Cơ quan chức năng lúc thì nói không tìm thấy, lúc thì nói không có bản đồ quy hoạch chung năm 1996 của Khu đô thị Thủ Thiêm trong khi các chuyên gia khẳng định phải có.
Đó là ý kiến của ThS-KTS Đoàn Ngọc Hiệp, Chủ nhiệm bộ môn Quản lý đô thị Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cũng như nhiều chuyên gia về quy hoạch trước thông tin lúc thì mất, lúc thì không có bản đồ quy hoạch 1/5.000 năm 1996 của Khu đô thị (KĐT) Thủ Thiêm.
Bản đồ là thành phần chính của đồ án quy hoạch
Vị giảng viên Trường ĐH Kiến trúc TP cho biết đồ án quy hoạch xây dựng gồm hai phần: bản vẽ (hay còn gọi là bản đồ) và thuyết minh bản vẽ. “Trong đó bản vẽ có tính pháp lý cao hơn vì được xác định bằng dấu mộc của cơ quan có thẩm quyền. Còn thuyết minh chỉ được thể hiện bằng ngôn ngữ” - ông giải thích.
Về mặt ý nghĩa, ông Hiệp cho biết bản đồ quy hoạch có chức năng xác định phạm vi quy hoạch và tính chất đất trong khu vực đó. Chẳng hạn khu vực màu xám là quy hoạch làm đường giao thông, màu xanh là công viên cây xanh, màu vàng là đất ở... Theo ông Hiệp, nếu đã được gọi là đồ án quy hoạch xây dựng tỉ lệ 1/5.000 được phê duyệt tức là đã có tên gọi và đã được pháp lý hóa. Do đó phải có bản đồ cùng phần đính kèm là thuyết minh. Theo ông, chỉ có quy hoạch kinh tế-xã hội thì mới không có bản đồ. “Qua báo chí, tôi biết thông tin thất lạc bản đồ quy hoạch của Thủ Thiêm. Hôm nay lại có thông tin không có bản đồ này. Điều đó khiến tôi rất ngạc nhiên và thắc mắc” - ông Hiệp bày tỏ. Về việc lưu trữ bản đồ, ông Hiệp cho rằng có nhiều đơn vị từ chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và các bên có trách nhiệm triển khai. “Trong đó đơn vị tư vấn chỉ có trách nhiệm lưu trữ trong 10 năm nhưng các bên còn lại cần phải giữ bản đồ này” - ông nói.
Khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: PHƯƠNG NAM
|
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng không khẳng định có bản đồ năm 1996
Trao đổi sau cuộc họp báo Chính phủ ngày 3-5 về thông tin Trưởng ban Tiếp dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp khẳng định “làm gì có mà tìm” bản đồ quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm tỉ lệ 1/5.000, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay: “Tôi cũng không khẳng định có bản đồ năm 1996. Còn bản đồ năm 2005 là do các cơ quan lập mới, phê duyệt mới hoàn toàn”. Theo ông Hùng, bản đồ năm 1996 đã được triển khai chi tiết vào năm 1997-1998, dựa trên thực địa này đã tổ chức thi tuyển kiến trúc KĐT mới Thủ Thiêm. Sau đó quy hoạch được lập và phê duyệt lại. Thậm chí lần sau đó là điều chỉnh mới hoàn toàn.
Về ý nghĩa của bản đồ bị thất lạc, ông Hùng phân tích cần xét ở ngữ cảnh cụ thể. Có hai thời điểm phải làm rõ. Thời điểm hiện tại, bản đồ 2005 chính là căn cứ pháp lý để thực hiện dự án KĐT. “Còn thực tế, có thể một số hộ dân đã được thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng trước năm 2005 thì đương nhiên việc này phải dựa vào quy hoạch trước. Có chăng thì đó là điểm cần phải thẩm định. Tuy nhiên, việc đó cũng chỉ là bước hồi tố, còn về bản chất pháp lý thì hiện tại dự án được thực hiện theo quy hoạch năm 2005” - ông Hùng nhấn mạnh.
Bản đồ thất lạc đã bị thay thế
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 3-5, xoay quanh việc mất bản đồ quy hoạch KĐT Thủ Thiêm tỉ lệ 1/5.000, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay quy trình triển khai quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm gồm hai bước: Quy hoạch chung gắn với bản đồ 1/5.000 và quy hoạch chi tiết gắn với bản đồ 1/2.000. Theo ông, KĐT mới Thủ Thiêm hai lần điều chỉnh quy hoạch, một lần quy hoạch chung năm 1996, lần thứ hai vào năm 2005. Hiện nay quá trình triển khai dự án, xác định ranh giới, thu hồi mặt bằng là theo quy hoạch chung năm 2005. Theo TP.HCM, tất cả bản đồ cũng như hồ sơ pháp lý hiện có đầy đủ từ năm 2005 gồm quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, quy hoạch ranh giới có đầy đủ đang triển khai dự án thu hồi dựa trên các quy hoạch này. Còn quy hoạch chung là năm 1996 về pháp lý đã được thay đổi bằng quy hoạch 2005. Việc thất lạc thuộc trách nhiệm của những người quản lý trước và đang xem xét làm rõ. Hiện nay KĐT Thủ Thiêm đang triển khai theo quy hoạch chung 2005.
ThS-KTS Đoàn Ngọc Hiệp, Chủ nhiệm bộ môn Quản lý đô thị Trường ĐH Kiến trúc TP, cũng cho rằng quy hoạch Thủ Thiêm đã được điều chỉnh (nếu đúng trình tự thủ tục) từ năm 2005 nên quy hoạch cũ trước đó (kể cả bản đồ đính kèm) không còn ý nghĩa gì nữa. “Quy hoạch sau được quyền nghiên cứu khác với quy hoạch cũ, kể cả việc mở rộng phạm vi ranh giới và có ý nghĩa phủ định quy hoạch cũ với điều kiện phải điều chỉnh quy hoạch theo trình tự thủ tục. Điều này là được phép, không có gì sai” - ông Hiệp phân tích. Do đó, theo ông, dự án thực hiện theo quy hoạch được điều chỉnh năm 2005 là điều bình thường. Theo ông Hiệp, dù tìm được bản đồ quy hoạch năm 1996 đi nữa thì bản đồ này cũng không còn giá trị pháp lý và cũng không thể dựa vào đó để kết luận quy hoạch năm 2005 là sai.