Bên cạnh mảng bất động sản (BĐS) về nhà ở, căn hộ, văn phòng cho thuê, mảng BĐS về du lịch cũng được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Một thống kê gần đây cho biết, hiện có 20 quỹ đầu tư quốc tế với hơn 20 tỷ USD đang chờ để “rót” vào thị trường giàu tiềm năng này.
Cơ hội mở ra cho ngành BĐS du lịch rất lớn nhưng thách thức đặt ra cũng không kém.
"Sốt" biệt thự nghỉ dưỡng
Năm 1997, Coco Beach Resort ra đời tại Mũi Né (Phan Thiết) được xem là một mô hình du lịch nghỉ dưỡng mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, quy mô của Coco Beach Resort khá nhỏ (khoảng 30 phòng ngủ) nên không gây được nhiều sự chú ý đối với các nhà đầu tư.
Cho đến khi một loạt khu resort nghỉ dưỡng cao cấp khác ra đời và kinh doanh thành công như Furama (Đà Nẵng), Life Resort (Quy Nhơn), Vinpearl (Nha Trang)... thì cơn sốt đầu tư vào lĩnh vực này mới thực sự gia tăng. Bên cạnh chức năng truyền thống là vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, một số nhà đầu tư đã bắt đầu đẩy mạnh mô hình kinh doanh bán biệt thự trong resort cho các nhà đầu tư BĐS...
Theo ông Thân Thanh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty Phú Quốc Land, thực ra mô hình kinh doanh này đã được phổ biến tại Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia), Gold Coast (Úc)... từ lâu bởi tính chất siêu lợi nhuận của nó. Nhà đầu tư thứ cấp (mua đi bán lại) có thể mua biệt thự từ các công ty, sau đó ký hợp đồng với công ty để cho khách du lịch thuê lại. Chi phí thuê hằng năm, sau khi trừ đi chi phí hoạt động và quản lý, phần còn lại sẽ là doanh thu của nhà đầu tư thứ cấp.
Ngoài ra, mỗi năm nhà đầu tư có thể nghỉ ngơi trong căn biệt thự của mình vài tuần lễ mà không cần trả tiền thuê. Khi không muốn sở hữu hay được giá, nhà đầu tư thứ cấp có thể bán hay chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư khác để kiếm lời.
Tại Việt Nam, mở đầu cho mô hình kinh doanh biệt thự nghỉ dưỡng này có thể kể đến công ty xây dựng và hợp tác quốc tế Hùng Vương, bán 400 biệt thự tại khu Resort Flamingo (tỉnh Vĩnh Phúc), rồi Paradise Resort bán 150 biệt thự gần Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Công ty TNHH Suối Nước bán 105 biệt thự tại Aquaba Resort (Phan Thiết). Gần đây là các khu biệt thự của Công ty An Viên (Nha Trang), khu Mũi Né Domain, khu Sea Link (Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận)...
Dĩ nhiên, các quỹ đầu tư nước ngoài cũng không bỏ qua miếng bánh ngon này. Khu resort The Nam Hải (thuộc quỹ đầu tư IndochinaCapital) gồm 100 biệt thự sang trọng đã được mời chào bán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do người nước ngoài chưa được phép sở hữu nhà lâu dài tại Việt Nam, nên The Nam Hải chuyển nhượng quyền sử dụng các biệt thự cho nhà đầu tư thứ cấp bằng cách bán quyền cho thuê dài hạn tới 50 năm.
Ngoài ra còn phải kể đến khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp của quỹ đầu tư VinaCapital (với gần 170 biệt thự nghỉ dưỡng) tại Đà Nẵng...
Và những thách thức...
Theo ông M.Townsend, Giám đốc điều hành Công ty quản lý và tiếp thị BĐS CBRE Việt Nam, một trong những thách thức lớn đối với việc phát triển ngành BĐS du lịch là thiếu nguồn nhân lực và quản lý chuyên nghiệp. Hầu hết các địa phương có tiềm năng phát triển các khu resort đều thuộc các tỉnh ven biển miền Trung. Đây là những nơi có nguồn nhân lực du lịch mỏng và non kém về trình độ quản lý.
Ông M.Townsend cho biết, khi mở các resort ở khu vực miền Trung, đa số nguồn nhân lực quản lý cao cấp đều được công ty tuyển mộ từ Hà Nội và TP.HCM, vì vậy chi phí đầu tư cũng tăng theo. Đó là chưa kể nguồn nhân lực yếu cũng làm khả năng cạnh tranh và quảng bá thương hiệu của ngành du lịch Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực.
Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém cũng phần nào tác động đến ngành du lịch. Việt Nam hiện chưa có một đường cao tốc đúng nghĩa, đã vậy, các TP biển tại miền Trung lại không có các sân bay lớn, hiện đại. Sân bay Đà Nẵng, Nha Trang... hiện vẫn chưa đáp ứng nổi nhu cầu của khách du lịch trong nước chứ chưa nói đến khách nước ngoài.
Ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đang kêu gọi đầu tư những khu phức hợp kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng quy mô để khai thác tiềm năng du lịch sinh thái và văn hóa của hai di sản văn hóa Hội An và Mỹ Sơn. Tuy nhiên, việc thiếu các tuyến đường giao thông hiện đại và đồng bộ đã khiến nhiều nhà đầu tư ngần ngại.
Cuối cùng việc khai thác các resort tự nhiên một cách ào ạt và thiếu quy họach tổng thể đang có nguy cơ tàn phá môi trường sinh thái tự nhiên tại Việt Nam. Có thể dẫn đến trường hợp của vịnh Vân Phong (Khánh Hòa), cách đây 2-3 năm, Vân Phong được xem là một trong những vịnh đẹp và sạch nhất Việt Nam. Nhưng chính việc xây dựng các resort nhỏ lẻ và manh mún đã vô tình phá vỡ cảnh quan và làm ô nhiễm trầm trọng môi trường tại đây
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: