quỳ (xã Cẩm Lĩnh, Ba Vì) “mượn” đất làm nhà và vườn. Đơn vị này cũng cho 12 hộ khu vực Đá Chông (xã Ba Trại, Ba Vì) “mượn” đất làm nhà ở.
9.590 vụ khiếu nại tố cáo đất đai
Theo báo cáo của thành phố Hà Nội gửi Đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong 9 năm (2003-2011), trên địa bàn Hà Nội có 9.590 vụ khiếu nại tố cáo liên quan đất đai. Cũng trong thời gian trên, thành phố đã xử lý kỷ luật 251 cán bộ công chức liên quan đến các sai phạm trong lĩnh vực đất đai. |
Đối với các nông lâm trường đã thực hiện cổ phần hóa, nhiều hợp đồng giao khoán đất không được theo dõi, quản lý chặt chẽ, nhiều khu đất đang được san ủi phân lô làm nhà nghỉ, biệt thự. Điển hình như Công ty CP Giống gia cầm Ba Vì đã tự ý giao gần 21ha đất cho các hộ gia đình sử dụng làm nhà ở đất vườn; ký hợp đồng, thu tiền và giao đất cho một số tổ chức thuê với thời hạn 30 năm. Trung tâm Dịch vụ và chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp Ba Vì đã tự chuyển đổi 9,52ha đất nông nghiệp thành đất ở và giao cho 229 hộ dân…
Hà Nội đã mất bao nhiêu cán bộ?
Tại buổi làm việc, UBND TP Hà Nội đã đưa ra 2 báo cáo: Báo cáo quản lý và sử dụng đất tại các nông trường, trạm trại trên địa bàn từ năm 2003 – 2011; Báo cáo giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai từ năm 2003 – 2011. Tổng cộng cả 2 báo cáo trên là 23 trang giấy A4. Không thỏa mãn với nội dung báo cáo, các thành viên của Đoàn giám sát đã đưa hàng loạt câu hỏi chất vấn UBND thành phố.
Đại biểu Bùi Thị An đặt câu hỏi: Sau 9 năm thi hành Luật Đất đai (từ năm 2003 đến 2011 - PV) Hà Nội đã mất bao nhiêu cán bộ? Lý do mất là do năng lực của cán bộ hay phẩm chất quá kém? Bà An cho biết, qua kiểm tra giám sát thực tế cho thấy nhiều cán bộ không được đào tạo chuyên môn nên khó giải quyết thấu đáo những vấn đề liên quan đến khiếu kiện trong lĩnh vực này.
Phó ban Dân nguyện (Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội) Nguyễn Công Súy thẳng thắn đặt vấn đề: Tính sát thực của báo cáo này thế nào? Tính đúng đắn đến đâu?
Ông Chu Sơn Hà (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Trưởng đoàn giám sát) cho rằng, qua kiểm tra, giám sát cho thấy những bất cập liên quan đến quy định về tiêu chí rà soát thu hồi đất đai của nông lâm trường quốc doanh. Ví dụ như tiêu chí rà soát đất đai chưa rõ ràng và chưa phù hợp với đặc thù của từng vùng; Quy mô diện tịch rừng tối thiểu là bao nhiêu hecta thì được coi là nhỏ lẻ, phân tán để thu hồi; khoảng cách từ khu rừng đến khu dân cư bao nhiêu km thì được coi là gần khu dân cư cần thu hồi lại giao cho nhân dân; Những diện tích rừng, khu vực rừng của nông lâm trường quốc doanh như thế nào được coi là sử dụng đất không hiệu quả… Bên cạnh đó còn nhiều văn bản, quy định chồng chéo về chức năng quản lý đất đai giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT.
Tuy nhiên những câu hỏi của đại biểu đã không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía UBND thành phố.
DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: