Liên quan đến dự án khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và Trung tâm thương mại (Lavenue Crown) tại số 8-12 Lê Duẩn, cho đến nay đã có 2 kết luận thanh tra (KLTT), một của Thanh tra TP.HCM năm 2013 và một của Thanh tra Chính phủ (TTCP) năm 2018. Ngoài ra, TTCP còn có KLTT ngày 9-7-2015 và kết luận kiểm tra ngày 10-10-2016 liên quan đến dự án số 8 - 12 Lê Duẩn.
Đã có nhiều kết luận thanh, kiểm tra nhưng vụ việc vẫn chưa có hồi kết...
QUẢNG CÁO “CÓ CÁNH” VỀ DỰ ÁN “SIÊU SANG” (!)
Sau khi Công ty CP đầu tư Lavenue có được hai khu đất “vàng” số 8-12 Lê Duẩn thì dư luận bắt đầu xôn xao. Một số cán bộ của 4 DN “ẵm” 200 tỷ đồng từ bán “lúa non” dự án nhận ra sự bất thường nên có đơn gửi Báo CATP từ cuối năm 2012.
Dự án “trên mây”Lavenue Crown khó thành hiện thực
|
Vào cuộc xác minh làm rõ, Báo CATP đã có loạt điều tra đăng năm 2013, khẳng định: Việc 4 DN chuyển nhượng cổ phần cho Công ty CP đầu tư Kinh Đô (KIDO) để thu lợi “khủng” khi chưa có sự chấp thuận của UBND TP là trái pháp luật.
Cả 5 cổ đông góp vốn thành lập Công ty Lavenue đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng ngay từ đầu. Đến khi lãnh đạo UBND TP chỉ đạo Thanh tra TP lập đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra dự án từ đầu năm 2013, thì Lavenue Crown vẫn còn quảng cáo trên các trang mạng gây sốc.
Chẳng hạn như Lavenue Crown là một công trình phức hợp cao 36 tầng, “ghi dấu ấn” với 210 - 220 căn hộ “siêu sang”, phong cách sống “hoàng gia” chưa từng có tại Sài Gòn, cùng 220 - 250 phòng khách sạn 5 sao chuẩn quốc tế. Đến với Lavenue Crown “tầm nhìn triệu đô”, dường như mọi nét tinh hoa nhất của Sài Gòn đều được hội tụ ngay trước mắt bạn (?!)
Theo Thanh tra TP.HCM, đến tháng 5-2013, Công ty Lavenue (do là bà Lê Thị Thanh Thúy làm Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật) đã 4 lần đăng ký thay đổi, nâng vốn điều lệ từ 100 lên 200 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Quản lý kinh doanh nhà (QLKDN) TP góp 40 tỷ đồng; Công ty Hoa Tháng Năm góp 60 tỷ đồng và Công ty KIDO góp 100 tỷ. Công ty thực hiện dự án nghìn tỷ nhưng lại đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh “lạ”, như dịch vụ giặt ủi, làm sạch các sản phẩm dệt và lông thú; dịch vụ cắt tóc, làm đầu, gội đầu... (?!).
Quá trình thanh tra, Thanh tra TP phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan đến Công ty QLKDN, Sở KH&ĐT, Sở TNMT… cũng như chủ đầu tư nên đã có một nhiều kiến nghị tại KLTT ngày 7-8-2013. Nhận thấy việc cho thuê đất thu tiền hàng năm là không đúng quy định nên ngày 5-5-2016, UBND TP ra QĐ số 2186/QĐ-UBND “điều chỉnh QĐ số 3030/QĐ-UBND ngày 14-6-2011 của UBND TP”, chấp thuận cho Công ty Lavenue thuê đất tại 12 Lê Duẩn nhưng phải trả tiền một lần cho cả thời gian thuê 50 năm.
Đến nay, Công ty Lavenue đã đăng ký thay đổi lần thứ 6, với vốn góp lên đến 775 tỷ đồng và tỷ lệ góp vẫn như cũ. The đó, Công ty QLKDN chiếm 20% vốn góp, phái móc hầu bao 155 tỷ đồng; Hoa Tháng Năm chiếm 30% góp 232,5 tỷ; KIDO chiếm 50%, nộp 387,5 tỷ. Với đà tăng vốn theo cấp số nhân, không biết Công ty QLKDN đào đâu ra tiền tỷ để góp vào dự án? Ngay cả khoản tiền 155 tỷ đồng mà công ty đã góp nhất thiết phải được làm rõ.
Lễ khởi công đóng cọc thăm dò địa chất |
HAI KẾT LUẬN CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ
Liên quan đến dự án Lavenue Crown, ngày 23-6-2016, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: “Giao TTCP chủ trì, phối hợp với Bộ TNMT và UBND TP.HCM kiểm tra việc thực hiện hiện dự án, xử lý sai phạm, đề xuất biện pháp giải quết, báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ.”.
Trên cơ sở báo cáo của Đoàn thanh tra liên ngành, ngày 10-10-2016, TTrCP có văn bản báo cáo, kết luận: Việc UBND TP.HCM không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và sản trên đất tại số 8-12 Lê Duẩn là vi phạm khoản 1, điều 7 QĐ số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Theo báo cáo giải trình của UBND TP.HCM, thì hiện nay Công ty Lavenue đã đầu tư hơn 700 tỷ đồng gồm nộp tiền sử dụng đất (tại số 8 Lê Duẩn), tiền thuê đất (tại 12 Lê Duẩn) và các chi phí khác để triển khai dự án. Việc thu hồi khu đất để đấu giá là rất khó thực hiện, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trên địa bàn TP.HCM. TTCP thống nhất với ý kiến giải trình của UBND TP.HCM…
Ngày 17-2-2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 85/TB-VPCP, nêu rõ: Ngày 17-1-2017, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì họp về việc xử lý sai phạm tại dự án số 8-12 Lê Duẩn. Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình kết luận:
Thứ nhất, giao TTrCP lập Đoàn thanh tra liên ngành (do một lãnh đạo của TTrCP làm Trưởng đoàn) với sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng thực hiện thanh tra toàn diện dự án tại số 8-12 đường Lê Duẩn (bao gồm cả việc chuyển nhượng cổ phần vốn góp và sử dụng tiền chuyển nhượng của 4 công ty thuộc Bộ Công Thương và việc cho phép Công ty Hoa Tháng Năm tham gia góp vốn điều lệ, giảm tỷ lệ vốn góp của Công ty QLKDN) kết luận rõ các sai phạm liên quan, kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, giao UBND TP.HCM rà soát việc thực hiện xin ý kiến Thường trực HĐND TP và báo cáo HĐND TP liên quan đến việc điều chỉnh giá đất theo điểm 3 khoản 12 điều 1 Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27-7-2007 của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, UBND TP.HCM chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP.HCM theo QĐ số 09/2007/QĐ-TTg và QĐ số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả.
Ngày 24-2-2017, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạnh ký văn bản gửi các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.
Ngày 17-3-2017, Tổng TTCP ký QĐ thanh tra toàn diện dự án số 8-12 Lê Duẩn. Từ kết quả báo cáo của Đoàn thanh tra liên ngành, ngày 4-5-2018, TTCP đã có KLTT, chỉ rõ nhiều sai phạm liên quan đến dự án cũng như trách nhiệm của từng đơn vị, các nhân liên quan.
Niềm vui của đại điện các cổ đông Công ty Lavenue sẽ biến thành nỗi buồn khi khu đất “kim cương” bị thu hồi |
Cụ thể như trách nhiệm của GĐ Công ty QLKDN Nguyễn Thi Thuy Thủy; GĐ và kế toán trưởng của 4 DN thuê đất (Công ty CP Kim khí, Công ty CP Thiết bị phụ tùng, Công ty CP Hoá chất vật liệu điện, và Công ty VITACO) giai đoạn năm 2010 - 2011; GĐ Sở KH&ĐT giai đoạn năm 2009 - 2010 và các cá nhân có liên quan; Giám đốc Sở TNMT giai đoạn năm 2011 và cán bộ tham mưu có liên quan; GĐ Sở Quy hoạch Kiến trúc và các cá nhân có liên quan giai đoạn năm 2013 và 2016…
KLTT cũng nêu trách nhiệm của Thường trực UBND TP nhiệm kỳ 2011-2015 và các cá nhân có liên quan cũng như trách nhiệm trực của ông Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.
Điểm đáng chú ý, trong KLTT lần này, TTCP nêu rõ quan điểm: Nhằm khôi phục lại trật tự kỷ cương trong việc sắp xếp và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, trong đầu tư, giao và thuê đất đối với các dự án tại các khu đất có vị trí trung tâm sinh lời cao, tạo sự minh bạch trong thực thi pháp luật; tránh được dư luận xấu cho rằng có khuất tất trong việc chỉ định nhà đầu tư tham gia dự án gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Thường trực UBND TP.HCM, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND TP thu hồi lại toàn bộ khu đất số 8-12 Lê Duẩn để thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời xem xét, tính toán để hoàn trả chi phí hợp lý cho Công ty Lavenue.
Khác với kết luận kiểm tra ngày 10-10-2016, lần này TTCP kiến nghị thu hồi khu đất. Theo TTCP, hiện nay giá đất tại khu vực đường Lê Duẩn có giá khoảng 400 triệu đồng/m2, mức giá này dựa vào kết quả trúng đấu giá đất tại khu đất 23 Lê Duẩn 2 mặt tiền với 3.020m2 giá 1.430 tỷ đồng (khoảng 470 triệu đồng/m2). Nếu đấu giá khu đất 8 -12 Lê Duẩn 3 mặt tiền với 4.896m2 sẽ thu về trên 2.000 tỷ đồng. Cũng Theo TTCP, việc thu hồi đấy sẽ không tránh khỏi một số khó khăn, trở ngại…
DiaOcOnline.vn - Theo Công an TPHCM
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: