Gần đây, tỉ lệ nợ xấu có dấu hiệu tăng ở một số ngân hàng.
Sau hơn một năm triển khai Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội liên quan đến xử lý nợ xấu, việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng (NH) đã gặt hái được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên, công tác xử lý nợ xấu vẫn còn không ít tồn tại, nợ xấu có dấu hiệu tăng trở lại ở một số NH.
Nợ xấu có dấu hiệu gia tăng cục bộ
Đến thời điểm này đã có khoảng 22 NH công bố công khai báo cáo tài chính quý III-2018, trong đó có tới 16 NH nợ xấu gia tăng.
Theo đó, tỉ lệ nợ xấu tăng từ 0,4% đến 1,3% tùy NH. Số liệu thống kê cho thấy nếu tính cả lượng nợ xấu vẫn án binh bất động tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), hiện nay riêng nợ xấu nội bảng nằm trong các NH thương mại khoảng 145.000 tỉ đồng.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia tài chính-NH Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nguyên nhân chính khiến nợ xấu của một số NH gia tăng do nợ xấu cũ chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, nợ xấu mới lại phát sinh do các NH mạnh tay cho vay. Điều này thể hiện qua việc mới trong hai quý đầu năm, nhiều NH đã dùng hết hạn mức tín dụng được giao.
“Việc tăng trưởng tín dụng thường mang lại kết quả kinh doanh tốt vì 80% lợi nhuận của NH phụ thuộc vào tín dụng. Nhưng ở chiều ngược lại, đây lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu gia tăng” - ông Hiếu phân tích.
Mặt khác, hiện nay một số NH mạnh tay cho vay theo tỉ lệ 70%-80% giá trị bất động sản và không quan tâm nhiều đến dòng tiền giải ngân có đi đúng mục đích không. Điều này sẽ rất nguy hiểm vì sau này NH không quản lý được dòng tiền kinh doanh, dẫn đến mất khả năng thu hồi nợ, nợ xấu gia tăng.
Tổng giám đốc một NH thương mại giải thích thêm: Trước đây nhiều NH đã bán những khoản nợ xấu cho VAMC. Đến nay, với những tài sản bảo đảm không xử lý được, NH phải ghi nhận lại nợ xấu đã bán khiến con số nợ xấu tăng cao.
“Thêm nữa, từ cuối 2017 đến đầu 2018, nhiều NH dừng việc bán nợ xấu cho VAMC và tự xử lý do việc xử lý nợ xấu theo giá thị trường còn nhiều khó khăn. Đó là chưa kể thị trường bất động sản ấm lên chủ yếu do đầu cơ chứ thực chất đối tượng cần mua nhà để ở vẫn chưa đủ tiềm lực. Nói cách khác, nếu người cần mua mà không có đủ tiền thì việc bán những khoản nợ xấu hầu hết có tài sản đảm bảo là bất động sản đang trùm mền cũng không đơn giản” - vị tổng giám đốc NH trên nói.
Vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu với tài sản bảo đảm là bất động sản. Trong ảnh: Một dự án thuộc diện nợ xấu ở quận 9, TP.HCM. Ảnh: TL
|
Thống đốc đôn đốc xử lý nợ xấu
Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng vừa có Văn bản số 8425 chỉ đạo các NH Nhà nước chi nhánh tỉnh, TP tích cực đôn đốc, chỉ đạo các NH trên địa bàn đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu; áp dụng toàn diện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ xấu; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường…
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: