Top

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng liệu có “thiêng”?

Cập nhật 17/06/2013 08:55

Với số phiếu tín nhiệm ‘không cao không thấp’ trong cuộc bỏ phiếu vừa qua tại Quốc hội, có lẽ ông Trịnh Đình Dũng không đến nỗi buồn bã như một số bộ trường bị phiếu tín nhiệm thấp, nhưng cũng chưa thể lạc quan.


Tái xuất

Vào quý 2/2013, Bộ trưởng xây dựng Trịnh Đình Dũng lại một lần nữa xuất hiện, nhưng không phải trong những cuộc hội thảo về triển vọng thị trường bất động sản, mà tại phiên trả lời chất vấn kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13.

“Đây cũng là điểm tốt, tạo điều kiện cho người có nhu cầu có thể mua nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, gần đây thị trường bất động sản đối với phân khúc nhà ở bình dân ở Hà Nội và TP.HCM đã có dấu hiệu ấm dần lên” – ông Trịnh Đình Dũng lên tiếng.
Giới kinh doanh bất động sản có thể hiểu tâm trạng muốn chia sẻ của bộ trưởng. Tình trạng đóng băng của thị trường cùng nợ xấu bất động sản chắc chắn không thể làm cho những người phụ trách ngành xây dựng hài lòng. Còn nếu không giải quyết được khối tồn kho hàng trăm ngàn căn hộ và hàng trăm ngàn tỷ nợ xấu, không loại trừ việc lãnh đạo ngành xây dựng sẽ bị Quốc hội đánh giá về trách nhiệm.

Còn nhớ một năm trước, trong buổi “đăng đàn” trực tuyến với người dân vào đầu tháng 6/2012 và lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào tháng 8/2011, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, người có tiếng là thận trọng trong phát ngôn và phát biểu, đã bàn đến… đáy của thị trường bất động sản.

Đáy?

Vào thời điểm đó, vẫn chưa có bất kỳ một tín hiệu nào cho sự hồi phục của thị trường. Bởi thế, có thể coi thái độ của bộ trưởng Dũng như một sự “dũng cảm”, lồng trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp bất động sản rơi vào trạng thái trầm uất. Thái độ đó cũng  là đáng lưu tâm đối với giới phân tích kinh tế và với cả giới đầu tư nhà đất - những người giữ đất và những người nắm tiền - đang đứng ngồi không yên với nỗi bức bí và cũng xen cả sốt ruột.

Cũng vào giữa năm ngoái, ông Dũng đã đặt mình vào vị trí một chuyên gia nhận định thị trường khi đề cập đến những khả năng biến động của bất động sản theo dạng parabol hay đáy chữ U. Đây cũng là một chủ đề đã từng được bàn tán sôi nổi trong giới phân tích bất động sản, nhưng thực ra lại chỉ thuộc về không khí của những cuộc hội thảo, tọa đàm về thị trường này, còn có liên quan và liên quan như thế nào với thị trường thì không ai có thể đoán định được. Nói cách khác, tất cả những dự báo được nêu ra sớm nhất và sốt sắng nhất đều đã chỉ rước lấy thất vọng tràn trề.

Có một cách nhìn, tuy không mới, nhưng lại được ông Trịnh Đình Dũng đề cập, điều mà trước đây dường như người cấp phó của ông - thứ trưởng Nguyễn Trần Nam - lại không mấy bàn tới. Đó là việc đáy của thị trường địa ốc Hà Nội có thể được xác lập từ quý 2/2011, còn tại TP.HCM thì từ tận năm 2009.

Có lẽ, đây cũng là cơ sở quan trọng để ông Dũng không khẳng định là thị trường bất động sản Việt Nam, sau chu kỳ đổ dốc vào cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới kéo theo Việt Nam trong năm 2008 và cả giai đoạn nguyên năm sau đó như một hành trình “hậu khủng hoảng”, thị trường sẽ phục hồi theo dạng parabol. Nếu có chăng, chỉ là một thị trường mang tính cá biệt như Hà Nội đã có một chu kỳ phục hồi khá ấn tượng từ giữa năm 2009 đến đầu năm 2011.

Còn riêng với thị trường bất động sản phía Nam, mẫu hình parabol đã không thể thành hình, khi cạnh đáy chữ L của nó đã kéo dài quá lâu. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng đã xác nhận rằng cái cạnh đáy đó đã làm mòn mỏi các chủ doanh nghiệp bất động sản và nhà đầu tư thứ cấp đến 3 năm trời qua.

Trong thực tế, đã 5 năm cho cạnh đáy ở TP.HCM nếu tính từ tháng 2/2008, khi các nhà đầu tư thứ cấp tại thành phố này choàng tỉnh qua một đêm và thấy mọi sự đều đảo lộn, Ngân hàng nhà nước thu về 20.000 tỷ đồng tín dụng dự trữ bắt buộc và thị trường lập tức đóng băng, rất nhiều hợp đồng mua bán trước đó đã trở nên vô hiệu…

Khoảng thời gian từ 3-5 năm lại thường ứng với một chu kỳ suy giảm và lập đáy của thị trường. Nếu đúng với “cảm giác” của những người lãnh đạo ngành xây dựng, thị trường nhà đất Hà Nội sẽ vẫn chưa thể lập đáy cuối cùng vì mới trải qua hai năm sụt giảm sau vùng đỉnh. Trong khi đó, cơ hội lại xuất hiện nhiều hơn ở TP.HCM, với cái đáy chữ L quá rõ ràng và mặt bằng giá nhà đất tại thành phố này chỉ bằng từ 1/2 đến 1/3 Hà Nội.

Nhưng sau lời bàn về đáy thị trường nhưng lại chưa có gì sáng sửa hơn, có lẽ cũng vì tình thế quẫn bách của doanh nghiệp bất động sản, bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã trở nên kiệm lời trong suốt cả năm qua. Tuy thế, không phải bầu không khí lắng đọng nào cũng mang màu sắc bi quan.

Quyết tâm!

Trong một cuộc hội thảo mới đây, khác với những nhận định về ‘giá nhà đất sẽ còn giảm hơn’, chuyên gia Đặng Hùng Võ lại tỏ ra sốt ruột khi ông cho rằng không nên dò xem cái đáy của thị trường bất động sản đang ở đâu, mà nên chú ý vào các điều kiện có thể mua nhà như hạ tầng, giao thông, giá cả…

Hiển nhiên, thái độ đồng thuận của một số chuyên gia đang là sự ủng hộ đối với Bộ trưởng xây dựng. Với số phiếu tín nhiệm ‘không cao không thấp’ trong cuộc bỏ phiếu vừa qua tại Quốc hội, có lẽ ông Trịnh Đình Dũng không đến nỗi buồn bã như một số bộ trường bị phiếu tín nhiệm thấp, nhưng cũng chưa thể lạc quan. Bởi ‘gánh nặng sơn hà’ bất động sản vẫn còn nguyên đó khi đã trải qua thời gian giữa hai kỳ họp quốc hội mà tình hình vẫn chưa có gì chuyển biến.

Sự chuyển biến duy nhất lại chỉ thuộc về … chính sách. Hiển nhiên trong thời gian qua, nhiều động thái cấp tập đã được Ngân hàng nhà nước và Bộ xây dựng tung ra. Gần đây nhất, Bộ xây dựng đã công bố danh sách các dự án nhà ở xã hội được vay từ gói 30.000 tỷ đồng.
Tương lai của thị trường vẫn đang còn ở phía trước. Nhưng lần xuất hiện mới nhất vào quý 2/2013 của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, tuy chỉ là mấy lời “bâng quơ”, nhưng lại mang những nội dung rõ hơn so với năm 2012, điểm xuyết cho một hy vọng mong manh.

Hình như chưa bao giờ Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng lại thể hiện rõ ‘quyết tâm’ như hiện thời.

Việt Thắng - DiaOcOnline.vn