Top

Kiên Giang:

Bài 1: "Đảo ngọc" Phú Quốc đang bị "băm nát" như thế nào?

Cập nhật 11/04/2018 10:19

Xây dựng không phép tràn lan, “xẻ thịt” đất nông nghiệp ồ ạt để phân lô bán nền, giá đất bị thổi lên gấp chục lần, dùng giang hồ tranh chấp đất đai…trong khi chính quyền buông lỏng quản lý khiến hòn “đảo ngọc” Phú Quốc đang bị băm nát.

“Xẻ thịt” đất nông nghiệp ồ ạt

Hàng chục ha đất nông nghiệp đang bị "xẻ thịt" để phân lô, bán nền tại xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc.

Có mặt tại huyện đảo Phú Quốc ngay sau khi có quyết định thanh tra công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở Kiên Giang của Thanh tra Chính phủ, PV Dân trí ghi nhận tình trạng san lấp, phân lô bán nền ồ ạt đang diễn ra. Hàng chục ha đất nông nghiệp bị “xẻ thịt” để làm dự án, môi trường cảnh quan tự nhiên bị tàn phá, quy hoạch đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ. Nơi được mệnh danh là “đảo ngọc” đang trở thành đại công trường với những dự án cực “khủng”.

Dọc đường Búng Gội (xã Cửa Dương), hàng chục dự án trên đất nông nghiệp đang được phân lô, một nền đất có diện tích gần 120m2 được rao bán với giá 900 triệu đồng - 1,3 tỷ đồng. Rất nhiều tuyến được trong các dự án được chủ đầu tư tự mở, đấu nối giao thông trái phép. Bên cạnh đó, những khoảng đất rộng hàng chục ha nằm sát bìa rừng đang được san lấp rầm rộ.

Điều đáng nói, việc “xẻ thịt” đất nông nghiệp diễn ra rầm rộ nhưng chính quyền địa phương lại không nắm bắt được. Điều này khiến dư luận “băn khoăn” có hay không việc buông lỏng quản lý, làm ngơ trước sai phạm.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Cửa Dương về việc hàng loạt dự án trên đất nông nghiệp và việc đấu nối giao thông, làm đường bê tông cốt thép thuộc thẩm quyền xử lý của UBND xã. Tuy nhiên, ông Việt gần như chưa nắm được vấn đề này, phía UBND xã Cửa Dương cũng không đưa ra được biên bản xử lý hoạt động xây dựng làm đường giao thông tại các dự án đã được phân lô, ráo bán tràn lan.

Hàng loạt khu đất nông nghiệp bị "xẻ thịt", đấu nối giao thông tràn lan.

Cuối năm 2017, kết quả rà soát của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Kiên Giang về việc kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư xây dựng và việc tách thửa các lô đất của tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã Cửa Dương, Gành Dầu, Cửa Cạn, Dương Tơ và Hàm Ninh (huyện Phú Quốc) cho thấy, đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng trăm công trình của cá nhân, tổ chức thực hiện không đúng các quy định của pháp luật xây dựng. Trong đó, có đến trên 90% công trình nhà ở riêng lẻ không có giấy phép xây dựng, không phù hợp với quy hoạch xây dựng...

Riêng 3 tháng đầu năm 2018, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc đã phát hiện hơn 50 tổ chức và cá nhân xây dựng trái phép 540 công trình trên “đảo ngọc”. Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 318 triệu đồng, buộc tháo dỡ 4 công trình.

Ghi nhận thực tế cho thấy, lĩnh vực đất đai, “xẻ thịt” đất nông nghiệp, xây dựng trái phép, sai phép ở huyện đảo Phú Quốc đang rất nóng dù đoàn Thanh tra Chính phủ đã bắt tay vào thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai.

Thanh tra quy hoạch, quản lý, sử dụng đất


Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã chủ trì công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường. Đây là kế hoạch thanh tra năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung thanh tra là việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang từ 1/1/2011 đến 31/12/2017.

Thời gian thanh tra là 70 ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra, không kể ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định. Trường hợp cần thiết có thể xem xét trước và sau thời kỳ thanh tra.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn yêu cầu phải thanh tra làm rõ các sai phạm, thiếu sót trong quản lý sử dụng đất, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường. Từ thực tế thanh tra sẽ kiến nghị xử lý đúng quy định các tổ chức, cá nhân sai phạm, cũng như bổ sung cơ chế, sửa đổi chính sách để chặt chẽ trong các lĩnh vực này.


Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn yêu cầu phải thanh tra làm rõ các sai phạm, thiếu sót trong quản lý sử dụng đất, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường.

Ông Huẩn cũng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản chỉ đạo, phân công đầu mối cụ thể để cung cấp thông tin đúng thẩm quyền cho đoàn thanh tra. Bên cạnh đó, ông Huẩn yêu cầu các thành viên Đoàn Thanh tra, Tổ Giám sát cần hoạt động đúng quy định.

Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã tiếp thu quyết định thanh tra và giao Thanh tra tỉnh Kiên Giang làm đầu mối làm việc với Đoàn Thanh tra. Lãnh đạo các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện thị phải chịu trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, số liệu cho Đoàn Thanh tra, cũng như phải chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) là cơ quan tham mưu chính cho UBND tỉnh Kiên Giang về công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, thời điểm công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở Kiên Giang thì tại huyện Phú Quốc đang diễn ra hàng chục dự án san lấp, phân lô bán nền… trong khi chính quyền buông lỏng quản lý khiến hòn “đảo ngọc” đang bị băm nát.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân trí