Top

Phát triển dự án bất động sản du lịch: 44 bước và 167 tháng

Cập nhật 30/07/2014 16:44

Việt Nam được đánh giá đứng thứ 8 trong số 185 quốc gia về tiềm năng phát triển bất động sản du lịch. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác tương xứng, bởi nhiều rào cản, trong đó rào cản lớn nhất là thủ tục hành chính.


Đó là nhận định của các chuyên gia tại Đại hội Hội Bất động sản du lịch Việt Nam lần 2 diễn ra cuối tuần qua tại TP. HCM.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản, Việt Nam với lợi thế sở hữu tới hơn 3.260 km bờ biển, với hàng trăm bãi biển lớn nhỏ khác nhau, cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên, di tích văn hóa có giá trị…, là những yếu tố thuận lợi để xây dựng các khu nhà ở, khu nghỉ dưỡng, tạo nên một thị trường bất động sản du lịch mang tầm cỡ quốc tế. Đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới năm 2013 đã đưa ra kết quả, trong tổng số 185 quốc gia, Việt Nam đứng thứ 8 về tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, khi đánh giá về thực trạng phát triển, thì Việt Nam chỉ đứng thứ 89/185 quốc gia.

Ông Thân Thành Vũ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Bất động sản du lịch Việt Nam (VnTPA) cho rằng, không thể phủ nhận tiềm năng thị trường bất động sản du lịch Việt Nam còn rất lớn, nhưng vẫn tồn tại khá nhiều rào cản trong việc khai phá tiềm năng này, trong đó rào cản thủ tục hành chính là đáng quan ngại nhất.

Khảo sát của VnTPA, từ lúc có ý tưởng đến lúc hoàn thành dự án, đưa vào hoạt động, doanh nghiệp phải mất bình quân 167 tháng. Trong 44 bước để thực hiện dự án đầu tư bất động sản du lịch, có đến 22 bước phải lệ thuộc vào phê duyệt của các địa phương và người có thẩm quyền. Đó là chưa kể, một dự án bất động sản phải chịu sự điều chỉnh của 7 văn bản luật như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp... Thực tế này đã làm giảm tính hấp dẫn của bất động sản du lịch trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo VnTPA, để gia tăng tính hấp dẫn của nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản du lịch, cần phải có bước đi để tháo gỡ những rào cản cơ bản hiện nay. Thứ nhất, phải làm rõ quy hoạch tổng thể. Bởi hiện doanh nghiệp vào đầu tư chọn địa điểm, nhưng khi triển khai bị chồng lấn bởi nhiều quy hoạch khác nhau. Thêm nữa, cần xác định phương cách và thời điểm tính toán giá đất, để nhà đầu tư có thể dự đoán chí phí đầu tư, đồng thời nới rộng quyền sở hữu đối với dự án bất động sản du lịch...

Nhận định về thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, đại diện Công ty Grant Thornton Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang thu hút lượng khách du lịch khá lớn. Về lâu dài, Việt Nam cần phải cải tiến chính sách để thu hút thêm khách du lịch quốc tế, như cho người nước ngoài được sở hữu bất động sản ở Việt Nam để sau khi nghỉ dưỡng họ đưa gia đình quay trở lại. Cùng với đó, Việt Nam cần đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ hơn, vì hạ tầng xung quanh các dự án bất động sản nghỉ dưỡng hiện vẫn còn yếu, đặc biệt với những khu du lịch, nghỉ dưỡng xa sân bay sẽ gặp nhiều khó khăn để thu hút khách.

Cũng liên quan đến vấn đề chính sách đối với việc phát triển thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, trong cuộc trò chuyện với Đầu tư Bất động sản, ông Askhay Kulkarni, Giám đốc Dịch vụ tư vấn bất động sản khách sạn - nghỉ dưỡng Cushman & Wakefield cho biết, qua phân tích và so sánh môi trường đầu tư tại Việt Nam với môi trường đầu tư tại một số quốc gia như Indonesia, Malaysia, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển dài hạn hơn. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư ở lĩnh vực bất động sản du lịch, Việt Nam cần phải tập trung vào 3 điểm sau:

Thứ nhất, phổ cập và minh bạch chính sách cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi nhiều nhà đầu tư nước ngoài không hiểu về luật pháp và chính sách đầu tư tại Việt Nam.

Thứ hai, về phương diện bất động sản, các nhà đầu tư rất nghi ngại về giá trị đất. Giá đất quá cao cũng là một yếu tố bất lợi cho Việt Nam trong quá trình thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Dù có kinh doanh vận hành tốt đến đâu thì cũng phải một thời gian rất dài mới có thể khấu hao được.

Cuối cùng là Việt Nam có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh, sinh sống tại Việt Nam, nhưng điều kiện và thủ tục để tiếp cận những hỗ trợ này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài không biết tìm thông tin ở đâu. Khắc phục được những điều cơ bản này, Việt Nam sẽ cải thiện được môi trường đầu tư và trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản