Ngày 17.11, Ngân hàng Nhà nước đã có yêu cầu các tổ chức tín dụng cập nhật các số liệu mới nhất về cho vay bất động sản. Động thái này được giới phân tích cho là để chuẩn bị cho một kế hoạch tài chính ứng cứu thị trường bất động sản đang trong tình thế khó khăn.
Trước đó, đã có nhiều đề nghị về các giải pháp tài chính giải cứu thị trường BĐS. Tuy nhiên, xung quanh việc có nên ứng cứu hay để thị trường tự điều chỉnh, vẫn còn rất nhiều ý kiến khá trái ngược.
Khát sữa, đòi bú
Một trong những tiếng nói có trọng lượng nhất đại diện cho giới DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS là ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, trong buổi làm việc ngày 7.1.2008 với Bộ Tài chính, NHNN, UBND thành phố và đại diện hàng chục NH, ông đã đề nghị Chính phủ thành lập ngay một quỹ tài chính đặc biệt khoảng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ các NH và DN.
Về phía các NH, ông Châu đề nghị: "Xem xét cho DN được dãn nợ, gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ và cho DN được vay tiếp để có điều kiện thực hiện dự án". Trao đổi riêng với PV Lao Động, ông Lê Hoàng Châu cho biết: "Hầu hết các DN thành viên của Hiệp hội BĐS thành phố khi nói chuyện với tôi, mối quan tâm hàng đầu của họ hiện nay là thiếu nguồn vốn với lãi suất hợp lý khả dĩ đầu tư vào BĐS và tính thanh khoản của thị trường hiện đang bị xuống thấp đáng báo động".
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, thị trường BĐS là thị trường nền cho nhiều thị trường khác chạy trên nó. Nếu thị trường BĐS suy thoái thì sẽ kéo theo nhiều thị trường khác, trong đó có thị trường vốn... Chuyên gia tài chính Trần Hoàng Ngân, trong buổi tọa đàm về thị trường BĐS, TTCK và kinh tế vĩ mô ngày 13.11, thì khuyến cáo: "Nên lập một quỹ ứng cứu BĐS trước khi ngành này đi đến bờ vực của sự đổ vỡ".
Nhiều chuyên gia khác, trong đó có ông Phạm Khắc Khoan - Phó TGĐ NHCP Kiên Long, đề cập đến vấn đề giải cứu thông qua hình thức Chính phủ phát hành trái phiếu chính phủ để hỗ trợ các NH trong việc thanh khoản.
Trước đó, trong buổi làm việc của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia với Hiệp hội BĐS thành phố, nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy nhận định, phản ánh của DN về sự sút giảm, trầm lắng, đóng băng và có nguy cơ sút giảm nếu không có chính sách vĩ mô kịp thời can thiệp là hoàn toàn có cơ sở. Tín hiệu xấu của thị trường có thể để lại hệ quả xấu nếu cứ buông lơi theo đà này. Bởi lẽ, nợ xấu sẽ tiếp tục tăng lên và việc giải chấp tài sản càng khó khăn.
Có nên "con khóc là... cho bú"?
Hàng chục hội thảo về tìm kiếm các nguồn vốn để giải cứu cho thị trường BĐS, thế nhưng nhìn chung ngay trong giới chuyên gia vẫn không thống nhất được với nhau trên nhiều phương diện. Một trong 2 xu hướng rõ ràng nhất ủng hộ quan điểm hãy để thị trường tự điều tiết, tập dượt cho nền kinh tế quen với cơ chế thị trường. Và xu hướng thứ hai là ủng hộ quan điểm nên có một kế hoạch tài chính giải cứu, tạo tính thanh khoản cho thị trường BĐS cũng như các NH dính sâu đến cho vay BĐS trước khi thị trường này bước vào giai đoạn đổ vỡ do thiếu thanh khoản dây chuyền.
Các chuyên gia ủng hộ quan điểm thứ nhất (để thị trường tự điều tiết) cho rằng, thị trường BĐS VN là sân chơi mà người tham gia chủ yếu là của các tay đầu cơ đủ mọi thứ hạng. Nhà đất buôn bán lòng vòng hết tay này đến tay khác và cuối cùng là đội giá lên 200 - 400% trong vòng 2 năm. Mặc dù, trong cơn suy thoái hiện nay giá nhà đất đã giảm 50-60% thế nhưng vẫn còn là quá cao nếu so sánh với khả năng tài chính của những người có nhu cầu nhà ở. Vì vậy cần phải tiếp tục tạo áp lực để giá đất giảm thêm 50% so với giá hiện hành thì mới có thể tạm chấp nhận được.
Đồng thời những chuyên gia ủng hộ quan điểm này cho rằng, Nhà nước không cần thiết phải can thiệp bằng các giải pháp tài chính theo kiểu "con khóc là mẹ cho bú", như vậy sẽ không giúp thị trường BĐS tự lớn mạnh. Trong cơ chế thị trường, phải chấp nhận việc những thành phần tham gia không đủ năng lực sẽ bị thải loại.
Trong khi đó, những người ủng hộ quan điểm giải cứu thì cho rằng, thị trường BĐS VN còn quá non trẻ so với thế giới, DN VN chủ yếu là cỡ vừa và nhỏ, năng lực tài chính hầu như phụ thuộc vào các NH. Trong hoàn cảnh hiện nay nếu không có giải pháp hỗ trợ thông qua kênh NH thì sự phá sản của hàng loạt DN... là điều khó tránh khỏi.
Sự sụp đổ của thị trường BĐS sẽ kéo theo hàng loạt các ngành khác, ảnh hưởng chung đến nền kinh tế. Hàng ngàn, thậm chí hàng triệu lao động trong các ngành này sẽ phải ra "đứng đường", kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.
Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh VN đang tham gia ngày càng sâu vào thị trường thế giới, cũng như các ngành khác, ngành BĐS cũng cần phải được bảo hộ, hỗ trợ trong một thời gian để đứng vững rồi mới tính tới cơ chế thị trường.
>Ngân hàng Nhà nước yêu cầu: đánh giá vốn vay BĐS
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: