Top

Quyền giám sát của công dân về đất đai: Còn hạn chế

Cập nhật 08/05/2018 15:15

Đó là vấn đề được chỉ ra tại Hội thảo giám sát trong quản lý và sử dụng đất do Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard - Bộ NN&PTNT) và một số tổ chức phi chính phủ vừa tổ chức tại Hà Nội.

Người dân chưa thật sự được chủ động giám sát

Kết quả khảo sát Dự án Công dân giám sát trong quản trị đất đai do Chương trình quản trị đất đai vùng Mê Kông hỗ trợ, kết hợp Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi; Tổ chức Oxfam và các tổ chức thuộc mạng lưới LANDA và FORLAND thực hiện từ tháng 7/2016 đến tháng 3/2018, trên địa bàn 4 xã/phường thuộc 3 tỉnh gồm xã Yên Bồng (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình); xã Sơn Thọ (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) và các phường Hưng Phú, Hưng Thịnh, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ cho thấy, mặc dù, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, công dân có quyền thực hiện giám sát quản lý và sử dụng đất đai thông qua 2 cơ chế là tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai (Điều 199 Luật Đất đai năm 2013), trên thực tế việc giám sát theo cả hai hình thức này còn nhiều hạn chế.

Người dân chưa thật sự được chủ động giám sát về đất đai. Ảnh: Hoàng Minh

Đơn cử, dù đã có một hành lang pháp lý cơ bản tương đối đầy đủ cho nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều bên liên quan, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội vào công tác giám sát quản lý đất đai chưa thường xuyên và chưa được thực thi hiệu quả. Đặc biệt, ở cấp xã, phường vai trò giám sát của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị khá mở nhạt. Thông tin khảo sát ở 4 xã phường trong phạm vi dự án cho thấy, ở thời điểm đầu năm 2017 có 2/4 xã phường chưa hề có bất cứ kế hoạch nào liên quan đến giám sát đất đai.

Về hoạt động giám sát đất đai trực tiếp của công dân, kết quả khảo sát của dự án cho thấy, công dân còn chưa thực sự ý thức được rõ quyền giám sát của mình với đất đai. Trong số 180 người được tham vấn ở 3 địa bàn khảo sát, có từ 83 - 93% người trả lời cho rằng, người dân nên được quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, tuy vậy, hiểu biết của họ về quyền giám sát đối với quản lý và sử dụng đất đai còn khá hạn chế. Tại Hà Tĩnh, chỉ có 25% số người tham gia khảo sát cho biết rằng họ có biết đến Luật Đất đai, tỷ lệ này ở Hòa Bình là 15%.

Mặc dù, biết là có Luật Đất đai, nhưng không nhiều người dân nắm được nội dung chi tiết của văn bản quan trọng này. Nguyên nhân do việc tiếp cận thông tin liên quan đến đất đai còn hạn chế. Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 50% số người được hỏi cho biết họ không tiếp cận được các thông tin liên quan đến đất đai. Đặc biệt, với các nội dung về thống kê, kiểm kê, thuê đất, giá đất, bồi thường tái định cư, luôn có từ 60 - 78% số người được hỏi trả lời họ không tiếp cận được thông tin này…

Đánh giá chung về các điều kiện để công dân có thể thực thi được quyền giám sát của mình, có đến 58,8% số người được hỏi trên địa bàn khảo sát cho rằng, với những điều kiện như hiện tại, công dân không thể thực hiện quyền giám sát đối với quản lý và sử dụng đất đai. Một mặt do họ chưa chủ động và chưa biết mình sẽ phải làm gì. Mặt khác, mặc dù, 4 xã/phường thực hiện khảo sát đều đang có những vướng mắc về đất đai nhưng số người có thể hiện quyền giám sát của mình cũng rất thấp và thực hiện dưới 3 hình thức: Góp ý, kiến nghị hoặc phản ánh thông qua các cuộc họp, hoặc đến cơ quan chức năng và đoàn thể.

Cụ thể hóa quy định

Để đẩy mạnh thực hiện nội dung này, Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi kiến nghị Bộ TN&MT và các Bộ, ngành Trung ương, cần sớm xây dựng và ban hành Thông tư, văn bản hướng dẫn chi tiết hơn để cụ thể hóa Điều 199 Luật Đất đai, trong đó, làm rõ vai trò, mức độ tham gia, nội dung, cách thức giám sát của người dân trong từng nội dung cụ thể.
Đồng thời, quy định rõ cơ chế báo cáo, thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu từ kết quả giám sát của công dân và của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên giám sát của công dân, trong hệ thống theo dõi và đánh giá quản lý sử dụng đất đai theo Điều 200 của Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra, hướng dẫn việc công khai thông tin liên quan đến đất đai một cách thực chất hơn theo quy định tại Điều 48 Luật Đất đai (về công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án thu hồi, đền bù...). Các hướng dẫn này cần được điều chỉnh theo hướng tăng cường các yêu cầu công khai, minh bạch thông tin và với các kênh thông tin đa dạng, dễ dàng tiếp cận và dễ hiểu hơn đối với người dân. Đối với các vùng khó khăn, dân trí hạn chế, cần có các quy định đặc thù để đảm bảo người dân tiếp cận được thông tin về đất đai một cách sớm và đầy đủ nhất theo tinh thần Nghị định 13/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin. Có quy định chế tài cụ thể đối với trường hợp không tuân thủ.

Viện này cũng kiến nghị, sớm hoàn thiện việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai để cung cấp thông tin đất đai một cách công khai, dễ tiếp cận từ các cơ quan quản lý đất đai và chính quyền địa phương khi có yêu cầu của người dân và các bên liên quan khác, đảm bảo phù hợp với những quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Có quy định chế tài cụ thể đối với trường hợp không tuân thủ.

Ngoài ra, cần đổi mới cơ chế tham vấn của người dân và các chuyên gia một cách thực chất hơn để phát hiện và điều chỉnh các vấn đề còn hạn chế trong các văn bản hướng dẫn liên quan đến quản lý và sử dụng đất. Đối với các trường hợp có sự thay đổi, chuyển dịch quyền sử dụng đất, cần có các yêu cầu tham vấn bắt buộc, trực tiếp với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi các dự án ngay từ giai đoạn đầu. Cần bổ sung các yêu cầu giải trình về hình thức, đối tượng và kết quả tham vấn trong hồ sơ dự án ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình thẩm định, phê duyệt và triển khai dự án. Có quy định chế tài cụ thể đối với trường hợp không tuân thủ.

DiaOcOnline.vn theo Baotainguyenmoitruong.vn