Top

Bất hợp lý trong việc đầu tư, khai thác hạ tầng giao thông tại TP HCM

Cập nhật 11/07/2009 14:40

Một vụ kẹt xe tại giao lộ.

Những năm qua TP HCM đã đầu tư cho việc xây dựng hạ tầng giao thông đô thị luôn chiếm trên dưới một nửa tổng số tiền đầu tư cho xây dựng cơ bản của thành phố. Riêng năm 2009, thành phố đã phải chi đầu tư cho 185 dự án với số tiền lên tới 5.840 tỷ đồng. Thế nhưng với hạ tầng giao thông hiện hữu, cho dù từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng quá tải gấp nhiều lần nhưng lại đang bị khai thác một cách... lãng phí.

Phân làn xe theo "chuẩn" gây lãng phí diện tích mặt đường

Căn cứ theo quy định: Một làn đường dành cho xe ôtô phải có chiều rộng 3,75m thì hệ thống đường giao thông tại TP HCM có tới hơn 1/3 trong số 3.000 tuyến đường lớn nhỏ chỉ đủ để phân thành đường một làn xe cơ giới hoặc phải đổi thành đường 1 chiều; chỉ có 420 tuyến rộng hơn 12m là đủ rộng để phân thành đường 2 chiều với mỗi chiều được 1 làn đường dành cho xe cơ giới và 1 làn dành cho xe gắn máy; 1.530 tuyến đường từ 7 - 12m còn lại thì đang trong tình trạng lỡ cỡ, để 1 làn thì thừa, phân thành 2 làn xe thì thiếu… để rồi từ đó, ngành GTVT phải kẻ vạch sơn theo kiểu "đứt đoạn" nhằm phân làn tạm thời tại nhiều tuyến đường.

Nhận xét về thực trạng này, một cán bộ Thanh tra GTVT tại thành phố cho biết: "Bề ngang của xe cơ giới 4 bánh lớn nhất cũng chỉ rộng chừng 2,35m. Trong khi diện tích mặt đường đã quá hẹp so với mật độ lưu thông, thì với thực trạng bề rộng lòng đường hiện hữu, việc thực hiện quy định phân làn xe đúng "chuẩn" này đang gây ra tình trạng lãng phí phần diện tích lòng đường".

Quy định như vậy cũng dẫn đến thực trạng: Chỉ những tuyến đường có chiều rộng 14m trở lên mới có thể làm dải phân cách cứng để ngăn ngừa tình trạng lấn tuyến gây TNGT, ùn tắc giao thông và 2.580 tuyến đường giao thông tại thành phố không thể lắp đặt.

Đường hẹp, các loại phương tiện phải lưu thông hỗn hợp như vậy đã kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến TTATGT; khiến tình trạng ùn tắc giao thông và TNGT không được giải quyết một cách cơ bản, vì vậy "Đã đến lúc thành phố và Bộ GTVT cần phải can thiệp để giảm chiều rộng 1 làn xe trên các tuyến đường nội thành TP Hồ Chí Minh xuống còn 3m. Với chiều rộng này, phương tiện cơ giới lưu thông vẫn đảm bảo khoảng cách an toàn với làn xe bên cạnh mà lại tận dụng tối đa được diện tích mặt đường để có thể phân được 2 làn xe cơ giới" - vị cán bộ Thanh tra GTVT nêu ý kiến.

Giao cắt đồng mức khiến các giao lộ quá tải

Trên hệ thống giao thông của thành phố hiện có tới 1.350 giao lộ, trong đó có 120 nút giao thông quan trọng nằm tại 75 tuyến đường phố chính và các trục giao thông hướng ngoại. Kết quả khảo sát trong quy hoạch phát triển giao thông của thành phố cho thấy: Năng lực thông xe qua các nút giao thông là rất thấp; xung đột giữa các hướng đi theo kiểu "cắt mặt" nhau qua giao lộ tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT và kẹt xe khá cao.

Danh sách 127 điểm thường xuyên có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông đã được thành phố công bố hầu hết rơi vào các giao lộ. Nhưng đến thời điểm hiện tại, cả hệ thống đường sá khổng lồ này mới chỉ có trên dưới 10 giao lộ được đầu tư xây dựng cầu vượt, đường chui để tạo giao cắt khác mức. Như vậy chiếu theo quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của một đường phố chính cấp 1, chỉ có từng đoạn ngắn trên một số tuyến có thể đạt cấp hạng này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây ngành GTVT thành phố từng triển khai thử nghiệm lắp đặt tín hiệu đèn tại một số giao lộ theo giải pháp "làn sóng xanh". Phương án này được đưa ra nhằm bố trí thời gian đủ để dòng xe cộ vừa qua khỏi giao lộ này sẽ gặp ngay đèn xanh ở giao lộ kế tiếp trên tuyến, không phải mất thời gian chờ đèn tín hiệu gây ùn ứ giao thông… nhưng sau thời gian thử nghiệm, giải pháp này đành phải dẹp bỏ bởi lý do mật độ xe cộ trên các hướng, tuyến không đồng đều.

Từ đó đến nay, các chốt đèn hầu như được cài đặt thời gian xanh, đỏ theo chế độ "chết", cả hướng nhiều xe và luồng ít xe cũng đều có thời gian chớp, tắt bằng nhau.

Với các giao lộ lớn đã được lắp đặt vòng xoay cũng vậy, do bán kính cong tại các giao lộ hẹp dẫn đến tình trạng quá tải, giao lộ không thể tự điều tiết buộc ngành GTVT phải lắp đèn tín hiệu để hạn chế lượng phương tiện vào vòng xoay. Nhưng vòng xoay rộng, thời gian phương tiện lưu thông phải dừng chờ đèn lâu đã dẫn tới tình trạng ùn ứ cho cả một đoạn đường dài phía sau.

Hiện tượng ùn ứ khi chờ đèn tín hiệu trước khi vào vòng xoay; quá tải lưu lượng phương tiện trong vòng xoay là nguyên nhân khiến chất lượng không khí tại các vòng xoay bị ô nhiễm nặng.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, kết quả quan trắc cũng cho thấy các trạm ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ; ngã sáu Gò Vấp và ngã tư An Sương luôn có nồng độ ô nhiễm cao hơn các trạm khác do mật độ xe lưu thông cao và chất lượng hạ tầng thấp...

 

DiaOcOnline.vn - Theo CAND