Top

Đề nghị lập sàn giao dịch nợ xấu xuyên biên giới

Cập nhật 16/11/2018 14:11

Lãi từ hoạt động tín dụng chiếm trên 70% tổng thu nhập của ngân hàng. Nợ xấu, kể cả các khoản nợ đã bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, tương ứng 486.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2018.

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế Diễn đàn các công ty quản lý nợ công quốc tế IPAF lần thứ 4 với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện” ngày 15/11, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, các cuộc khủng hoảng hay biến động kinh tế tài chính lớn trong thời gian gần đây đã có những tác động trực tiếp đến nền kinh tế, đặc biệt là hệ thống ngân hàng - tài chính của Việt Nam.

Nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của hệ thống tài chính - ngân hàng, Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm đến công tác xử lý nợ, gắn xử lý nợ với thực hiện đồng bộ việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong tổng thể chương trình tái cơ cấu nền kinh tế quốc gia, giữ vững sự ổn định của hệ thống tài chính.

Theo các chuyên gia, nợ xấu là một trong những nhân tố tác động lớn đến an ninh tài chính của các quốc gia....

Đánh giá tác động của việc xử lý nợ xấu đến an ninh tài chính quốc gia, ông Lê Việt Dũng, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, nợ xấu là một trong những nhân tố tác động lớn đến an ninh tài chính của các quốc gia và Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động này.

Nguyên nhân do cung ứng vốn từ các tổ chức tín dụng (TCTD) chiếm hơn 60% tổng cung ứng vốn từ thị trường tài chính cho nền kinh tế, tổng tài sản của các TCTD chiếm hơn 95% tổng tài sản của các định chế tài chính. Đối với các TCTD, thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng chiếm trên 70% tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh.

Ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) dẫn số liệu từ Ngân hàng nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2018, tổng số nợ xấu nội bảng của các TCTD là 2,09% và là 6,67% nếu bao gồm các khoản nợ đã bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, tương ứng 486.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Thường cho rằng, con số này mới chỉ phản ánh quy mô nợ xấu trong các TCTD chứ chưa phản ánh hết mức độ nợ xấu của nền kinh tế. Do DATC lấy doanh nghiệp làm đối tượng hỗ trợ nên cách nhìn về nợ xấu của nền kinh tế không chỉ có nợ xấu của TCTD mà còn các khoản nợ có tính chất “Nhà nước” và các khoản cấp vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp. Ở góc độ nào đó, dưới cách nhìn của DATC nợ xấu cần xử lý phải được xem xét từ phương diện nợ phải trả của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Thường, các khoản nợ có tính chất "Nhà nước" có cơ chế xử lý rất cứng, dẫn đến sự lệch pha với xử lý các khoản nợ xấu thương mại và nhiều khi gây đổ vỡ phương án tái cơ cấu doanh nghiệp. Vì vậy, ông kiến nghị Chính phủ nên cho phép áp dụng cơ chế thị trường khi xử lý các khoản nợ có tính chất "Nhà nước" bình đẳng như các khoản nợ thương mại để tạo sự hài hòa lợi ích giữa thu hồi nợ với bảo vệ sự sinh tồn của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tái thiết qua hoạt động xử lý nợ thường rất khó tiếp cận nguồn vốn mới trong khi đây là yêu cầu thiết yếu để phục hồi doanh nghiệp; do đó cần cho phép các ngân hàng được tái cấp vốn phù hợp với phương án phục hồi doanh nghiệp. Đồng thời, cho phép các tổ chức xử lý nợ được sử dụng nguồn lực của mình để hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp như một nguồn vốn mồi để tái cơ cấu, phục hồi hoạt động.

Mặt khác, với xu hướng ngày càng tăng các doanh nghiệp có dự án lớn vay nợ nước ngoài, khiến quy mô khoản nợ cần xử lý ngày một lớn, mang tính liên quốc gia nên cần có cơ chế phối hợp xử lý nợ giữa các nước, có thể hình thành quỹ tái thiết doanh nghiệp hoặc quỹ xử lý nợ xấu với sự tham gia đầu tư của các nhà đầu tư, các công ty mua bán nợ các nước.

Ở khía cạnh khác, đại diện VCCI cho rằng, việc xác định kinh doanh mua bán nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là chưa hợp lý. Lý do bởi đây là hoạt động không tạo ra rủi ro, đơn thuần chỉ là các giao dịch thương mại và cần khuyến khích phát triển thay vì ngăn chặn bởi các điều kiện.

Cùng với đó, cần có giải pháp thúc đẩy hoạt động mua bán, xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp như miễn thuế, giảm thuế với các tổ chức xử lý nợ.

Chia sẻ phương thức xử lý nợ xấu nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia trong khu vực, ông Min –Jaesong, Quản lý kinh doanh cấp cao Công ty quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO) đề nghị IPAF cần thiết lập một sàn giao dịch nợ xấu xuyên biên giới trên trang website của mình.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet