Thời gian qua, vịnh Nha Trang thường xuyên chịu tác động bởi các dự án phát triển du lịch. Nhiều tác động trong số đó là tiêu cực, đáng chú ý có cả những dự án không hoàn toàn đúng với quy hoạch đã được phê duyệt trước đó.
Bất chấp quy hoạch
Theo quy hoạch, vịnh Nha Trang được phân thành 5 vùng chức năng chính. Khu vực bảo vệ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên hoang sơ ở phía Ðông vịnh. Khu vực này bao gồm vùng mặt nước, các khu phục hồi và bảo tồn rừng trên các đảo, khu bảo tồn sinh cảnh tại Ðầm Tre và khu rừng ngập mặn kết hợp du lịch sinh thái tại Ðầm Bấy.
Vịnh Nha Trang bị “băm nát” bởi dự án…
|
Khu thứ hai là khu trung tâm dịch vụ du lịch biển - đảo gồm Tây Nam đảo Hòn Tre, phía Tây Hòn Một, Hòn Tằm, đảo Trí Nguyên. Ðây là vùng không gian tương đối biệt lập. Trong đó đa số phát triển dịch vụ du lịch, được giới hạn bởi các triền núi, không ảnh hưởng đến ấn tượng cảnh quan thiên nhiên hoang sơ của khu vực phía Ðông vịnh. Khu thứ ba là khu vực xây dựng các resort cao cấp và các dịch vụ du lịch có thể khép kín ở phía Bắc đảo Hòn Tre, từ mũi Xà Cừ ra phía Tây.
Bên cạnh đó, khu thứ tư là dải bờ biển từ đèo Cù Hin ở phía Nam đến mũi Kê Gà ở phía Bắc, nằm phía Ðông các đường Trần Phú, Nguyễn Tất Thành và Phạm Văn Ðồng. Khu vực này được quy hoạch thành dải công viên ven biển, tạo bộ mặt TP. Nha Trang hiện đại với những dịch vụ du lịch, cảnh quan đẹp và quan trọng nhất trong toàn bộ khu vực vịnh Nha Trang. Khu vực thứ năm là cửa sông Cái, sông Quán Trường và khu vực dự án Khu du lịch và giải trí Nha Trang.
Ðây là những khu vực không nằm trong ranh giới quy hoạch vịnh Nha Trang nhưng có ảnh hưởng lớn đến khu vực vịnh về mặt cảnh quan, sinh thái cũng như công năng sử dụng nên được nghiên cứu đề xuất một số giải pháp kiểm soát sự phát triển.
Những nội dung chính của Đồ án Quy hoạch là tập trung bảo vệ cảnh quan thiên nhiên hoang sơ phía Đông vịnh; sử dụng công viên ven biển Nha Trang làm không gian kết nối đô thị và biển; ưu tiên phát triển hình thức đô thị du lịch biển đảo với nhiều không gian công cộng cho du lịch cộng đồng… đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt (Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo vịnh Nha Trang) từ năm 2011.
Điều đáng nói, đồ án quy hoạch có từ lâu, song những năm qua vịnh Nha Trang bị “băm” bởi các dự án, gây tổn thương trầm trọng đến công tác bảo tồn, tôn tạo di sản khiến dư luận xã hội bức xúc. Nhiều người dân địa phương phản ánh, chính quyền đã đi ngược lại tinh thần bảo vệ, tôn tạo. Hàng loạt dự án thản nhiên đổ đất đá xuống Vịnh.
Có thể điểm qua các dự án lấn vịnh Nha Trang: Khu nghỉ dưỡng Champarama Resort & Spa; dự án Nha Trang Sao - đang trong quá trình giải quyết giữa chính quyền và chủ đầu tư dự án; dự án trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái Hòn Rùa… Các dự án này đua nhau xí phần, “băm nát” danh thắng vịnh Nha Trang.
Khó giải quyết dứt điểm
Việc có quy hoạch từ lâu, thế nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn cấp phép đầu tư, có thể nói đây là chuyện lạ? Khi cơ quan truyền thông vào cuộc phanh phui, thì y rằng hàng loạt cuộc họp, điều trần để sửa sai… không những gây bức xúc cho người dân mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín của địa phương và tiền của của nhà đầu tư. Dư luận nhân dân đặt câu hỏi việc danh thắng quốc gia bị xâm hại trong một thời gian dài do đâu? Chính quyền địa phương cần làm rõ để người dân giám sát trách nhiệm?
Đơn cử, dự án Nha Trang Sao được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho CTCP Nha Trang Sao từ tháng 3/2012. Dự án có vốn đầu tư lên đến 33 triệu USD, được khởi công đầu năm 2014, có diện tích trên 103.000m2. Trong đó, có trên 44.000m2 mặt đất và gần 59.500m2 mặt nước. Có nghĩa, dự án cấp phép sau khi Đồ án Quy hoạch vịnh Nha Trang được UBND tỉnh này phê duyệt (tháng 10/2011).
Sau khi được cấp phép, DN triển khai dự án và đã xảy ra nhiều vi phạm như không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường trong giai đoạn thi công dự án; vi phạm đổ đất lấn biển 2,3ha khi chưa được cấp phép, làm ảnh hưởng đến danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang… Trước những sai phạm này, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định xử phạt, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế theo hướng đưa diện tích lấn biển trái phép thành công viên. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay dự án gần như dậm chân tại chỗ...
Do đó, ngày 19/1/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án Công viên văn hóa giải trí thể thao Nha Trang Sao. Tuy nhiên sau đó, Tổng Giám đốc Công ty này có đơn khiếu nại về quyết định thu hồi và cho rằng đó là quyết định vội vàng…
Câu chuyện trên là điển hình trong số nhiều vụ việc sai phạm tồn tại của chính quyền tỉnh Khánh Hòa khi bất chấp quy hoạch để cấp phép cho DN đầu tư dẫn đến những sai phạm gây bức xúc cho dư luận.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Khánh Hòa cần khắc phục ngay những tồn tại, bất cập trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch vịnh Nha Trang. Đồng thời, có phương án giải quyết dứt điểm những chuyện “lùm xùm” đang tồn tại liên quan giữa chính quyền và DN đối với các dự án đầu tư trên địa bàn. Có như thế mới mong lấy lại lòng tin trong nhân dân địa phương.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: