Top

Cần coi người có đất là nhà đầu tư

Cập nhật 13/12/2008 09:45

“Hiện tất cả các dự án kết cấu hạ tầng như giao thông, cấp nước, vệ sinh đô thị... đều bị chậm tiến độ do vướng đền bù, giải phóng mặt bằng. Điều đáng nói nhất là chưa có sự công bằng giữa bên có đất bị thu hồi và bên đầu tư. Quy định về lĩnh vực thu hồi đất thiếu chặt chẽ, thực hiện thiếu tính chuyên nghiệp” Đó là nhận định của ông Phạm Sĩ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam trong buổi hội thảo Quy hoạch, đầu tư và vận hành kết cấu hạ tầng, hôm qua (12-12).

Nhiều chuyên gia cũng có chung nhận định: Các tranh chấp và khiếu kiện kéo dài về đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư đã gây nhiều thiệt hại cho chủ đầu tư, cho nhà thầu và cho cả người có đất bị thu hồi, làm giảm hiệu quả của dự án. “Việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng gây nhiều lãng phí trong đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng tổng mức đầu tư, kéo dài tiến độ thực hiện dự án” - ông Nguyễn Trọng Tín, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ.

Đề xuất việc hoàn thiện thể chế thu hồi đất, ông Liêm cho rằng cần xem người có đất là người đóng góp vào sự phát triển. “Họ góp đất cũng như chủ đầu tư góp vốn, vì vậy họ không phải là bên bị thiệt hại. Không những thế, cũng giống như chủ đầu tư, họ còn phải được hưởng lợi ích từ kết quả phát triển, chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc thu hồi vốn” - ông Liêm nhấn mạnh.

Theo nhiều nhà quản lý, việc đền bù, giải phóng mặt bằng, nên giao cho các lực lượng chuyên nghiệp, mà không nên giao cho công chức như hiện nay. Đối với các dự án phát triển hạ tầng, trước mắt nên thành lập một số doanh nghiệp nhà nước có đủ luật gia, kỹ sư xây dựng, kỹ sư nông nghiệp, chuyên viên giá, chuyên viên địa chính và chuyên gia xã hội học để làm dịch vụ thu hồi đất. Trong tương lai, loại doanh nghiệp này có thể cổ phần hóa. “Cần có những tổ chức chuyên nghiệp thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch và bàn giao cho các nhà đầu tư theo kế hoạch” - ông Tín nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP