Top

Chính sách phát triển nhà ở xã hội:

Nhìn từ hiệu quả giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng

Cập nhật 20/11/2015 09:07

Nhiều ý kiến cho rằng, gói vay 30 nghìn tỷ đồng chưa phát huy được hiệu quả như đã đề ra ban đầu, tuy nhiên, nếu nhìn một cách khách quan thì việc xây dựng những khu nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho người có thu nhập thấp đã có tác động không nhỏ tới đời sống xã hội khi gói hỗ trợ tín dụng này đã phần nào giúp cho những người có nhu cầu ở thực có được cơ hội tiếp cận được những căn nhà có giá phù hợp, chất lượng đảm bảo. Chính sách này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Nhà nước đối với những người dân nghèo, có khó khăn về nhà ở cùng tính nhân văn sâu sắc của nó…

Hình minh họa.

Mục tiêu chính là an sinh xã hội

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, thị trường BĐS trầm lắng kéo dài, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong đó, Chính phủ đã thông qua gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, tăng khả năng thanh toán cho nhóm người có thu nhập thấp, gặp khó khăn về chỗ ở (là những người có nhu cầu thực sự về nhà ở), đồng thời góp phần tăng nguồn cung về NƠXH.

Ngoài ra, gói tín dụng này một phần hỗ trợ cho các đối tượng khách hàng có nhu cầu mua, thuê nhà ở thương mại có quy mô diện tích vừa và nhỏ, giá rẻ, do đó sẽ có tác dụng lan tỏa để góp phần giảm tồn kho sản phẩm BĐS, vật liệu xây dựng, tạo sự tăng trưởng về kinh tế…

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, với sự hỗ trợ của Nhà nước về gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, cùng các chính sách không thu tiền sử dụng đất, giảm thuế thu nhập, giảm thuế VAT đầu ra cho người mua, chính là gói kích cầu để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại.

Không chỉ người nghèo mua NƠXH được hưởng lợi mà những người không mua nhà ở cũng được hưởng lợi do quá trình kinh tế tăng trưởng trở lại và những người có thu nhập khá hơn có thể quay trở lại mua nhà ở thương mại mà hiện đang tồn kho. Như vậy một việc đạt được rất nhiều mục đích…

Tạo sự chuyển biến tích cực cho thị trường BĐS

Chủ trương phát triển NƠXH đã nhận được được sự đồng thuận cao của các tổ chức, cơ quan Trung ương và chính quyền các địa phương cũng như các tầng lớp dân cư trong xã hội.

Thực tế sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, thị trường BĐS đã có những chuyển biến tích cực, giao dịch tăng, đặc biệt nhu cầu về NƠXH (phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, trung bình, giá thấp) tại các đô thị như Hà Nội, TP.HCM... còn rất lớn. Bên cạnh đó, có những dự án dù giá cao nhưng đã hoàn thành, hạ tầng đồng bộ đã có nhiều người mua và nhận bàn giao nhà.

Thống kê tại Hà Nội cho thấy, từ đầu năm đến nay có khoảng 14.550 giao dịch thành công; tại TP.HCM có khoảng 13.850 giao dịch thành công (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2014). Các giao dịch thành công chủ yếu loại căn hộ dưới 15 triệu/m2.

Tổng giá trị tồn kho BĐS trên cả nước tính đến ngày 20/9/2015 còn khoảng 59.395 tỷ đồng, giảm 69.153 tỷ đồng (giảm 53,8%) so với quý I/2013.

Đặc biệt, nguồn cung đối với loại hình NƠXH, căn hộ trung bình và giá thấp thì đang tăng lên, có giao dịch tốt. Nhiều dự án đều làm đến đâu hết đến đó, ví dụ như dự án NƠXH Đặng Xá của Viglacera, Dự án NƠXH Tây Nam Linh Đàm của Cty CP BIC Việt Nam… đã giải quyết hàng nghìn chỗ ở cho người có thu nhập thấp.

Điều này cho thấy, nhờ có gói 30 nghìn tỷ đồng, người dân có nhu cầu ở thực có thể tiếp cận dễ dàng hơn những căn hộ giá bình dân nhưng chất lượng đảm bảo. Chính thực tế này đã buộc các phân khúc căn hộ khác của thị trường BĐS có xu hướng giảm và có giao dịch thật.

Cần có cái nhìn khách quan hơn

Có thể thấy thời gian qua,việc nỗ lực đẩy mạnh thực hiện gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng với nhiều giải pháp được đưa ra của các cấp, ngành đã mang lại hiệu quả nhất định khi đã có rất nhiều người dân mua được nhà để ở. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, việc giải ngân diễn ra chậm so với kế hoạch đề ra khiến cho việc triển khai các dự án chậm, nguồn cung NƠXH, nhà giá thấp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu còn rất lớn của người dân.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế thì, gói 30 nghìn tỷ đồng nằm trong tầm nhìn của cơ quan quản lý từ năm 2020 - 2030, không nên chỉ nhìn vào tốc độ giải ngân chậm mà còn phải nhìn vào sự đóng góp cho nền kinh tế. Thực tế thì đây là một trong những công cụ quản lý nhà nước thông qua chính sách nhưng có tác dụng to lớn tới kinh tế vĩ mô như thị trường chứng khoán, đầu tư nước ngoài cũng như giải cứu BĐS…

Còn tại sao chưa giải ngân mạnh thì cũng cần có cái nhìn khách quan hơn. Vì đây là lần đầu tiên chúng ta có gói hỗ trợ này, cũng là lần đầu đối với các ngân hàng. Khi thị trường chưa có sản phẩm, trong xây dựng cơ bản từ lúc bắt đầu chuyển đổi, xây dựng mới phải có thời gian, thậm chí thủ tục bên ngoài từ lúc bắt đầu làm dự án đến lúc khởi công cũng phải mất hàng năm trời mới có thể thực hiện được…

TS Phạm Sĩ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, khi áp dụng gói hỗ trợ này vào thực tế thì gặp phải hàng loạt khó khăn như: điều kiện vay như thế nào, ai xác định mức thu nhập, thu nhập ở mức bao nhiêu là đủ… Chính vì quá nhiều vướng mắc nên đến nay gói 30 nghìn tỷ đồng mới bị giải ngân chậm như vậy.

Thực ra để một chính sách, một quy định đi vào cuộc sống không hẳn là ngay lập tức được. Đặc thù ở nước ta càng khó, bởi lẽ chúng ta chưa có thói quen chuẩn bị cho việc có hiệu lực của một quy định pháp quy. Nhiều trường hợp luật có hiệu lực cả năm trời vẫn chưa thể thực thi cũng là điều dễ hiểu. Cần nhấn mạnh thêm rằng, gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà ở chỉ là một trong những chính sách tác động tích cực đến thị trường BĐS. Nhưng để phục hồi được thị trường này thì phải cần có thêm nhiều chính sách khác nữa…

Qua hơn hai năm triển khai, có thể khẳng định, chính sách phát triển NƠXH đã từng bước phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống tuy nhiên, để thực hiện chính sách nhân văn này được tốt hơn thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò của chính quyền các địa phương trong việc triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và thủ tục chuẩn bị đầu tư, tạo quỹ đất dành để xây dựng NƠXH...

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng