Top

Báo cáo khẩn 3 tuyến metro đội giá gần 3 tỷ USD

Cập nhật 21/11/2015 08:16

Con số trên được đưa ra trong báo cáo khẩn của Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (Ban quản lý) gửi UBND TP.HCM mới đây về tình hình thực hiện các tuyến metro số 1, 2 và 5.

Theo Ban quản lý thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác dự toán chưa sát với thực tế vì thiếu kinh nghiệm, ngoài ra còn do việc chậm triển khai nên dự án phải chịu ảnh hưởng của lạm phát. Trong khi đó việc bổ sung thêm một số hạng mục cũng khiến số tiền đầu tư tăng theo…

Cảnh ghép dầm tại tuyến metro số 1.

Đối với tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên, dài khoảng 20km) Ban quản lý cho biết đã tăng từ 17.300 tỷ đồng khi được duyệt (2007) lên 47.300 tỷ đồng (2011). Như vậy dự án này đã tăng thêm 30.000 tỷ đồng, tương đương với 87% số vốn ban đầu.

Theo Ban quản lý thì 40% số vốn bị đội lên là do biến động về giá nguyên, nhiên liệu và tăng lương tối thiểu. Việc tăng khối lượng (đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga, hệ thống tiên tiến...) để dự án mang lại hiệu quả cao hơn khi khai thác cũng khiến tiền đầu tư tăng thêm.

Một nguyên nhân khác cũng làm tổng vốn đầu tư tăng là việc cập nhật tỷ giá Yên Nhật và tiền Đồng Việt Nam, hay tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, cách tính rủi ro trượt giá được cập nhật theo quy định mới.

Trong khi đó tuyến số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành – Tham Lương, dài hơn 12km) cũng tăng từ 26.100 tỷ đồng khi được duyệt (năm 2010) lên 40.000 tỷ đồng (2015). Sau 5 năm dự án đã tăng thêm gần 14.000 tỷ (khoảng 700 triệu USD), tương đương 51% số vốn được duyệt ban đầu.

Lý do tuyến số 2 tăng vốn được Ban quản lý đưa ra là việc bổ sung khối lượng như tường ga ngầm dày hơn, ga dài hơn, xử lý nền đất yếu…đã làm tăng thêm tới 460 triệu USD, trong khi 240 triệu USD còn lại tăng là do lạm phát, tiền lương tăng và giá nguyên vật liệu biến động.

Hướng đi tuyến số 2. Ảnh: Ban quản lý cung cấp.

Cho đến thời điểm này đây cũng là tuyến gặp nhiều trắc trở về vốn đầu tư dẫn đến thời gian triển khai bị chậm trễ, từ đó phát sinh thêm các chi phí về tư vấn, lạm phát, hay sự thay đổi tỷ giá giữa tiền Đồng Việt Nam và EURO, USD (tuyến số 2 được Ngân hành Châu Á, Ngân hàng Tái thiết Đức, Ngân hàng đầu tư Châu Âu cam kết cho vay vốn).

Với tuyến số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn, dài gần 9km) Ban quản lý cũng cho biết đã tăng từ 833 triệu EURO (năm 2011) lên 1,5 tỷ EURO (2015), tăng thêm gần 700 triệu EUR, tương đương 87%.

Nguyên nhân tăng vốn của dự án này là do khối lượng của dự án đã được tính toán lại toàn bộ, ngoài ra còn bổ sung thêm chi phí quản lý dự án (5%), chi phí tư vấn theo quy định mới (7%) và bổ sung lãi vay vào tổng mức đầu tư… Như vậy tính tổng ba tuyến này đã đội vốn khoảng 60.000 tỷ đồng (gần 3 tỷ USD).

Liên quan đến việc này, tin từ Bộ Ngoại giao cho biết trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Thủ tướng Nhật Bản vào tối ngày 20/11 (trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN tại Malaysia), Nhật Bản đã thông báo sẽ tiếp tục viện trợ 172 tỷ Yên (khoảng 30.000 tỷ đồng) cho 3 dự án tại Việt Nam bao gồm: Tuyến metro số 1, dự án cải tải môi trường nước (TP.HCM) và nhà máy nhiệt điện Thái Bình.

Theo quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải, TP.HCM  sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố, chủ yếu đi ngầm trong nội đô, bao gồm:

- Tuyến số 1: Bến Thành - Suối Tiên, chiều dài khoảng 19,7 km; nghiên cứu kéo dài tới thành phố Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.

- Tuyến số 2: Đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi) - quốc lộ 22 - Bến xe Tây Ninh - Trường Chinh - (nhánh vào Depot Tham Lương) - Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Hồng Thái - Lê Lai - Bến Thành - Thủ Thiêm, chiều dài khoảng 48,0 km;

- Tuyến số 3a: Bến Thành - Phạm Ngũ Lão - Ngã 6 Cộng Hòa - Hùng Vương - Hồng Bàng - Kinh Dương Vương - Depot Tân Kiên - ga Tân Kiên, chiều dài khoảng 19,8 km.

- Tuyến số 3b: Ngã 6 Cộng Hòa - Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh - quốc lộ 13 - Hiệp Bình Phước, chiều dài khoảng 12,1 km.

- Tuyến số 4: Thạnh Xuân - Hà Huy Giáp - Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm - Phan Đình Phùng - Hai Bà Trung - Bến Thành - Nguyễn Thái Học -Tôn Đản - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước, chiều dài khoảng 36,2 km;

- Tuyến số 4b: Ga Công viên Gia Định (tuyến số 4) - Nguyễn Thái Sơn - Hồng Hà - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Trường Sơn - Công viên Hoàng Văn Thụ - Ga Lăng Cha Cả (tuyến số 5), chiều dài khoảng 5,2 km;

- Tuyến số 5: Bến xe cần Giuộc mới - quốc lộ 50 - Tùng Thiện Vương - Phù Đổng Thiên Vương - Lý Thường Kiệt - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng - Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn, chiều dài khoảng 26,0 km;

- Tuyến số 6: Bà Quẹo - Âu Cơ - Lũy Bán Bích - Tân Hòa Đông - Vòng xoay Phú Lâm, chiều dài khoảng 5,6 km.


DiaOcOnline.vn - Theo Infonet