Top

Năm 2009: Tập trung đầu tư các công trình trọng điểm

Cập nhật 30/01/2009 15:30

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng 2008 lại là năm giải ngân vốn xây dựng cơ bản nhiều nhất trong những năm qua. Trên đà đó, năm 2009, các doanh nghiệp (DN) ngành xây dựng tiếp tục đăng ký mức tăng trưởng 12% so với năm 2008, trong đó kế hoạch đầu tư ước tính hơn 34.600 tỷ đồng cho các lĩnh vực chính là xi măng, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, xã hội...

Rà soát dự án

Theo ông Dương Khánh Toàn, Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Sông Đà, việc đầu tư sẽ được tập trung cho những lĩnh vực thế mạnh, công trình trọng điểm đang trong giai đoạn nước rút, không dàn trải sang nhiều lĩnh vực. Kể cả những dự án đã ký hợp đồng thi công, Tổng Công ty cũng yêu cầu rà soát, nếu chủ đầu tư bố trí đủ vốn mới thực hiện, ngược lại sẽ kiên quyết dừng triển khai. Ví dụ trong lĩnh vực bất động sản, do thị trường nhà đất đóng băng, nên những dự án có điều kiện thuận lợi và có khả năng tiêu thụ, kinh doanh hiệu quả mới được tập trung đầu tư.

Năm 2009, Tổng Công ty Sông Đà dự kiến tổng giá trị sản xuất, kinh doanh là 20.500 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2008. Trong đó, những lĩnh vực chính được Tổng Công ty đầu tư hoặc hợp tác với các tổng công ty, tập đoàn lớn đầu tư là điện, khai thác, chế biến khoáng sản, trồng cây công nghiệp. Trong danh sách các dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm nay hoặc phải tập trung đẩy nhanh tiến độ hoặc chuẩn bị đầu tư, có nhiều dự án điện gắn với thương hiệu Sông Đà, như thủy điện Bình Điền, Xêkamản 1, Xêkamản 3, Nậm Chiến, Sơn La, Huội Quảng, Sê Kông 3, Xêbanghiêng 1, 2, Khu đô thị Nam An Khánh...

Không đầu tư dàn trải mà tập trung vào lĩnh vực chính, lĩnh vực thế mạnh của mình cũng là quan điểm của Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem). Tổng Giám đốc Vicem Nguyễn Ngọc Anh cho biết, mục tiêu trong năm 2009 của đơn vị là hoàn thành các dự án xi măng được đầu tư trong thời gian qua, nâng tổng sản lượng của Vicem từ 15 triệu tấn lên 25 triệu tấn/năm. Khó khăn đối với lĩnh vực sản xuất xi măng, không chỉ đến từ những tác động bên ngoài của nền kinh tế thế giới suy thoái, giá cả biến động làm tăng chi phí "đầu vào", mà còn đến từ chính các DN khi năng lực cạnh tranh yếu và khả năng cung vượt cầu trong thời gian tới đã được cảnh báo. Vì vậy, một trong những hướng đầu tư đang được nghiên cứu là phát triển hệ thống đường cao tốc, đường qua vùng ngập lụt bằng xi măng nhằm kích cầu thị trường trong nước.

Năm 2009, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) dự kiến thực hiện tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chính là phát triển nhà ở, với kế hoạch xây mới 500.000m2 sàn. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Đăng Nam, HUD sẽ ưu tiên chương trình nhà chung cư cho TP Hà Nội, với hàng loạt dự án được xác định trong danh mục triển khai là Tây Nam Linh Đàm, Nam Linh Đàm, Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Mê Linh), Nam An Khánh, Nhị Khê (Thường Tín), Tân Lập (Đan Phượng), Mai Trai (Sơn Tây), tòa nhà HUD Tower đường Lê Văn Lương...

Kích cầu đầu tư bằng... cơ chế

Theo Bộ Xây dựng, các DN sẽ phải nhìn vào biến động của nền kinh tế để quyết định đầu tư. Thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán giảm mạnh, sự biến động của giá cả đã tác động không nhỏ đến khả năng huy động vốn, hiệu quả đầu tư của các DN. Trong năm 2008, trước những tác động đó, nhiều dự án đã phải đình hoãn, giãn tiến độ để bảo toàn vốn. Vì vậy, trong năm 2009, cần phải có cơ chế kích cầu đầu tư trở lại. Cụ thể là ngay từ đầu năm 2009, Bộ Xây dựng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở xã hội, bằng chính sách đất đai, thuế, vay vốn... là những công cụ Nhà nước có thể điều tiết.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2009 của ngành Xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo 2 nhiệm vụ cần ưu tiên là quản lý triển khai tốt chủ trương kích cầu đầu tư, đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích và nâng cao tỷ trọng đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. Theo Phó Thủ tướng, năm 2009 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế thế giới. Ba khu vực kinh tế lớn là Mỹ, Nhật Bản và EU suy thoái, tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam.

Vì vậy, Chính phủ đã đề ra những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trong đó vai trò của ngành xây dựng là giúp Chính phủ triển khai hiệu quả chủ trương kích cầu, chuẩn bị tốt hạ tầng cho giai đoạn tăng trưởng kinh tế sau suy thoái.

Một nhiệm vụ khác của ngành xây dựng cũng được nhấn mạnh là cải cách thủ tục, chính sách đầu tư xây dựng. Kinh nghiệm năm 2008 cho thấy, cải cách thủ tục, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các dự án trong bối cảnh lạm phát, trượt giá đã giúp các dự án vượt qua đình đốn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng kết quả thực hiện và giải ngân vốn xây dựng cơ bản lại đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới