Top

Bỏ cơ chế thương lượng giá bồi thường: Coi chừng dân không ưng

Cập nhật 03/04/2008 16:00

Dự án lớn giao cho nhà nước, dự án nhỏ thì chủ đầu tư tự thỏa thuận với dân.

Nhiều ý kiến cho rằng bỏ hẳn cơ chế chủ đầu tư thỏa thuận với dân trong giải phóng mặt bằng sẽ khắc phục được tình trạng người dân so bì, khiếu kiện dẫn đến dự án đầu tư bị kéo dài làm đội giá nhà, đất. Tuy nhiên, một số người lo ngại chưa chắc nhà nước đã kham nổi nếu phải thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tất cả các dự án.

Ông Nguyễn Khánh Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đất Xanh (TP.HCM):

Nhà nước chỉ nên làm những dự án lớn

Theo tôi, không nên xóa bỏ hẳn cơ chế chủ đầu tư thương lượng với dân. Chủ đầu tư tự thỏa thuận được thì cứ thỏa thuận hoặc có thể nhờ một công ty của thành phố có chức năng này. Đối với những khu đất lớn, quan trọng, cần có chiến lược phát triển lâu dài thì nhà nước thực hiện việc thỏa thuận, giải phóng mặt bằng rồi cho đấu thầu chọn chủ đầu tư.

Trước đây, khi nhà nước bồi thường thì giá thấp, người dân bị thiệt thòi nên họ không đồng ý. Bây giờ theo cơ chế mới, giá bồi thường là giá thỏa thuận nên sẽ khắc phục được tình trạng giao cho nhà nước làm thì dự án còn chậm hơn như có ý kiến lo ngại. Bên cạnh đó, các nhà quản lý, nhất là cơ quan quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược để đưa ra các chỉ tiêu hợp lý, đảm bảo doanh nghiệp phải có lợi nhuận. Nếu không thì coi chừng xảy ra tình trạng đất sạch nhưng bị ế, nhà nước giải phóng mặt bằng xong cả mớ mà không ai mua.

Một chuyên viên bồi thường giải phóng mặt bằng TP.HCM:

Chỉ cho tự thỏa thuận những dự án nhỏ


Tôi ủng hộ kiến nghị của Bộ Xây dựng về bỏ cơ chế chủ đầu tư tự thỏa thuận bồi thường trong những dự án kinh doanh. Nếu để chủ đầu tư tự do mua bán đất thì sẽ xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm.

Ví như vụ người dân chung cư 53-55 Bà Huyện Thanh Quan bán nhà được giá rất cao, những người dân ở chung cư khác sẽ nhìn vào đó mà so bì. Sắp tới, những nhà đầu tư cải tạo chung cư cũ sẽ gặp khó khăn trong việc bồi thường giải tỏa. Chưa kể những dự án khác được đầu tư bằng vốn ngân sách thì số tiền bồi thường cũng có hạn, người dân sẽ không chịu di dời.

Nhà nước phải thống nhất một giá bồi thường giải tỏa trên tất cả những dự án. Tốt nhất là nhà nước tổ chức bồi thường ngay khi có quy hoạch, rồi đấu thầu dự án hoặc đấu giá để giao đất cho chủ đầu tư. Như vậy nhà nước sẽ chủ động chăm lo được cho cuộc sống của người dân sau khi bị di dời.

Tuy nhiên, không nên cấm hoàn toàn việc tự thỏa thuận của chủ đầu tư mà nên khoanh vùng để chủ đầu tư thực hiện thỏa thuận. Đối với những dự án quy mô nhỏ như chỉnh trang đô thị, chung cư nhỏ ở nội thành... thì sẽ để cho các nhà đầu tư tự thỏa thuận theo đúng quy hoạch chi tiết đã được duyệt. Theo tôi, như vậy là vừa tầm với nhà đầu tư, cũng không quá tầm kiểm soát của nhà nước, vừa giảm tải công việc cho cán bộ làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Ông Lê Minh Tấn, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, TP.HCM:

Dưới 10 hộ cứ cho thương lượng

Giải pháp của Bộ Xây dựng sẽ khắc phục được tình trạng chủ đầu tư các dự án tự thỏa thuận với các mức giá khác nhau, dẫn đến xáo trộn thị trường. Tuy nhiên, với những dự án nhỏ, chẳng hạn dưới 10 hộ dân thì vẫn nên để chủ đầu tư tự thỏa thuận với người có đất. Còn những dự án lớn thì giao cho nhà nước.

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 8, TP.HCM:

Nên duy trì song song hai cơ chế

Dù là ai bồi thường, nhà đầu tư hay chính quyền thì vẫn không xảy ra bất bình đẳng về giá nếu giá bồi thường là giá thương lượng. Theo quy định hiện nay, khi nhà nước thu hồi đất vẫn phải áp giá bồi thường sát giá thị trường trong điều kiện bình thường. Nếu việc thỏa thuận bồi thường chỉ thu về một mối là nhà nước thì sẽ có những bất cập.

Nơi đủ sức thì làm được, nơi khác thì không làm được do trình độ phát triển của các địa phương không đồng đều nhau. Việc thu về một mối trong công tác bồi thường sẽ khó áp dụng chung cho tất cả các địa phương được, dẫn tới chính sách bất nhất.

Nên duy trì hai cơ chế: Chủ đầu tư tự thỏa thuận và nhà nước thu hồi, giải phóng mặt bằng, đều tuân thủ chính sách giá bồi thường là giá thỏa thuận. Chỉ những công trình trọng điểm, quan trọng thì nhà nước mới thực hiện giải phóng mặt bằng và cho đấu thầu dự án.

Một chuyên gia đại diện Sở Tài chính TP.HCM:

Cơ chế thị trường ắt có chuyện so bì

Không nên xóa bỏ việc chủ đầu tư thỏa thuận với dân và giao cho nhà nước “ôm” hết. Về mặt pháp lý, điều này cũng không phù hợp pháp luật. Nghị định 84 ngày 25-5-2007 đã quy định hai cơ chế thì những văn bản dưới luật lẽ ra phải phù hợp.

Điều 41 nghị định này ghi rõ: “UBND các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước không được ra quyết định thu hồi đất hoặc thực hiện các biện pháp không phù hợp quy định của pháp luật để can thiệp vào việc thỏa thuận của nhà đầu tư và người sử dụng đất trong trường hợp đất không thuộc diện thu hồi”. Còn trường hợp thuộc diện thu hồi đất nhưng chủ đầu tư chưa thỏa thuận được thì lúc đó nhà nước sẽ thu hồi đất.

Nhà nước không thể và không cần phải “bao sô” từ A đến Z được. Sự lo ngại để chủ đầu tư tự thỏa thuận sẽ xảy ra tình trạng so bì, khiếu nại giữa các dự án là điều tự nhiên của cơ chế thị trường. Khi đặt mua một mức giá nào đó, doanh nghiệp ắt hẳn phải tính toán đến sự hợp lý. Nếu chủ đầu tư nào đó mua giá quá cao một cách bất thường thì họ phải chấp nhận chuyện có thể bị lỗ, phá sản. Do đó nên duy trì hai cơ chế như Nghị định 84 là hợp lý nhất.

Theo Pháp Luật TP.HCM