Dự án cải tạo nhà I1, I2, I3 Nam Thành Công đã trải qua 10 năm với 3 chủ đầu tư khác nhau mà đến nay vẫn cứ dậm chân tại chỗ. Chủ đầu tư hiện nay, sau gần 3 năm triển khai dự án thì cái được nhất có lẽ là việc đến gần với đại đa số các hộ dân và tìm hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ… Chính sách chưa rõ ràng, thủ tục chưa rõ “bài”, doanh nghiệp rơi vào thế khó, dừng cũng không được mà tiếp tục thì chẳng biết làm thế nào cho xong.
Không cần nói nhiều đến sự xuống cấp của 3 khu nhà này. Chỉ biết rằng, từ năm 1998, cư dân ở 3 khu nhà này không phải trả tiền thuê vì nhà xuống cấp. Năm 2001, Bộ Xây dựng đã khảo sát và xác định tình trạng xuống cấp ở mức độ nghiêm trọng, cần phải di dời ngay. Đã có những hộ dân tỉ mỷ ghi chép về tình trạng xuống cấp của ngôi nhà: “Tháng 3/2007, xuất hiện thêm 24 vết nứt, tại vị trí nhà A, B, C... Tháng 9/2007, ngập 3 lần, lần 1 ngập 40 cm, lần 2 ngập 70 cm, nước tràn hết các nhà, lần 3 ngập 50 cm...”
Hiện nay, nhà I1 đã lún khoảng 80 cm, nhà I2 lún sâu tới trên 1 mét. 10 năm kể từ năm 1998, lần lượt 3 chủ đầu tư đến, khảo sát, điều tra, họp hành đủ cả, rốt cuộc hai chủ đầu tư đã phải “dứt áo ra đi”. Nói về kết quả của dự án sau gần 3 năm theo đuổi, ông Lê Vũ Dũng, Tổng giám đốc Cty CP đầu tư địa ốc sông Hồng, chủ đầu tư hiện nay của dự án tỏ ra rất bức xúc, vì với 60 cán bộ đều thuộc diện có kinh nghiệm làm việc tích cực, không trừ ngày nghỉ, mà dự án mãi vẫn đứng yên một chỗ.
Ông Dũng nêu dẫn chứng: “Chỉ riêng dự thảo chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án, chúng tôi phải lấy ý kiến 6 cơ quan, nghĩa là phải có 6 chữ ký. Cứ xoay vòng, cơ quan này bảo được rồi, chạy qua cơ quan khác lại sửa, thế là đành quay lại chỗ cũ. Lòng vòng gần 2 tháng, mới có được 2 chữ ký của hai cơ quan, còn 4 cơ quan nữa thì doanh nghiệp không thể tiếp tục “đèn cù” được nữa. Cơ quan nào cũng có lý của mình, cũng giữ nguyên tắc nhưng 2 tháng mà không xong một biên bản cuộc họp thì biết bao giờ mới xong thủ tục cho dự án.
Ông Lê Vũ Dũng cho biết, các dự án cải tạo chung cư cũ nào cũng bị cuốn vào cái vòng luẩn quẩn không rõ hồi kết. Quanh vòng rồi lại vòng quanh, muốn GPMB, di dời dân thì phải thành lập Hội đồng GPMB, để lập Hội đồng phải có quyết định thu hồi đất, muốn có quyết định thu hồi đất phải có phương án tổng thể về bồi thường, tái định cư. Muốn ra phương án, phải có quy chế khung của thành phố (mà quy chế đang chờ phê duyệt sau mười mấy lần lấy ý kiến). Dù thế nào thì doanh nghiệp cũng phải cố làm cho được chứ không dám bỏ, vì như vậy sẽ đồng nghĩa chịu lỗ nặng nề.
Theo ông Lê Vũ Dũng, để có quỹ nhà di dời, tạm cư cho người dân, Cty chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm chỗ nhưng được cơ quan chức năng trả lời, quỹ nhà thành phố có giới hạn, tốt nhất là chủ đầu tư chủ động. Chủ đầu tư đã phải tìm đến Cty CP xây dựng Hồng Hà để thuê nguyên một khách sạn (khách sạn Hoàng Hà ở phố Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy) với 32 phòng để làm chỗ tạm cư. Thế nhưng, người dân vẫn chưa đồng ý, vì rằng chỗ ở tạm xa quá, đi lại không tiện, ăn uống dịch vụ, học hành sẽ như thế nào… Theo chủ đầu tư, việc tạm cư cũng là khâu khó có thể có được sự đồng thuận tuyệt đối. Vì thế, rất cần có sự vào cuộc một cách thực sự của chính quyền địa phương.
Mạnh dạn hơn nữa, doanh nghiệp đã đặt vấn đề mua lại các căn hộ từ phía người dân theo giá thị trường. Tăng thêm cách lựa chọn cho các hộ dân. Các hộ dân dù đã bán đứt căn hộ cũ nhưng vẫn được ưu tiên mua căn hộ mới, tất nhiên là cũng theo giá thị trường. Nhưng cách làm này lại gặp phải vướng mắc khó giải quyết. Nghị quyết 34/CP của Chính phủ cho phép chuyển nhượng quyền sở hữu nhà, song đối với những hộ chưa mua nhà của Nhà nước (chưa có sổ đỏ) thì lại không thấy nói xử lý thế nào. Chính quyền địa phương không chứng nhận, phòng công chứng cũng lắc đầu, giao dịch “ngầm” thì không dám, vì vi phạm quy định.
Thêm vào đó, khi đặt ra vấn đề thỏa thuận mua lại căn hộ, có hộ dân đã phát mức giá doanh nghiệp không thể chịu nổi. Căn hộ tầng 1 diện tích chưa đầy 70 m2, trong đó có 1/3 là đất lưu không mà đòi hơn 7 tỷ đồng.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: