Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh Bất động sản (BĐS) 2014. Thực tế, trong Nghị định 76 không có nhiều cái mới so với quy định trước đó, thế nhưng, có một số điểm nếu để ý, chủ DN BĐS có thể lấy đó làm thế mạnh.
Đơn cử, trong Nghị định có đề cập đến mức vốn tối thiểu đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS để thành lập DN là 20 tỷ đồng. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS quy mô nhỏ, không thường xuyên hoặc kinh doanh dịch vụ BĐS thì không bắt buộc phải thành lập DN.
Thị trường BĐS khu Nam mới bắt đầu “cựa mình” chuyển động với những dự án lớn
|
Ngoài ra, với BĐS hình thành trong tương lai, Nghị định nêu rõ bên mua được phép chuyển nhượng BĐS nếu chưa nhận bàn giao hoặc đã nhận bàn giao nhưng chưa nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất.
Đồng thời, bên nhận chuyển nhượng có quyền chuyển nhượng tiếp khi chưa nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ quan nhà nước. Đối với nhà ở, việc chuyển nhượng hợp đồng thuê mua phải được thực hiện theo từng căn riêng lẻ. Trong trường hợp hợp đồng thuê mua nhiều căn thì phải sang nhượng toàn bộ số căn.
Một điểm nhấn quan trọng đối với DN đó là trình tự, thủ tục chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án. Theo đó, cơ quan tiếp nhận của UBND cấp tỉnh phải lấy ý kiến các Sở để UBND cấp tỉnh phê duyệt hoặc thông báo cho chủ đầu tư nếu không phê duyệt trong vòng 30 ngày. Đối với dự án phải do Thủ tướng Chính phủ thông qua thì phải lấy ý kiến các Bộ trong vòng 45 ngày. Các bên phải ký hợp đồng chuyển nhượng trong vòng 30 ngày từ ngày có quyết định cho phép chuyển nhượng.
Về lý thuyết, tuy nghị định không đề cập đến tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh BĐS ở Việt Nam, thế nhưng với người làm DN có thể hiểu rằng những vướng mắc liên quan đến DN BĐS gần như được tháo gỡ hoàn toàn.
Và hơn hết, liên quan đến thị trường BĐS, Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết trong tháng 8 lượng giao dịch BĐS thành công ở cả hai thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ so với tháng 7/2015 (lần lượt là 5% và 6%) nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước thì tỷ lệ tăng trưởng gần gấp đôi.
Riêng ở TP. Hồ Chí Minh, trong khi nguồn cung và giá BĐS khu vực phía Đông thành phố đã tăng khá mạnh thì thị trường BĐS khu Nam mới bắt đầu “cựa mình”, đặc biệt là sau khi UBND thành phố công bố việc xây dựng Đề cương chi tiết Đề án thành lập Khu kinh tế đặc biệt trên bốn quận huyện là quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ.
Đơn cử trong tháng 8, CTCP Đất Xanh (DXG) đã mở bán dự án Lux City với 426 căn hộ chung cư ở nút giao Nguyễn Thị Thập, Huỳnh Tấn Phát, Quận 7. CTCP Vạn Phát Hưng (VPH) cũng mới triển khai kinh doanh dự án chung cư Hoàng Quốc Việt gần 150 căn hộ và office-tel trong cuối quý II. Gần đây nhất, Novaland mở bán Sunrise Riverside diện tích gần 4 ha với 8 block căn hộ cao 21-25 tầng ở xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè.
Không dừng lại ở đó, mới đây, Sở Giao thông - Vận tải được UBND TP. Hồ Chí Minh giao cho ký kết Hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông về dự án kết nối đường D3 vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước.
Mục đích chính của dự án là hoàn thiện mạng lưới giao thông và phát triển KCN Hiệp Phước giai đoạn 2 theo quy hoạch; đồng thời phục vụ việc di dời khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Tổng chiều dài toàn tuyến vào khoảng 2.372m, trong đó bao gồm hai cầu (Rạch Rộp II dài khoảng 300m và Mương Lớn II dài khoảng 273m) và phần đường dài khoảng 1.799m với 4 làn xe. Dự án có vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là hơn 293 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong năm 2016.
Trong đó, Ngọc Viễn Đông là công ty do Tập đoàn Vingroup (HSX-VIC) góp vốn thành lập và đồng thời cũng là pháp nhân thực hiện dự án chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (47,5ha) thành khu đất phức hợp nhà ở, trung tâm thương mại và dịch vụ…
Theo thông tin từ UBND thành phố, Vingroup cũng sẽ tham gia làm đối tác chiến lược thực hiện dự án Khu đô thị biển 821ha ở huyện Cần Giờ.
Từ những lợi thế về chính sách cùng với chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế của TP. Hồ Chí Minh, giới chuyên môn khẳng định các dự án đổi đất lấy hạ tầng đang giúp khuấy động thị trường BĐS khu Nam Sài Gòn sau một thời gian trầm lắng.
Trong đó, các chủ đầu tư nhanh nhạy như Vingroup, Đất Xanh (DXG) và Novaland đã đi trước để đón đầu sự tăng tốc về phát triển hạ tầng ở khu Nam. Nhìn xa hơn, sau khi việc nạo vét tuyến luồng Soài Rạp hoàn tất, lượng hàng hóa qua cảng Sài Gòn – Hiệp Phước sẽ gia tăng mạnh.
Cộng với làn sóng FDI đón đầu TPP và các hiệp định FTA, các KCN xung quanh cảng như KCN Hiệp Phước, KCN Long Hậu sẽ có nhiều cơ hội để nâng cao tỷ lệ lấp đầy. Dự án tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, bên cạnh đó, cũng góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu Nam Sài Gòn; tạo cơ hội phát triển lớn cho các công ty BĐS đã có sẵn quỹ đất lớn ở khu vực này như LHG, ITC, VPH, QCG…
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: