Top

Công viên Tuổi Trẻ bị “băm nát” - Kỳ 3

Cập nhật 03/04/2008 13:00

Kỳ 3: “ Nghệ thuật” kinh doanh... lỗ

Với những ưu ái của Nhà nước, những tưởng Công ty Thương mại và Đầu tư phát triển Hà Nội (TM&ĐTPTHN) sẽ làm ăn khấm khá, cán bộ nhân viên có mức thu nhập ổn định. Thế nhưng, chỉ trong vài năm qua, Công ty này đã nợ hàng chục tỷ đồng.

Công nhân bị chậm lương, chậm đóng BHXH và thậm chí còn bị “vay tiền”. Đằng sau gánh nợ hàng chục tỷ đồng này là cả câu chuyện hài-bi!

“Nghệ thuật” mua đắt- bán rẻ

Không chỉ có việc cho thuê nhà để kinh doanh rẻ như bèo dẫn đến thu không đủ chi làm cho gánh nặng tài chính của ông ty thêm nặng nề, GĐ Công ty Đinh Văn Khoan còn có những phi vụ buôn bán xe máy gây lỗ nhiều tỷ đồng. Chỉ tính trong năm 2005, lỗ kinh doanh xe máy của Công ty đã lên đến 7,2 tỷ đồng. Chúng tôi chỉ lấy một vài hợp đồng mua bán xe máy của Công ty làm ví dụ.

Tháng 4/2005, Công ty ký hợp đồng mua hàng của Công ty Hưng Thắng, hàng đã được nhập tháng 3/2005 (bán tháng 4/2005) nhưng Công ty vẫn phải trả khoản lãi tiền hàng chậm trả đến ngày 30/12/2005 với số tiền trên 500 triệu đồng.

Chưa đủ, 108 xe máy SH 125 được nhập với giá 58 triệu đồng/xe nhưng khi bán có 20 xe bán giá 57 triệu đồng/xe (lỗ 1 triệu đồng/xe) và 88 xe bán với giá 58,1 triệu đồng/xe (lãi 100.000 đồng/xe). Riêng khoản bán xe, Công ty lỗ 11,2 triệu đồng. Cộng với “khoản lỗ” do phải trả lãi tiền hàng chậm trả 500 triệu đồng thì Công ty thua lỗ trên 500 triệu đồng từ hợp đồng mua 108 xe SH 125.

Tháng 7/2005, Công ty ký hợp đồng mua xe máy của Công ty Hương Thắng (Hải Phòng). Xin lưu ý rằng vào tháng 3/2005, Công ty Hương Thắng ra đời và con trai ông Đinh Văn Khoan là Đinh Thế Hùng góp 50% vốn điều lệ.

Ông Hùng cũng là Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TM&ĐTPTHN. Lô xe máy 82 chiếc SH 125 cũng được nhập ngay trong tháng 7 và bán hầu hết trong tháng 8/2005, thế nhưng Công ty TM&ĐTPTHN vẫn trả khoản lãi vay tiền hàng chậm đến ngày 27/12/2005 số tiền 297 triệu đồng.

Trong số 82 xe do Công ty nhập có 75 xe nhập với giá 58,5 triệu đồng và 58,55 triệu đồng/xe. Trong số 75 xe có 60 xe bán với giá 49,8 triệu đồng/xe ( lỗ khoảng 9 triệu đồng/xe) - tổng lỗ của 60 xe là 522 triệu đồng); 10 xe bán với giá 51 triệu đồng (lỗ 7,5 triệu đồng/xe) và duy nhất có 6 xe bán với giá 58,6 triệu đồng xe (lãi 100.000 đồng/xe).

Đặc biệt, trong khi hầu hết các xe nhập tháng 7/2005 có giá 58,5 triệu đồng đến 58,55 triệu đồng/xe thì Công ty mua 7 xe (cũng trong tháng 7) với giá 71, 2 triệu đồng xe. Sau đó 7 xe này bán được với giá 60 triệu đồng xe (lỗ 11,2 triệu đồng/xe). Có thể thấy, chỉ với 2 hợp đồng kinh doanh xe SH 125, Công ty đã mang về khoản lỗ 1,487 tỷ đồng một cách hết sức lạ lùng.

Thêm một ví dụ nữa, tháng 6/2005 Công ty TM&ĐTPTHN bán cho Công ty TNHH Đồng Tiến 10 xe Dylan 150 với giá 60 triệu đồng ( lỗ 10,3 triệu đồng/xe).

Vậy nhưng kỳ lạ thay, vào tháng 6/2005 Cty TM&ĐTPTHN lại tiếp tục nhập 127 xe Dylan với giá 70,36 triệu đồng/xe để rồi tiếp tục bán cho Công ty Đồng Tiến 107 xe với giá 54,5 triệu đồng/xe mang về khoản lỗ 761 triệu đồng cho Công ty. Tổng số lỗ của 2 lần bán xe Dylan cho Cty Đồng Tiến là 865 triệu đồng.

Dư luận đặt câu hỏi, việc kinh doanh xe máy có thật lỗ, hay GĐ Công ty TM&ĐTPTHN thích kinh doanh “lỗ” cho nhà nước, còn cá nhân vẫn có lời? Thậm chí việc kinh doanh lỗ còn là cả một  “nghệ thuật” bởi lẽ giá bán xe là do đề xuất của Trưởng phòng kinh doanh Công ty và cũng là con của nguyên GĐ Đinh Văn Khoan - người duyệt(!?).

Đến huy động vốn của...vợ, con  giám đốc

Làm nên khoản nợ khổng lồ cho Nhà nước thời gian qua ngoài việc cho thuê nhà giá rẻ, buôn bán theo kiểu “mua đắt bán rẻ”, vay ngân hàng... còn phải kể đến các khoản góp vốn liên doanh liên kết, vay vốn của nhiều cá nhân. Chỉ tính khoản vay cá nhân và tập thể, Công ty TM&ĐTPTHN đang nợ 2,965 tỷ đồng với lãi suất (ở thời điểm đó) cao hơn nhiều lãi suất ngân hàng thương mại (khoảng 1,5%/tháng).

Hơn thế, một số hợp đồng vay với giá trị lớn trả lãi suất theo VNĐ nhưng lại được nhận nợ bằng USD. Mặc dù vay nhiều, song Công ty lại không xây dựng phương án kinh doanh, đầu tư để xác định số vốn cần và lãi suất huy động cũng như hiệu quả kinh doanh, thời gian thu hồi vốn...

Hiện tại Công ty TM&ĐTPTHN đang nhận khoản góp vốn liên doanh liên kết với số tiền lên đến 9,3 tỷ đồng. Đặc biệt, trong đó có 4 hợp đồng liên doanh liên kết là vay tiền của vợ, con nguyên GĐ Đinh Văn Khoan với số tiền lên đến 3,66 tỷ đồng. Cụ thể, ngày 9/12/2003 GĐ Công ty ký hợp đồng góp vốn với Đinh Thế Hùng với số tiền góp là 1,5 tỷ đồng.

Ngày 6/4/2004, Công ty tiếp tục ký hợp đồng góp vốn với ông Đinh Thế Hùng với số tiền là 632 triệu đồng. Trong tháng 2 và tháng 3/2004, ông Đinh Văn Khoan cũng ký hợp đồng góp vốn với bà Hà Thị Vân Trang (con dâu) và bà Đỗ Thị Ninh (vợ) với số tiền lên đến 2 tỷ đồng...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay tổng số nợ phải trả của Công ty TM&ĐTPTHN lên đến 58,5 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngân hàng và vay khác là 44,2 tỷ đồng; nợ thuế, nợ lương, nợ bảo hiểm...là trên 14,2 tỷ đồng. Công ty đang lún sâu vào nợ nần và mất khả năng thanh toán khi vốn chủ sở hữu là âm 31 tỷ đồng.

Đằng sau việc sản xuất kinh doanh thua lỗ của Công ty TM&ĐTPTHN cũng như việc công viên Tuổi trẻ đang bị “băm nát” để cho thuê có những dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Dư luận đang nóng lòng chờ đợi việc xử lý theo pháp luật từ các cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội.

>Hà Nội: Công viên Tuổi Trẻ bị “băm nát”.

Theo Tiền Phong