Top

Bất động sản: Ấm nhưng không sốt

Cập nhật 31/03/2015 13:44

Những diễn biến trong các tháng đầu năm 2015 cho thấy, tảng băng trên thị  trường bất động sản (BĐS) đã tan. Theo nhận định của Hiệp hội BĐS Việt Nam, lượng giao dịch nhà đất thành công trong 2 tháng đầu năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ 2014. Sự phục hồi và nóng lên của thị trường khiến người ta đặt câu hỏi: liệu BĐS có trở lại thời kỳ sốt giá như trước?


Giao dịch nóng dần

Trên thị trường, người ta đang chứng kiến lượng giao dịch khá nóng của những dự án nhà ở mới hoàn thành. Tại TP. Hồ Chí Minh, thông tin từ  Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 2-2015 đã có khoảng 1.100 giao dịch thành công. Con số này gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Theo ghi nhận của phóng viên, các dự án được đánh giá có lượng giao dịch đang nóng tại TP.HCM phải kể đến The Sun Avenue Q.2); RiverGate, The Tresor (Q.4); Lucky Palace (Q.6); Orchard Garden, Garden Gate (quận Phú Nhuận); Sky Center (quận Tân Bình) hay 8X Thái An (quận Gò Vấp)… So với thời điểm này của một năm về trước, có thể thấy, thị trường BĐS TP.HCM đã thực sự qua thời trầm lắng.

Tương tự, tại Hà Nội, lượng giao dịch cũng nóng theo thời gian. Số liệu của VNREA cho hay, trong tháng 2, thị trường Hà Nội có khoảng 1.200 giao dịch thành công, giảm khoảng 20% so với tháng trước nhưng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014. Trước đó, tháng 1-2015, thị trường BĐS Hà Nội ghi nhận khoảng 1.500 giao dịch thành công, tăng gấp gần 3 lần so với tháng 1-2014.

Thông tin nóng hổi nhất minh chứng cho sự nóng lên của thị trường BĐS  phải kể đến sự kiện Tập đoàn  FLC (FLC Group) đã giao dịch thành công 200 căn hộ ngay ngày khai trương mở bán FLC Complex (36 Phạm Hùng, Hà Nội). Ngay trong ngày mở bán hôm 28-3 vừa qua, bà Nguyễn Xuân Hương, Trưởng phòng Kinh doanh BĐS cho biết, đã có trên 200 khách đặt mua căn hộ FLC Complex. Con số này nhiều hơn gấp đôi 90 căn dự kiến chào bán đợt này và chủ đầu tư đã quyết định mở thêm số căn chào bán để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong đợt mở bán này, chủ đầu tư áp dụng mức giá bình quân 28 triệu đồng/m2 thông thủy, đã bao gồm VAT và 2% kinh phí bảo trì, thanh toán thành 7 đợt. Như vậy, với 1,5 tỷ đồng, khách hàng đã có thể sở hữu một căn hộ ở dự án "vàng” FLC Complex.

Hiện tượng "sốt cao” đã chấm dứt

Đúng như nhận định của giới chuyên gia lĩnh vực địa ốc, thị trường BĐS không chỉ có dấu hiệu hồi phục mà đã thực sự nóng ngay từ những tháng đầu năm 2015. Và phân khúc được ưa chuộng chủ yếu vẫn là phân khúc nhà ở có mức giá thấp và giá trung bình.

Với những dấu hiệu khởi sắc này, trong dư luận lại dấy lên những luồng ý kiến bày tỏ sự băn khoăn: hàng loạt các dự án ra đến đâu hết đến đấy, vậy liệu hiện tượng đầu cơ có quay trở lại, thị trường BĐS có quay lại tình trạng sốt giá như khoảng thời gian năm 2007?

Tuy nhiên, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, nhìn vào diễn biến của thị trường BĐS hiện nay, có thể khẳng định thị trường chỉ đang hồi phục và có sự tăng trưởng nhẹ, còn không hề có dấu hiệu sốt giá.

Sở dĩ, giao dịch trên thị trường trở nên sôi động hơn trong những tháng đầu năm là do cung - cầu gặp nhau. Như nhận định của TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngành tài chính - ngân hàng, khi thị trường bung ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu, mục đích và mức thu nhập của người tiêu dùng, nghĩa là cung gặp cầu, chắc chắn sẽ không còn cảnh dồn ứ, bế tắc.

Bên cạnh đó, hầu hết các chủ đầu tư đều mong muốn  thị trường tăng trưởng ổn định, lâu dài nên sẽ khó có thể tái diễn thực trạng  bắt tay nhau đẩy giá để tạo cơn sốt ảo. Nhiều chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên, trong tất cả các kênh đầu tư hiện nay, BĐS vẫn là kênh được nhiều người gửi gắm niềm tin. Đây cũng là cơ sở cho thấy, thị trường BĐS sẽ có sự ổn định lâu dài.

GS.TS Đặng Hùng Võ,  nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường  cũng bày tỏ quan điểm cho thấy, ông tin tưởng thị trường BĐS sẽ không còn hiện tưởng sốt ảo, "bong bóng” như trước kia. Cụ thể, theo phân tích của ông Võ, đối với các nhà đầu cơ, trước mắt, lượng người mua nhà để đầu cơ và tích trữ không có nhiều do thị trường BĐS giảm sút mạnh trong giai đoạn từ 2011 đến nay, những người có tiền vẫn đang cân nhắc việc nên đưa tiền vào đâu (vàng, ngoại tệ, chứng khoán hay bất động sản?). Trong tương lai xa hơn, BĐS vẫn là kênh chủ yếu để trữ tiền tiết kiệm của dân khi kênh này vẫn thể hiện ưu việt hơn các kênh đầu tư vào chứng khoán, vàng, ngoại tệ. Tình trạng trữ tiền tiết kiệm vào BĐS sẽ tiếp tục xảy ra phổ biến. Ngược lại, sự tham gia của đầu cơ trong tương lai sẽ không cao vì đầu cơ luôn phụ thuộc vào sức nóng của thị trường. "Thị trường BĐS Việt Nam đã trải qua giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang thị trường, hiện tượng sốt cao do cầu ảo đã chấm dứt”, ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết