Top

Bản đồ gốc quy hoạch KĐT Thủ Thiêm: Buộc phải có!

Cập nhật 04/05/2018 09:48

Cơ quan chức năng lúc thì nói không tìm thấy, lúc thì nói không có bản đồ quy hoạch chung năm 1996 của Khu đô thị Thủ Thiêm trong khi các chuyên gia khẳng định phải có.

Đó là ý kiến của ThS-KTS Đoàn Ngọc Hiệp, Chủ nhiệm bộ môn Quản lý đô thị Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cũng như nhiều chuyên gia về quy hoạch trước thông tin lúc thì mất, lúc thì không có bản đồ quy hoạch 1/5.000 năm 1996 của Khu đô thị (KĐT) Thủ Thiêm.
Bản đồ là thành phần chính của đồ án quy hoạch

Vị giảng viên Trường ĐH Kiến trúc TP cho biết đồ án quy hoạch xây dựng gồm hai phần: bản vẽ (hay còn gọi là bản đồ) và thuyết minh bản vẽ. “Trong đó bản vẽ có tính pháp lý cao hơn vì được xác định bằng dấu mộc của cơ quan có thẩm quyền. Còn thuyết minh chỉ được thể hiện bằng ngôn ngữ” - ông giải thích.

Về mặt ý nghĩa, ông Hiệp cho biết bản đồ quy hoạch có chức năng xác định phạm vi quy hoạch và tính chất đất trong khu vực đó. Chẳng hạn khu vực màu xám là quy hoạch làm đường giao thông, màu xanh là công viên cây xanh, màu vàng là đất ở... Theo ông Hiệp, nếu đã được gọi là đồ án quy hoạch xây dựng tỉ lệ 1/5.000 được phê duyệt tức là đã có tên gọi và đã được pháp lý hóa. Do đó phải có bản đồ cùng phần đính kèm là thuyết minh. Theo ông, chỉ có quy hoạch kinh tế-xã hội thì mới không có bản đồ. “Qua báo chí, tôi biết thông tin thất lạc bản đồ quy hoạch của Thủ Thiêm. Hôm nay lại có thông tin không có bản đồ này. Điều đó khiến tôi rất ngạc nhiên và thắc mắc” - ông Hiệp bày tỏ. Về việc lưu trữ bản đồ, ông Hiệp cho rằng có nhiều đơn vị từ chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và các bên có trách nhiệm triển khai. “Trong đó đơn vị tư vấn chỉ có trách nhiệm lưu trữ trong 10 năm nhưng các bên còn lại cần phải giữ bản đồ này” - ông nói.

Khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một vị nguyên là lãnh đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP cho hay bản đồ quy hoạch 1/5.000 là điều kiện bắt buộc phải có đầu tiên và quan trọng nhất để thực hiện các bước tiếp theo của dự án. Từ bản đồ này các cơ quan chức năng sẽ triển khai lập và phê duyệt đồ án quy hoạch 1/2.000, quy hoạch 1/500. “Nếu không có bản đồ quy hoạch 1/5.000 thì không thể nào triển khai dự án” - ông cho hay.

TS-KTS Võ Kim Cương cho rằng cần phải truy quy trình thực hiện quy hoạch để xác định cơ quan nào từng giữ bản đồ quy hoạch này và trách nhiệm nếu để thất lạc. “Theo tôi, có thể các cơ quan này bao gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP (Sở Quy hoạch-Kiến trúc hiện nay), Ban quản lý KĐT Thủ Thiêm, đơn vị tư vấn”.

Cơ quan chức năng: Khi thì nói mất, khi bảo không có

Trong khi đó, chiều 3-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ, cho biết bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 KĐT mới Thủ Thiêm không có chứ không phải là chưa tìm thấy.

Ông Điệp cho hay ngay từ năm 2017, đoàn kiểm tra của Thanh tra Chính phủ đã làm việc với TP.HCM và kết luận không có bản đồ này, sau đó báo cáo lên Tổng Thanh tra Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tại buổi đối thoại với người dân Thủ Thiêm vào tháng 5-2017, đích thân ông Điệp đã từng khẳng định rằng qua kiểm tra thì hoàn toàn không thấy bản đồ quy hoạch này.

“Quá trình tiếp dân cùng với chủ tịch UBND TP.HCM, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến của người dân về vấn đề này, đến bây giờ TP trả lời là chưa tìm thấy nhưng đã tìm bao năm nay rồi mà có thấy đâu” - ông Điệp nói. Vị này cho hay nhiều cuộc họp giữa các cơ quan trung ương như Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, thậm chí là quá trình thực hiện yêu cầu của phó thủ tướng về việc rà soát, tìm kiếm bản đồ này nhưng cũng không tìm thấy. “Chưa tìm thấy thì đến bao giờ nữa. Nếu thất lạc thì chỉ một cấp nhưng ở đây là tất cả cơ quan đều không thấy. Không có phải nói là không có. Đã rất nhiều lần tiếp người dân, chúng tôi đều trả lời là không có” - ông Điệp cho biết.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo của UBND TP.HCM trưa 2-5, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM, cho biết bản đồ KĐT mới Thủ Thiêm đến giờ này tìm không ra. “TP đã có chỉ đạo các sở, ngành rà soát từng nguồn, đơn vị tư vấn trước đây và có văn bản hỏi các bộ, ngành trung ương” - ông Nhã nói và cho biết từ năm 1995 đến nay, đã hơn 20 năm, nhiều đơn vị đã chuyển địa điểm, họ cho biết không lưu trữ bản đồ này. “Tài liệu hồ sơ thì có lưu nhưng đi kèm với bản đồ thì không có” - ông Nhã nói. Ông Nhã cũng khẳng định TP.HCM đã báo cáo Chính phủ và Bộ Tư pháp để có ý kiến. Trao đổi thêm về vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng bản đồ 1/5.000 KĐT mới Thủ Thiêm chưa tìm thấy trong bộ hồ sơ lưu chứ không phải là không có; các bộ, ngành cũng đang cố gắng tìm.

“Trong thủ tục trình Chính phủ có đầy đủ tất cả theo quy định thì mới được phê duyệt… Rất tiếc 20 năm rồi, công tác lưu trữ chưa thấy bản đồ quy hoạch gốc đó. Hiện TP chỉ đạo phải truy bằng được, nghe nói cũng đã tìm thấy được bản phôtô, bản sao chứ không phải bản gốc, bản màu. Như vậy không phải là không có” - ông Hoan nói.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng không khẳng định có bản đồ năm 1996

Trao đổi sau cuộc họp báo Chính phủ ngày 3-5 về thông tin Trưởng ban Tiếp dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp khẳng định “làm gì có mà tìm” bản đồ quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm tỉ lệ 1/5.000, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay: “Tôi cũng không khẳng định có bản đồ năm 1996. Còn bản đồ năm 2005 là do các cơ quan lập mới, phê duyệt mới hoàn toàn”. Theo ông Hùng, bản đồ năm 1996 đã được triển khai chi tiết vào năm 1997-1998, dựa trên thực địa này đã tổ chức thi tuyển kiến trúc KĐT mới Thủ Thiêm. Sau đó quy hoạch được lập và phê duyệt lại. Thậm chí lần sau đó là điều chỉnh mới hoàn toàn.

Về ý nghĩa của bản đồ bị thất lạc, ông Hùng phân tích cần xét ở ngữ cảnh cụ thể. Có hai thời điểm phải làm rõ. Thời điểm hiện tại, bản đồ 2005 chính là căn cứ pháp lý để thực hiện dự án KĐT. “Còn thực tế, có thể một số hộ dân đã được thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng trước năm 2005 thì đương nhiên việc này phải dựa vào quy hoạch trước. Có chăng thì đó là điểm cần phải thẩm định. Tuy nhiên, việc đó cũng chỉ là bước hồi tố, còn về bản chất pháp lý thì hiện tại dự án được thực hiện theo quy hoạch năm 2005” - ông Hùng nhấn mạnh.

Bản đồ thất lạc đã bị thay thế

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 3-5, xoay quanh việc mất bản đồ quy hoạch  KĐT Thủ Thiêm tỉ lệ 1/5.000, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay quy trình triển khai quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm gồm hai bước: Quy hoạch chung gắn với bản đồ 1/5.000 và quy hoạch chi tiết gắn với bản đồ 1/2.000. Theo ông, KĐT mới Thủ Thiêm hai lần điều chỉnh quy hoạch, một lần quy hoạch chung năm 1996, lần thứ hai vào năm 2005. Hiện nay quá trình triển khai dự án, xác định ranh giới, thu hồi mặt bằng là theo quy hoạch chung năm 2005. Theo TP.HCM, tất cả bản đồ cũng như hồ sơ pháp lý hiện có đầy đủ từ năm 2005 gồm quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, quy hoạch ranh giới có đầy đủ đang triển khai dự án thu hồi dựa trên các quy hoạch này. Còn quy hoạch chung là năm 1996 về pháp lý đã được thay đổi bằng quy hoạch 2005. Việc thất lạc thuộc trách nhiệm của những người quản lý trước và đang xem xét làm rõ. Hiện nay KĐT Thủ Thiêm đang triển khai theo quy hoạch chung 2005.

ThS-KTS Đoàn Ngọc Hiệp, Chủ nhiệm bộ môn Quản lý đô thị Trường ĐH Kiến trúc TP, cũng cho rằng quy hoạch Thủ Thiêm đã được điều chỉnh (nếu đúng trình tự thủ tục) từ năm 2005 nên quy hoạch cũ trước đó (kể cả bản đồ đính kèm) không còn ý nghĩa gì nữa. “Quy hoạch sau được quyền nghiên cứu khác với quy hoạch cũ, kể cả việc mở rộng phạm vi ranh giới và có ý nghĩa phủ định quy hoạch cũ với điều kiện phải điều chỉnh quy hoạch theo trình tự thủ tục. Điều này là được phép, không có gì sai” - ông Hiệp phân tích. Do đó, theo ông, dự án thực hiện theo quy hoạch được điều chỉnh năm 2005 là điều bình thường. Theo ông Hiệp, dù tìm được bản đồ quy hoạch năm 1996 đi nữa thì bản đồ này cũng không còn giá trị pháp lý và cũng không thể dựa vào đó để kết luận quy hoạch năm 2005 là sai.
 

DiaOcOnline.vn - Theo PLO