Xử lý nợ xấu ngân hàng còn khó khăn

Cập nhật 16/11/2018 14:22

Gần đây, tỉ lệ nợ xấu có dấu hiệu tăng ở một số ngân hàng.

Sau hơn một năm triển khai Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội liên quan đến xử lý nợ xấu, việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng (NH) đã gặt hái được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên, công tác xử lý nợ xấu vẫn còn không ít tồn tại, nợ xấu có dấu hiệu tăng trở lại ở một số NH.

Nợ xấu có dấu hiệu gia tăng cục bộ

Đến thời điểm này đã có khoảng 22 NH công bố công khai báo cáo tài chính quý III-2018, trong đó có tới 16 NH nợ xấu gia tăng.

Theo đó, tỉ lệ nợ xấu tăng từ 0,4% đến 1,3% tùy NH. Số liệu thống kê cho thấy nếu tính cả lượng nợ xấu vẫn án binh bất động tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), hiện nay riêng nợ xấu nội bảng nằm trong các NH thương mại khoảng 145.000 tỉ đồng.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia tài chính-NH Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nguyên nhân chính khiến nợ xấu của một số NH gia tăng do nợ xấu cũ chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, nợ xấu mới lại phát sinh do các NH mạnh tay cho vay. Điều này thể hiện qua việc mới trong hai quý đầu năm, nhiều NH đã dùng hết hạn mức tín dụng được giao.

“Việc tăng trưởng tín dụng thường mang lại kết quả kinh doanh tốt vì 80% lợi nhuận của NH phụ thuộc vào tín dụng. Nhưng ở chiều ngược lại, đây lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu gia tăng” - ông Hiếu phân tích.

Mặt khác, hiện nay một số NH mạnh tay cho vay theo tỉ lệ 70%-80% giá trị bất động sản và không quan tâm nhiều đến dòng tiền giải ngân có đi đúng mục đích không. Điều này sẽ rất nguy hiểm vì sau này NH không quản lý được dòng tiền kinh doanh, dẫn đến mất khả năng thu hồi nợ, nợ xấu gia tăng.

Tổng giám đốc một NH thương mại giải thích thêm: Trước đây nhiều NH đã bán những khoản nợ xấu cho VAMC. Đến nay, với những tài sản bảo đảm không xử lý được, NH phải ghi nhận lại nợ xấu đã bán khiến con số nợ xấu tăng cao.

“Thêm nữa, từ cuối 2017 đến đầu 2018, nhiều NH dừng việc bán nợ xấu cho VAMC và tự xử lý do việc xử lý nợ xấu theo giá thị trường còn nhiều khó khăn. Đó là chưa kể thị trường bất động sản ấm lên chủ yếu do đầu cơ chứ thực chất đối tượng cần mua nhà để ở vẫn chưa đủ tiềm lực. Nói cách khác, nếu người cần mua mà không có đủ tiền thì việc bán những khoản nợ xấu hầu hết có tài sản đảm bảo là bất động sản đang trùm mền cũng không đơn giản” - vị tổng giám đốc NH trên nói.

Vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu với tài sản bảo đảm là bất động sản. Trong ảnh: Một dự án thuộc diện nợ xấu ở quận 9, TP.HCM. Ảnh: TL

Tài sản khủng vẫn đắp chiếu

Nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn ở một số NH tiếp tục gia tăng, cộng thêm khối nợ xấu lớn vẫn nằm im tại VAMC vẫn chưa xử lý đang là gánh nặng của không ít NH. Theo thống kê, hiện chỉ có sáu NH đã xóa sạch nợ tại VAMC.

Đáng chú ý, hàng loạt món nợ xấu mà chủ yếu là bất động sản có giá trị khủng từ vài trăm đến hàng ngàn tỉ đồng được VAMC lẫn các NH ra sức rao bán nhưng rất hiếm thương vụ giao dịch thành công. Đơn cử như dự án cao ốc Sài Gòn One Tower tại TP.HCM được rao bán với giá khoảng 7.000 tỉ đồng nhưng hơn một năm qua vẫn chưa ai mua, đành phải “trùm mền, đắp chiếu”.

Do đó, nếu không nhanh chóng xử lý những khoản nợ kiểu như trên, nguy cơ nợ xấu sẽ tiếp tục phình to tại nhiều NH. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, thừa nhận nợ xấu hiện nay vẫn còn ở mức khá cao trong khi thị trường mua bán nợ lại chưa phát triển. Đáng lo là nợ xấu để lâu sẽ càng tăng thêm nguy cơ và rủi ro cho nền kinh tế, đe dọa an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

“Do đó cần hoàn thiện khung pháp lý đối với thị trường mua bán nợ. Đồng thời phải xây dựng được cơ chế có chế tài đủ mạnh và chặt chẽ đảm bảo điều hành thị trường mua bán nợ một cách công bằng, minh bạch. Bên cạnh đó cần có chế độ ưu đãi về thuế, về thủ tục hành chính… để tạo lập sự thuận lợi và hấp dẫn bước đầu cho thị trường mua bán nợ” - ông Minh đề xuất.

Từ góc độ của người trong cuộc, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban Kiểm soát VAMC, cũng cho rằng cần tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để các tổ chức kinh tế-tài chính trong và ngoài nước có đủ điều kiện hoạt động mua bán nợ, nhất là các tổ chức tài chính nước ngoài tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

“Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch để thu hút các nguồn lực tài chính cũng như năng lực, kinh nghiệm xử lý nợ xấu của các tổ chức tài chính nước ngoài trong thời gian tới là hết sức cần thiết” - ông Hùng nhấn mạnh.

Thống đốc đôn đốc xử lý nợ xấu

Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng vừa có Văn bản số 8425 chỉ đạo các NH Nhà nước chi nhánh tỉnh, TP tích cực đôn đốc, chỉ đạo các NH trên địa bàn đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu; áp dụng toàn diện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ xấu; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường… 


DiaOcOnline.vn - Theo PLO