Top

Đau đầu bài toán hạ tầng sau cảng

Bài 1: Những khởi đầu rầm rộ

Cập nhật 16/11/2009 14:50

10 năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút hàng chục nhà đầu tư tham gia xây dựng cảng. Ảnh: Hoài Nam

Nếu hệ thống giao thông và dịch vụ sau cảng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục trễ hẹn với tốc độ phát triển của các cảng biển ở đây, thì dù lợi thế cảng nước sâu hấp dẫn đến đâu cũng chỉ mãi là tiềm năng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 14 cảng đang khai thác, trong đó có 12 cảng chuyên dùng và 2 cảng tổng hợp.

So với các địa phương khác trong cả nước, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn là tỉnh đi đầu trong việc xây dựng và phát triển hệ thống cảng.

Trong vòng 10 năm qua, kể từ khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam và chia hệ thống cảng biển Việt Nam ra thành 8 nhóm, trong đó hệ thống cảng biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong nhóm 5, thì việc phát triển cảng biển ở đây chuyển vào giai đoạn rầm rộ.

Hiện đang có thêm 37 dự án cảng với tổng vốn đăng ký hơn 87 ngàn tỷ đồng tiếp tục được triển khai ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Một tín hiệu được xem khá lạc quan là, đến thời điểm này, 37 dự án này đã chuyển hóa số vốn đăng ký sang vốn thực hiện ước khoảng 8.536 tỷ đồng, đạt giá trị 9,8%.

Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ngoài 14 dự án đã khởi công xây dựng ra, hiện 23 dự án còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục đầu tư.

Dự kiến bước vào năm 2010, những dự án này sẽ khởi công đồng loạt. Như vậy, nếu “thuận buồm xuối gió”, đến năm 2020, khu vực cảng Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đủ sức tiếp nhận khoảng 120 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 3 cảng nước sâu là Cảng Quốc tế SP – PSA, Tân cảng Cái Mép, Cảng nước sâu PTSC đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Với khả năng có thể tiếp nhận cùng một lúc nhiều tàu có trọng tải lớn, ba cảng này đã thực sự mở ra những cơ hội giao thương mới cho vùng đất này.

Ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, ngoài 3 cảng nước sâu trên, chỉ trong vòng 2 đến 3 năm nữa, ven khu vực sông Thị Vải, huyện Tân Thành sẽ có thêm hàng chục cảng container có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn.

Hiện nay, lãnh đạo tỉnh đang chỉ đạo cho các sở, ngành, các đơn vị có liên quan tập trung quyết liệt cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cảng, trước mắt là tuyến đường liên cảng, quốc lộ 51, đường 965, các dịch vụ hậu cần sau cảng.

Nói như Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trần Doãn Thọ, mỗi khi các cảng ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu đi vào hoạt động với một tầm vóc quốc tế, thì không chỉ riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà cả Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đều có điều kiện tốt để phát triển.

Nhận định trên của ông Trần Doãn Thọ là hoàn toàn chính xác, và ngay từ đầu, theo quy hoạch, hệ thống cảng biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã nhắm tới mục đích này.

Không những thế, việc phát triển cảng biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu còn mang một sứ mệnh cao cả hơn, đó là tạo điều kiện để thực hiện việc di dời các cảng biển từ nội thành TP.HCM ra, giúp TP.HCM chống ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Với tầm nhìn đó, chỉ trong vòng 10 năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút hàng chục nhà đầu tư tham gia xây dựng cảng. Nếu có dịp thực mục sở thị khu vực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải ở huyện Tân Thành, nơi đang tập trung nhiều dự án cảng lớn sẽ thấy, “sức khỏe” của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đang chuyển tiến rõ rệt.

Theo ghi nhận của baodautu.vn, các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào các cảng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều là những tập đoàn vận tải biển và khai thác cảng biển hàng đầu trên thế giới. Trong đó có thể kể đến những tên tuổi lớn như PSA (Singapore), Marsk (Đan Mạch), SSA Marine (Mỹ), CMA-CGM (Pháp).

Quan trọng hơn, hầu hết các cảng chuyên dùng container và cảng tổng hợp đều có quy mô lớn, được thiết kế cho tàu trọng tải 80.000-160.000 tấn.

Điều này là cơ sở xác tín để cũng cố thêm niềm tin rằng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là nợi hội tụ những cảng biển sầm uất và hiện đại trong tương lai gần.

Nhưng viễn cảnh vui không khoả lấp hết lo ngại sau năm 2010, khi hàng loạt các dự án mới được khởi công, những bất ổn do thiếu đồng bộ trong phát triển hệ thống giao thông và dịch vụ sau cảng sẽ bộc phát mạnh.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư