Trong khi chờ Chính phủ ban hành nghị định (NĐ) mới thay thế 2 NĐ 16 và 112 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng sai phép, không phép, tháng 11-2008, UBND TP.HCM đã chấp thuận kiến nghị của Sở Xây dựng về việc xem xét cấp giấy hồng cho các trường hợp này với điều kiện hành vi vi phạm đã được xử lý. Điều này có đồng nghĩa với việc tất cả số nhà trên đều được “tha”?
Mỗi nơi “xử” một kiểu
TP.HCM hiện có khoảng 11.000 căn nhà xây dựng không phép, sai phép sau ngày Luật Xây dựng có hiệu lực, tức 1-7-2004. Nhà xây dựng trái phép sau 1-7-2004 tại Thủ Đức - Ảnh: HUY ANH
Sau khi chính thức có văn bản thông báo việc đồng ý kiến nghị của Sở Xây dựng, UBND TP cũng đồng thời chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thực hiện việc này nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy hồng trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn phát sinh những vấn đề rắc rối. Hiện nay các văn bản liên quan đến việc xử lý vi phạm xây dựng chỉ nêu chung chung “sai nội dung giấy phép là buộc thực hiện cho đúng”. Điều đó dẫn đến nhiều cách hiểu. Và dĩ nhiên, việc xử lý trên thực tế lại tùy thuộc vào quan điểm của từng địa phương.
Tại quận Phú Nhuận đang tồn đọng trên 100 hồ sơ xử lý vi phạm xây dựng mà hành vi vi phạm là đổi vị trí cầu thang, nới ban công 10 - 20 cm, cơi thêm gác lửng…
Theo lãnh đạo quận này, những trường hợp vi phạm quy hoạch, vi phạm mật độ xây dựng… thì cần xử lý nghiêm, nhưng các trường hợp trên thì không thuộc dạng đó nên có thể yêu cầu người dân xin cấp giấy phép mới cho phù hợp.
Vì vậy, UBND quận Phú Nhuận đã kiến nghị UBND TP và Sở Xây dựng xem xét cấp giấy hồng cho các trường hợp trên theo nguyên tắc đảm bảo không xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước và các hộ liền kề.
Trong khi đó, quận 12 lại có quan điểm khác. Với bất cứ thay đổi nào, dù nhỏ so với GPXD, quận đều buộc chủ nhà phải điều chỉnh giấy phép... và nếu không điều chỉnh mà xây luôn thì quận sẽ xử lý theo quy định. Và vì vậy, việc xử lý vi phạm cũng không hề đơn giản.
Nhà xây không phép - vẫn treo?
Nằm trong 11.000 căn nhà thuộc diện trên, có trên 1.000 trường hợp nằm trong “điểm nóng” xây dựng trái phép (XDTP) tại Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức); trong đó khoảng 60% phù hợp quy hoạch, 40% còn lại phần lớn thuộc dự án Khu đầu mối giao thông - dân cư Bình Triệu có diện tích hơn 200 ha.
Ông Nguyễn V. Hoài, ngụ tại phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức cho biết, vì vướng dự án ga đường sắt Bình Triệu nên ông không được cấp phép xây dựng. Biết vậy, nhưng năm 2005, khi con ông sinh đứa con thứ 2 thì căn nhà trở nên quá chật chội, do đó ông đã “liều” xây nhà để con ra riêng. Không ít trường hợp tại các khu phố 2, 7, 8… rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Theo lãnh đạo phường Hiệp Bình Chánh, việc TP chấp thuận xem xét cho các trường hợp XDTP sau ngày 1-7-2004 là một chủ trương “có hậu” vì nhiều trường hợp người dân vi phạm khi quá bức xúc về chỗ ở. Không riêng gì quận Thủ Đức, hầu hết các “điểm nóng” về vi phạm xây dựng đều nằm trong các dự án quy hoạch hoặc chưa phủ kín quy hoạch. Chẳng hạn như đa số các trường hợp xây dựng không phép nằm ở khu vực dự án khu công nghiệp Tân Bình mở rộng.
Bà Nguyễn T. Thoa, cư ngụ tại phường Sơn Kỳ cho biết: “Khi nghe TP có chủ trương cấp giấy hồng cho các trường hợp XDTP sau ngày 1-7-2004, người dân tại đây rất mừng vì trước đây căn cứ theo quy hoạch 1/5.000 thì những căn nhà tại đây phù hợp quy hoạch, sau đó khi điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 và phê duyệt 1/500 thì lại không phù hợp”.
Về những trường hợp này, theo Sở Xây dựng, nếu đập hết tất cả những nhà có vi phạm mà không tính đến vi phạm lớn hay nhỏ thì sẽ gây ra sự xáo trộn rất lớn và rất lãng phí. Vì thế, Sở Xây dựng TP đã kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép chia ra để xử lý. Theo đó, nên cho tồn tại và cấp chủ quyền đối với nhà xây trên đất có đủ điều kiện cấp “giấy hồng”. Đối với nhà không phù hợp quy hoạch chi tiết nhưng chưa triển khai quy hoạch, nhà trên đất chưa có quy hoạch chi tiết thì cho tồn tại tạm. Những diện khác phải tháo dỡ. Nếu XDTP sai quy hoạch, vi phạm chỉ giới đường đỏ, sai chỉ giới xây dựng, sai cốt nền, sai kết cấu kiến trúc mặt phố, sai đấu nối hạ tầng hoặc lấn chiếm đất công thì xử nghiêm.
UBND TP cũng đã xin ý kiến trung ương về việc giải quyết các trường hợp trên nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi. Rất nhiều lần làm việc tại TP.HCM, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên cho rằng, việc để vi phạm trên một chục ngàn căn nhà XDTP là do TP quản lý kém, do đó TP cần phải linh hoạt xử lý chứ không cần cái gì cũng xin ý kiến bộ. Tuy nhiên, do chưa có văn bản nào chính thức khẳng định quan điểm trên nên TP đành phải “treo” các trường hợp trên lại.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đỗ Phi Hùng, văn bản trên của UBND TP chỉ chấp thuận giải quyết cho các trường hợp xây dựng sai phép, riêng các trường hợp xây dựng không phép vẫn chưa được xem xét cấp giấy hồng vì QĐ 54 của UBND TP về cấp giấy hồng nêu rõ, các trường hợp xây dựng không phép sau ngày 1-7-2004 được xử lý theo quy định khác. Hiện Sở Xây dựng đang dự thảo hướng xử lý cụ thể đối với các trường hợp trên để trình UBND TP xem xét.
Theo ý kiến của các quận - huyện, để tránh tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu và xử lý khác nhau, Sở Xây dựng cần có hướng dẫn cụ thể cho các quận - huyện như: văn bản trên áp dụng cho trường hợp nào, cách xử lý đối với các công trình sai phép ra sao… vì UBND TP đã chấp thuận việc cấp giấy hồng trên cơ sở đề xuất của Sở Xây dựng.
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, muốn mọi nơi giải quyết đồng nhất thì phải có cơ sở pháp lý hướng dẫn trường hợp nào sai nội dung giấy phép thì xử phạt, buộc tháo dỡ, trường hợp nào chủ nhà được quyền tự thay đổi, không cần điều chỉnh giấy phép. Mà những điều này đang “vướng” các quy định từ các nghị định và luật nên UBND TP không thể “tự sửa” mà việc này phải do Bộ Xây dựng chủ trì.
Với giải thích này thì xem ra rất nhiều trường hợp trong số 11.000 căn nhà trên sẽ tiếp tục chờ…
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: