Xung quanh việc diện tích đất nông nghiệp và đặc biệt là đất trồng lúa đang bị thu hẹp dần do phát triển khu công nghiệp và khu đô thị mới một cách ồ ạt ở những vùng đồng bằng chuyên canh lúa, Báo giới đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH Đặng Hùng Võ (ảnh) - nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT để tìm hiểu những vấn đề liên quan, cũng như các giải pháp hạn chế tình trạng này.
* Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, thời gian qua, chúng ta đã mất quá nhiều đất nông nghiệp và nhất là đất ruộng lúa cho việc phát triển khu công nghiệp và khu đô thị mới. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
Vấn đề này đã được báo động từ lâu, thậm chí là từ trên 10 năm trước đây. Ý kiến của Quốc hội về vấn đề này rất gay gắt và Chính phủ cũng luôn coi là trọng điểm. Đây là việc mà Trung ương đã cảnh báo và chỉ đạo rất cụ thể với mức độ rất quyết liệt.
Trong quá trình phát triển công nghiệp, nhiều địa phương thuộc 2 vùng lúa Bắc bộ và Nam bộ đã lấy đất chuyên trồng lúa gọi là “bờ xôi ruộng mật” ấy, ven đường, thuận lợi về giao thông để chuyển sang làm khu công nghiệp.
Hiện nay, dọc 2 bên Quốc lộ 5 đã gần mọc kín những nhà máy, khu công nghiệp, khu dân cư trên vùng ruộng lúa trước đây. Dọc Quốc lộ 1 từ Biên Hòa qua TPHCM tới Tân An rồi Mỹ Tho cũng thấy quang cảnh tương tự như vậy, đất lúa và đất trồng cây công nghiệp lâu năm cũng đã nhường chỗ cho khu công nghiệp, khu đô thị, sân golf rất nhiều.
Ở ĐBSCL, còn một tình trạng nữa là tự phát chuyển đất chuyên lúa sang nuôi trồng thủy sản với hy vọng kiếm lợi nhuận nhiều hơn. Ai cũng nhìn thấy rõ, những ruộng lúa phải mất mấy đời người mới tạo nên được, những vùng chuyên canh lúa đã được hình thành từ ngàn đời nay mà bây giờ đã chuyển đổi sang làm việc khác thì thật lãng phí.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta cần phải có đất để phát triển công nghiệp và dịch vụ, tức là phải chuẩn bị một quỹ đất khá lớn để xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị... Nếu lấy đất chuyên lúa cạnh đường giao thông chuyển sang làm khu công nghiệp, khu đô thị mới thì tiện lợi là không phải tốn nhiều tiền để đầu tư làm hạ tầng, san mặt bằng. Vào thời điểm 5 năm trước đây, Chính phủ đã đưa ra chủ trương phải đầu tư hạ tầng đến những vùng đồi núi, vùng bán sơn địa, nơi đất có ít tiềm năng nông nghiệp để sử dụng vào mục đích làm khu công nghiệp, khu đô thị mới.
Tất nhiên, làm như vậy thì phải có tiền đầu tư trước hạ tầng như làm đường, san lấp mặt bằng, kéo điện, cấp nước,… mới lôi cuốn được các nhà đầu tư vào các vùng này và chúng ta bảo vệ được quỹ đất có khả năng nông nghiệp cao. Chủ trương rất đúng, nhưng các địa phương thực hiện không được bao nhiêu, nhất là các tỉnh còn nghèo, vì không có tiền để đầu tư trước hạ tầng.
* Vấn đề đã được cảnh báo từ lâu, và như ông nói là rất gay gắt. Nhưng gần đây, vấn đề này đã đến hồi căng thẳng và chúng ta cần phải làm một điều gì đó để ngăn chặn, kìm hãm sự mất đất nông nghiệp kiểu này?
Ở Việt Nam mình, giữa việc quy hoạch và triển khai quy hoạch, giữa ý tưởng và thực tiễn, giữa điều mong muốn và điều làm được còn có những khoảng cách nhất định, nhiều khi là khá xa. Có trường hợp là không có tiền trước để phát triển hạ tầng ở vùng kém tiềm năng nông nghiệp nên đành “cam chịu” lấy đất lúa ven đường để “giữ chân” nhà đầu tư dự án. Cũng có trường hợp do chịu áp lực của nhà đầu tư vì họ chỉ đầu tư tại địa điểm do họ lựa chọn.
Khoảng 2 năm trước đây, Chính phủ đã phải xử lý đối với tình trạng các tỉnh đua nhau thu hút đầu tư nên đã “vượt rào” trong việc áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư. Nhà đầu tư thường rất coi trọng địa điểm đầu tư, đó là một ưu đãi mà không có luật nào ràng buộc. Vậy là, tình trạng mất đất chuyên lúa, đất có khả năng nông nghiệp cao vẫn còn diễn ra.
Rất nhiều người đưa ra quan điểm là nên chuyển đất chuyên lúa hiện nay sang sử dụng vào mục đích khác vì có thể khai hoang tạo thêm đất lúa từ đất chưa sử dụng, ví dụ như khi lấy đi 1 ha ruộng chuyên lúa thì sẽ khai hoang thêm 3 ha làm ruộng lúa mới để bù vào. Cực đoan hơn, có người còn cho rằng phát triển công nghiệp thu được nhiều lợi nhuận hơn trồng lúa rồi lấy tiền đi mua gạo của nước khác. Tôi cho rằng tất cả những lý luận đó đều là ngụy biện. Cả thế giới hiện đang đứng trước nguy cơ của những tai biến lớn do biến đổi khí hậu, đất trồng lương thực có thể bị thu hẹp do nạn nước biển dâng, thiếu lương thực toàn cầu có thể xảy ra. Vì vậy, bảo vệ diện tích đất chuyên trồng lúa nước ở mức cần thiết cho an ninh lương thực là mục tiêu rất quan trọng.
* Tại sao Chính phủ đã nói nhiều, nhưng trong quá trình quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu đô thị mới chúng ta lại không ráo riết hơn trong nghiêm cấm sử dụng đất trồng lúa, đẩy những khu công nghiệp, khu đô thị mới lên những vùng đất phi nông nghiệp?
Như trên tôi đã nói, nhiều khi biết là cần làm nhưng lại khó thực hiện trên thực tế vì nhiều lý do có liên quan đến môi trường đầu tư phát triển công nghiệp. Điều cần nói thêm ở đây là quy hoạch của chúng ta còn nhiều bất cập. Nhiều lần đã đưa ra ý tưởng cần cắm mốc giới những diện tích đất nông nghiệp cụ thể cần bảo vệ, không được quyền chuyển mục đích sử dụng, nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện được.
Tôi biết là ở nhiều nước khác, như Trung Quốc chẳng hạn, người ta đã “đóng chỉ giới” đối với diện tích đất nông nghiệp cần bảo vệ mà bất kỳ ai cũng không được thay đổi. Tôi cho rằng, thời gian tới chúng ta cũng phải làm cách này cho bằng được.
* Theo tính toán của Bộ NN-PTNT thì đất trồng lúa của chúng ta hiện có hơn 4 triệu ha và để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, chúng ta phải giữ vững diện tích đó. Theo ông liệu chúng ta có làm được điều đó không? Và sẽ làm như thế nào?
Theo quy hoạch sử dụng đất của cả nước đến năm 2010, chúng ta cần giữ 4 triệu ha đất lúa nước, trong đó được phép chuyển 200.000 ha sang sử dụng vào mục đích khác nhưng không làm mất ruộng lúa để khi cần thiết có thể quay trở lại trồng lúa.
Đất nước ta đã làm được những việc cực kỳ khó khăn khi có quyết tâm của cả dân tộc. Vậy thì, việc bảo vệ 4 triệu ha đất lúa nước là điều hoàn toàn làm được, miễn là có quyết tâm.
* Hiện nay quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp ở các địa phương chuyển sang mục đích phi nông nghiệp càng ngày càng tăng. Bộ TN-MT đã làm những gì để hạn chế tình trạng này?
Theo tôi biết, Bộ TN-MT không có chức năng xét duyệt quy hoạch sử dụng đất của bất cứ cấp nào; bộ có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội quyết định; thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trình Chính phủ xét duyệt và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp.
Việc bảo vệ 4 triệu ha đất lúa đã được bộ đưa vào cân đối khi thẩm định quy hoạch sử dụng đất các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất ở địa phương. Các tỉnh có dự kiến việc chuyển đất lúa sang sử dụng vào mục đích khác trong quy hoạch sử dụng đất đều được xem xét kỹ lưỡng, cần có sự nhất trí của Bộ NN-PTNT. Việc quy hoạch cụ thể các khu công nghiệp, khu đô thị lại thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng.
* Cùng với việc phát triển của các khu công nghiệp, khu đô thị mới, có vẻ như hiện nay việc chăm lo đời sống, việc làm cho người nông dân mất đất vì những khu công nghiệp, đô thị mới đó chưa được tốt lắm. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Đây là vấn đề lớn, đã được đặt ra như một tiêu điểm cần giải quyết thật tốt trong thời gian qua. Đây chính là quá trình thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu lao động thuộc khu vực nông thôn song song với quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất.
Pháp luật đã quy định là khi người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường thì được bồi thường bằng đất dịch vụ, đất ở với giá bằng đất nông nghiệp cộng với kinh phí xây dựng hạ tầng, nếu bồi thường bằng tiền thì được tính theo giá đất phù hợp với giá đất thực tế trên thị trường, ngoài ra còn được hỗ trợ việc đào tạo ngành nghề để chuyển đổi nghề nghiệp.
Cái khó hiện nay là trình độ lao động ở khu vực nông thôn không cao, rất khó bố trí công việc trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Hầu hết các doanh nghiệp cũng đã thực hiện việc tuyển lao động tại chỗ, trực tiếp từ các gia đình bị thu hồi đất nhưng chỉ được vài lao động đơn giản, bố trí làm bảo vệ. Để xử lý được vấn đề này, chúng ta phải có sự đầu tư dài hơi vào giáo dục, đào tạo cho thế hệ trẻ tại khu vực nông thôn nhằm nâng cao tri thức, trình độ lao động… Đây chính là việc cần tới sự lo liệu, ưu đãi của Nhà nước đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn.
* Cảm ơn ông!
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: