Top

Luật mở… nửa vời

Cập nhật 17/09/2015 09:04

Theo Luật Nhà ở (sửa đổi), từ 1/7/2015, người nước ngoài và Việt kiều được phép mua nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số người nước ngoài tìm mua, ký kết hợp đồng với các chủ dự án nhà ở tại Việt Nam là hãn hữu. Theo đánh giá của giới chuyên gia, luật pháp đã có sự cởi mở, tạo điều kiện cho người nước ngoài có cơ hội sở hữu nhà ở Việt Nam, nhưng sự cởi mở đó lại… nửa vời.


Đã hơn hai tháng kể từ khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được thực thi, trong đó có quy định cho phép người nước ngoài, Việt kiều mua nhà ở tại Việt Nam, tuy nhiên, trên thực tế, theo phản ánh của nhiều chủ đầu tư, số người nước ngoài tìm mua nhà là rất hãn hữu.

Lý do là bởi, Luật đưa ra nhiều quy định, thủ tục khá rườm rà khiến cho người muốn mua nhà cảm thấy ngại khi phải làm hàng loạt các thủ tục, xin các giấy phép…

Đơn cử như thủ tục xác minh nguồn gốc đối với người Việt sống ở nước ngoài nhiều năm, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về các giấy tờ xác minh nguồn gốc khiến nhiều Việt kiều cảm thấy e ngại khi nghĩ đến việc mua nhà ở Việt Nam. Đó còn chưa kể, họ sẽ  phải trả một khoản tiền phí dịch vụ không hề nhỏ để thực hiện các thủ tục…

Ngoài ra, các quy định về giới hạn thời gian, số lượng nhà được sở hữu đối với người nước ngoài, Việt kiều cũng đang gây ra nhiều luồng ý kiến bất đồng. Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, về mặt hình thức mà nói, có sự cởi mở hơn trước rất nhiều, song, đi sâu vào nội dung, lại thấy có một số điểm nghẽn.

Thứ nhất, Luật đưa ra quy định giới hạn đối với mỗi một dự án chung cư, người nước ngoài chỉ được mua 30% số căn hộ của dự án đó.

Thứ hai, quy định mỗi phường không bán quá 250 căn hộ, như ở TP Hồ Chí Minh, một phường có số dân bằng cả một tỉnh, 30.000- 50.000 người, và có rất nhiều người nước ngoài sinh sống, nếu quy định hạn chế như vậy, họ sẽ di cư về đâu, quy định như vậy rất bất hợp lý. Do đó, riêng quy định cấm và giới hạn về số lượng nhà ở được phép mua đối với người nước ngoài đã thấy tính thiếu thực tế của chính sách.

TS Phạm Sỹ Liêm, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đưa ra quan điểm: Nếu Luật đã cho phép người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam thì nên có sự bình đẳng, không nên phân biệt giữa người Việt Nam và người nước ngoài hay Việt kiều. Bởi vậy, theo TS Liêm, việc hạn chế về mặt thời gian sở hữu nhà đối với người nước ngoài là không nên.

“Ai mang được đất của mình đi mà chúng ta phải quy định giới hạn về thời gian làm gì?” – TS Liêm đặt câu hỏi.

Ngoài ra, đối với người nước ngoài, họ luôn coi trọng và rất tuân thủ luật pháp, do đó đối với họ các hợp đồng mua bán phải được tuyệt đối tuân thủ. Song điều này với Việt Nam lại khác, nhiều khi hợp đồng ký kết xong lại được hủy bỏ như không. Chính bởi vậy, nhiều người nước ngoài rất e ngại khi tính đến chuyện ký kết hợp đồng với người Việt Nam.

Bên cạnh những ràng buộc về thủ tục hành chính, sự giới hạn về số lượng nhà ở và thời gian sở hữu nhà ở được được ra  trong Luật đang tạo tâm lý e dè đối với người nước ngoài muốn mua nhà ở Việt Nam, thì việc chậm ban hành các văn bản, thông tư, hướng dẫn Luật Nhà ở cũng đang khiến cho cơ hội tiếp cận  nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài càng trở nên xa vời.

Giới chuyên gia cho rằng, việc “mở cửa” để tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam là việc cần thiết, không chỉ tạo điều kiện để Việt kiều, người ngoại quốc được nhập cư vào trong nước mà đây còn là lực lượng khách hàng tiềm năng lớn, tạo cú hích đối với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nếu Luật vẫn tồn tại những điểm nghẽn thì vẫn sẽ ở tình trạng mở cũng như không. 


DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết