Top

Cải tạo chung cư cũ: Nhà cũ nát, vẫn đòi đền bù cao

Cập nhật 08/05/2018 15:18

 - TP.HCM có tới 474 toà chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 và Hà Nội có khoảng trên 600 khối nhà thuộc diện hư hỏng nặng, nguy hiểm, chiếm khoảng 25% tổng số nhà chung cư cũ.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng cho biết quá trình kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại các đô thị trong năm 2017 cho thấy, hiện nay, cả nước có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ (hơn 3 triệu m2) có hơn 100.000 hộ dân sinh sống, được xây dựng trước năm 1994. Trong đó, Hà Nội có hơn 1.500 tòa, Tp.HCM có hơn 500 tòa, còn lại ở các tỉnh như Hải Phòng, Nghệ An, Phú Thọ, Thanh Hóa có vài chục tòa….

Hệ số đền bù cao

Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hiện thực hiện rất chậm do nhiều khó khăn vướng mắc không dễ tháo gỡ, mặc dù trước đó từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 34/2007/NQ-CP về cải tạo, xây dựng lại các chung cư bị hỏng, xuống cấp.

Việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ đang rất chậm.

Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, kết quả không đạt được yêu cầu đề ra. Cả nước mới chỉ thực hiện sửa chữa, cải tạo, xây dựng được khoảng hơn 10 nhà chung cư. Nhiều nhà chung cư cũ đã di chuyển, phá dỡ nhưng chưa thể xây dựng lại do vướng các cơ chế chính sách hoặc do người dân chưa đồng tình thực hiện.

Về vấn đề này, trước đó tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng, với tư cách là người trong cuộc khi tham gia cải tạo chung cư cũ ở khu Văn Chương, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng việc cải tạo chung cư cũ hiện còn lắm bức xúc, nhiều nhức nhối.

Ông Hiệp cho biết đơn cử như việc cải tạo chung cư cũ tại khu tập thể Văn Chương được xây dựng từ những năm 1960, khu nhà ở này đã có tuổi thọ 58 năm, người dân sống ở khu nhà này rất nguy hiểm, có thể sập bất kỳ lúc nào.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn hiện nay là người dân có tâm lý cải tạo chung cư cũ là việc của Nhà nước chứ không phải việc của dân. Thế nên, khi cải tạo, người dân thường đòi hệ số đền bù gấp 2 - 2,5, thậm chí 5 lần mà cơ chế về vấn đề này chưa có.

“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ có quyết định giao cho HĐND cấp tỉnh, theo từng khu vực có hệ số đền bù là bao nhiêu để nhà đầu tư có thể áp dụng. Cải tạo chung cư cũ rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về ngân sách, nguồn đất tái định cư, nếu không doanh nghiệp sẽ lỗ nặng”, ông Hiệp đề xuất.

Chẳng hạn khu Văn Chương nếu xây dựng 24 tầng thì lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng. “Nếu lỗ như vậy sẽ không có doanh nghiệp nào dám nhận nhiệm vụ cải tạo chung cư cũ”, ông Hiệp nói.

Thực tế, khung chính sách cải tạo, xây mới nhà chung cư đã có, nhưng trong quá trình thực hiện phát sinh khó khăn, vướng mắc. Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đòi hỏi nguồn vốn lớn, khó thực hiện. Khó lập phương án bồi thường do đòi hỏi phải có quy hoạch chi tiết 1/500, tuy nhiên chỉ có quy hoạch chi tiết sau khi đã lựa chọn được chủ đầu tư.

Địa phương chưa quyết liệt

Trước thực tế cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại Tp.HCM, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở. Theo đó, nhà chung cư có tối thiểu bốn phần năm (4/5, khoảng 80%) các chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới thông qua Hội nghị nhà chung cư, nhằm giúp cho công tác phá dỡ chung cư cũ, xây dựng lại chung cư mới kết hợp với chỉnh trang đô thị được tiến hành thuận lợi hơn.

Ông Châu cũng kiến nghị bổ sung điều khoản quy định UBND cấp tỉnh được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ cấp D (cấp nguy hiểm) để sớm lựa chọn nhà đầu tư, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho biết, để thực hiện cải tạo, xây dựng các nhà chung cư cũ và những chung cư cấp độ D, hết niên hạn sử dụng, cần bổ sung quy định cho phép UBND cấp tỉnh được lựa chọn chủ đầu tư bằng vốn do doanh nghiệp huy động.

Các địa phương có nhà chung cư cũ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan tham gia quyết liệt. Việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ không chỉ của riêng cấp, ngành nào mà là của cả hệ thống chính trị.

Đối với các doanh nghiệp đã được giao làm chủ dự án mà tiến độ thực hiện chậm thì các địa phương phải có các chế tài để đưa ra các hình thức xử lý.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng, đặc biệt liên quan đến những khó khăn, vướng mắc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng 97% số nhà chung cư cũ vẫn chưa được cải tạo là điều các địa phương cần đặc biệt lưu ý.

“Đừng để cháy nhà, chết người mới nói đến chuyện cải tạo chung cư cũ. Vì vậy các cấp các ngành cần đề xuất các giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này”, Thủ tướng chỉ đạo.


DiaOcOnline.vn theo http://vnmedia.vn