Rất nhiều người dân tại TP.HCM đang sống trong phập phồng lo sợ bên những dòng sông, rạch bị sạt lở. Trong khi đó, việc triển khai các dự án chống sạt lở đang bị chậm vì vướng đền bù giải tỏa.
Những căn nhà có nguy cơ sạt lở ở rạch Giồng Ông Tố, Q.2 (TP.HCM) - Ảnh: T.ĐỨC
|
Tôi đang chờ được đền bù để tìm chỗ ở mới, chứ ở đây cứ phập phồng lo lắng, lỡ nhà trôi xuống sông thì người mất, của mất mà phần đất trôi đi cũng không chắc được hỗ trợ, đền bù Bà N.T.P.H. (người dân khu vực sạt lở rạch Giồng Ông Tố) |
Dự án chậm vì chờ giải tỏa
Ông Nguyễn Nam Hải, trưởng Phòng quản lý đô thị Q.Thủ Đức, cho biết quận có hai khu dân cư tập trung nằm trong khu vực báo động, có nguy cơ sạt lở cao.
Q.Thủ Đức đã di dời các hộ gia đình sinh sống trong khu vực nguy hiểm. Tại các điểm có nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương đã cho cắm biển cảnh báo người dân và phương tiện qua lại.
Liên quan đến khu vực sạt lở ở rạch Giồng Ông Tố, ông Hoàng Lê Phương, phó chủ tịch UBND P.An Phú (Q.2), cho biết cơ quan chức năng đã đo đạc và thống nhất với người dân về việc di dời, giải phóng mặt bằng để làm kè chống sạt lở. Dự kiến công trình được triển khai trong năm nay.
Theo ông Trần Văn Giàu - giám đốc Khu quản lý đường thủy nội địa TP, trong năm nay có 10 dự án (với 11 công trình) kè bờ chống sạt lở.
Tuy nhiên, các dự án chống sạt lở đều gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Để triển khai thi công một số dự án, khu đã phối hợp với các phòng ban chuyên môn và UBND các xã phường vận động người dân tạm giao mặt bằng để phòng tránh sạt lở.
Đồng thời triển khai việc bồi thường giải phóng mặt bằng, chi trả bồi thường cho người dân song song với việc triển khai thi công dự án.
"Hiện công tác giải phóng mặt bằng thực hiện rất chậm, không đảm bảo tiến độ triển khai các dự án chống sạt lở theo chỉ đạo của UBND TP. Đã có một số dự án đang tạm dừng chờ bàn giao mặt bằng" - ông Giàu nói.
Theo Khu quản lý đường thủy nội địa TP, nguyên nhân gây ra sạt lở chủ yếu do sự thay đổi của dòng chảy.
Trong khi đó, nhiều năm qua việc triển khai các dự án chống sạt lở ở TP còn rất manh mún, không đồng bộ. Xảy ra sạt lở đến đâu, các cơ quan chức năng mới lập dự án chống sạt lở đến đó.
Vậy làm thế nào chủ động phòng chống sạt lở? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Văn Giàu cho biết Khu quản lý đường thủy nội địa đã có báo cáo đề xuất và được Sở Giao thông vận tải TP chấp thuận chủ trương, giao khu dự toán để tổ chức lập đề án nghiên cứu dự báo sạt lở bờ sông tại một số quận huyện và đề xuất các nguyên tắc ứng xử, giải pháp phòng chống sạt lở.
Tiến độ triển khai dự án chống sạt lở
Theo Khu quản lý đường thủy nội địa TP, đến nay TP có 40 điểm sạt lở, trong đó có 22 điểm đặc biệt nguy hiểm, còn lại đa số là điểm sạt lở nguy hiểm. Tiến độ thực hiện các dự án chống sạt lở như sau:
Năm 2017: Hoàn thành cơ bản 5 dự án chống sạt lở có quy mô 1.657,7m kè bờ sông, kênh rạch ở Q.4 và H.Nhà Bè.
Năm 2018: Triển khai thi công 10 dự án (11 công trình) có quy mô 4.906m kè bờ sông, kênh rạch tại Bình Thạnh, Nhà Bè, Bình Chánh và Cần Giờ.
Sau năm 2018, triển khai 11 dự án có quy mô 12.482m kè bờ sông, kênh rạch tại Bình Thạnh, Q.8, Nhà Bè và Bình Chánh...
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: