Dù đã được hồi phục tích cực trong thời gian gần đây, nhưng thị trường bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh vẫn tồn tại nhiều bất cập và chưa phát triển thật sự vững chắc.
Hơn 41% dự án vẫn… "bất động"
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, 10 năm qua (2006-2015) diện tích bình quân nhà ở toàn thành phố đã tăng từ 10,3m2/người/năm lên 17,32m2/người/năm. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng tăng từ 1.264 lên 4.750 đơn vị. Tuy vậy, việc đầu tư, kinh doanh BĐS của thành phố vẫn tồn tại nhiều bất cập. Theo Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoReA), hiện trên địa bàn có 1.219 dự án (DA), nhưng có đến 405 DA chưa khởi công, 189 DA đã bị thu hồi chủ trương đầu tư. Trong số 325 DA đã khởi công thì có tới 97 DA đã phải tạm ngưng thi công. Nếu tính các DA tạm ngưng thi công và chưa khởi công thì hiện đến 502 DA đang… nằm yên, chiếm đến 41,18% tổng số DA trên địa bàn.
Nhiều dự án bất động sản TP Hồ Chí Minh đang chịu cảnh “đắp chiếu”.
|
Nhận xét về thị trường BĐS hiện tại, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoReA cho rằng, thị trường đang phục hồi khá nhanh nhưng chưa thật sự vững chắc. Các tồn tại gồm: Quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, môi trường; chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của thành phố; thị trường đang có sự tăng trưởng nguồn cung rất lớn ở phân khúc cao cấp trong lúc thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ.
Trong đề án "Phát triển thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030", TS Phạm Thái Sơn - Phó Chủ nhiệm đề án đã chỉ rõ nhiều tồn tại. Theo ông Sơn, công tác phát triển dự án nhà ở kéo dài do hệ thống quản lý phức tạp. Để có thể khởi công công trình, nhà đầu tư phải trải qua đến 8 giai đoạn. Với quy trình này thì nhà đầu tư phải mất từ 464 đến 605 ngày làm việc mới có thể khởi công dự án. Chưa kể, trong thực tế thủ tục thường kéo dài hơn rất nhiều so với quy định. Hệ quả của công tác quản lý phức tạp khiến nhiều dự án bị thu hồi do chậm trễ tiến độ đầu tư. Nếu như cuối năm 2013 có 85 DA nhà ở bị thu hồi thì năm 2014 lên đến 162 dự án và đến tháng 8-2015 thì con số DA bị thu hồi lên đến 189. Bên cạnh đó, công tác phát triển nhà ở chưa được kết nối tốt với định hướng quy hoạch, phát triển chung của thành phố, như kết nối với hệ thống giao thông công cộng. Thị trường cũng chưa minh bạch; chênh lệch cung cầu; thất bại trong phát triển nhà ở xã hội…
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, thị trường đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu ổn định, cơ cấu hàng hóa nhà ở còn mất cân đối khi nhà có giá bán vừa phải cho người thu nhập thấp không nhiều, thiếu sản phẩm nhà ở cho thuê… Ông Tuấn cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường BĐS hiện nay là hệ thống pháp lý đang thiếu tính đồng bộ, đôi khi chồng chéo.
Mong chính quyền "ký" nhanh hơn!
Theo TS Phạm Thái Sơn, để thị trường BĐS phát triển bền vững thì nhóm giải pháp phải đồng bộ từ công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất, tính minh bạch của thị trường, các giải pháp về tài chính…
Theo ông Lê Hoàng Châu, phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường BĐS chính là 502 dự án đang ngừng triển khai. Phần nhiều các DA này là do vướng đền bù giải tỏa, nhiều DA đã giải phóng được mặt bằng trên 80% diện tích nhưng phần còn lại không thể thỏa thuận đền bù được nên không thể triển khai. Do vậy cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong trường hợp đã bồi thường giải phóng mặt bằng được từ trên 80% diện tích để tạo điều kiện triển khai DA.
Ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, thách thức lớn nhất của thị trường BĐS chính là việc gia tăng nhu cầu nhà ở rất lớn của các tầng lớp dân cư trước áp lực tăng dân số. Đây là vấn đề rất quan trọng cần được xem xét thỏa đáng, trước hết là tác động của quy mô dân số đến quá trình chỉnh trang, phát triển đô thị và giải quyết nhà ở cho các tầng lớp nhân dân thành phố. HoReA đề nghị cần thiết điều chỉnh chỉ tiêu quy mô dân số các quận, huyện ở mức độ hợp lý hơn, tạo điều kiện để các quận, huyện thực hiện chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị bền vững và phát triển nhà ở. Đặc biệt, việc hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật điều chỉnh thị trường là hết sức cần thiết và cấp bách. "Nhiều doanh nghiệp đề xuất chỉ cần cán bộ nhà nước các cấp "ký nhanh hơn", không xử lý hồ sơ BĐS với thái độ "hành là chính" thì sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường", ông Châu nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: