Top

50% hộ dân có cuộc sống không bằng chỗ cũ

Cập nhật 06/12/2008 15:34

Từ cuộc sống ổn định, sau giải toả thu hồi đất, số phận của hàng trăm hộ dân tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) rơi vào cảnh ba không: không nhà cửa, không nghề nghiệp, con cái không đến trường.

Ở “chui” trong nhà mình

Cách đây không lâu, gia đình bà Lương Thị Bảy, ấp Cây Bàng 2, phường An Lợi Đông, quận 2 nhận được 40 triệu đồng tiền đền bù. Số tiền ít ỏi đó chỉ giúp gia đình bà trang trải nợ nần, trả tiền thuê nhà trong thời gian ngắn. Tiền hết, tài sản trong nhà cũng đội nón ra đi. Cùng đường, gia đình bà đánh liều quay về nơi ở cũ để “tá túc” trong ngôi nhà hoang. Cuộc sống gia đình bà hiện chỉ biết trông vào 500 ngàn đồng tiền bà giữ trẻ hàng tháng. Theo bà, trước đây buôn bán lặt vặt, chồng cạo gỉ sắt, cuộc sống không giàu, nhưng ổn định.

Đau lòng hơn, là hoàn cảnh gia đình bà Nguyễn Thị Chín ngụ ấp Cây Bàng 2, phường An Lợi Đông. Năm 2003 gia đình bà được đền bù trên 100 triệu đồng. Có tiền, cả nhà “di cư” tới huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước làm kinh tế mới, nhưng làm ăn không được, lại kéo nhau về thành phố. Tiền làm ra không đủ ăn và thuê nhà, một phần thuốc thang cho đứa con gái bị bệnh nặng, sau đó cũng không qua khỏi do không còn tiền mua thuốc. Giờ đây, không còn tiền thuê nhà, nên đành cất chòi ở tạm. Hai đứa cháu của bà đang học cấp một, cũng phải nghỉ học giữa chừng vì không có tiền đóng học phí.

Bỏ ngỏ chuyện giải quyết việc làm


Kết quả khảo sát tại một huyện ngoại thành của hội Nông dân TP.HCM, công bố ngày 2.12 cho thấy: cứ 100 hộ dân có đất bị giải toả, thu hồi, khoảng 20 hộ có đời sống khá, 30 hộ đời sống trung bình, và 50 hộ có đời sống không bằng nơi ở cũ.

Tại TP.HCM, hiện có khoảng 3.000 người trong tổng số 50.000 người bị thu hồi đất là được đào tạo nghề; có đến 41,1% người ở độ tuổi từ 15 đến 22 tuổi không có việc làm. Số người mất việc làm trong chương trình tái định cư ở độ tuổi 36 – 45 chiếm tỷ lệ 26,5%. Vấn đề giải quyết việc làm cho người trung niên còn hết sức nan giải. Người có trình độ cấp một và “không đi học” chiếm đến 41,7%, cho thấy còn bộ phận lớn sẽ khó thích nghi với những biến động trong cuộc sống, mà tái định cư là một trong những biến động ấy.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, chi cục trưởng chi cục Phát triển nông thôn - sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, phân tích: trước khi bị mất đất, thu nhập bình quân của một hộ nông dân khoảng hơn 29 triệu đồng/năm; sau khi bị thu hồi đất, thu nhập đã giảm tới 13%.

Kết quả khảo sát đời sống một ngàn hộ dân bị thu hồi đất của tỉnh Long An cho thấy, gần 60% hộ dân có cuộc sống kém hơn, hoặc bằng trước khi giải toả.

Theo hội Nông dân tỉnh Long An, sau khi nhận tiền bồi thường, số hộ dân đủ điều kiện xây nhà trên khu tái định cư rất ít, chỉ 24/1.115 hộ, chiếm hơn... 2%. Trong khi đó, do tiền đền bù không đủ xây nhà, nên phải “bán lúa non” suất tái định cư, hoặc ở trọ, ở lại nền đất cũ, đời sống bấp bênh do chưa được bố trí tái định cư, hoặc cơ sở tái định cư chưa hoàn chỉnh... chiếm hơn 50%. Toàn tỉnh Long An chỉ có 155/2.526 lao động của hơn 1.100 hộ dân thuộc diện giải toả được nhận vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp, chiếm có 6,13%. Gần 94% lao động không việc làm.

Những con số đáng giật mình kể trên không phải lần đầu được công bố. Cuối tháng 11 vừa qua, tại cuộc họp góp ý kiến cho chính sách tái định cư, kết quả nghiên cứu của viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho thấy, đa số người dân sau khi bị thu hồi đất, có thu nhập thấp hơn trước đây, trong khi họ phải chi nhiều hơn khi đến nơi ở mới, dẫn đến đời sống bấp bênh. Thực tế hoàn toàn ngược với những gì mà người dân được nghe khi chuẩn bị di dời. Theo viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, vấn đề giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất đã bị bỏ ngỏ trong thời gian qua.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị