Top

Vẫn rộng cửa cho vay bất động sản

Cập nhật 24/03/2009 08:25

Ngân hàng đang giúp khơi thông kênh nhà đất bằng việc rộng cửa cho người dân vay mua, sửa chữa nhà.

Như Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 23-3 phản ánh, tại cuộc gặp với thống đốc Ngân hàng nhà nước, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản than khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để triển khai dự án. Tuy nhiên, thông tin từ các ngân hàng thì ngược lại, từ lâu họ đã rộng cửa cho các chủ đầu tư vay, thậm chí còn giúp thị trường này hồi sinh bằng việc cho người dân vay tiền mua, sửa chữa nhà. Chỉ có điều là các doanh nghiệp địa ốc chưa được hưởng hỗ trợ lãi suất như một số ngành khác.

Ngân hàng không chê địa ốc


Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 23-3, ông Đào Bảo Châu, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn, cho biết không có việc ngân hàng hạn chế doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vay vốn. Chỉ có điều là doanh nghiệp bất động sản là đối tượng không được vay hỗ trợ 4% lãi suất và việc này thì Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đã có văn bản quy định chứ không phải do ngân hàng tự đặt ra.

“Bây giờ bất kỳ doanh nghiệp bất động sản nào có dự án khả thi, phương thức trả nợ tốt... thì vẫn được ngân hàng cho vay bình thường. Lúc này đã có cơ chế cho vay với lãi suất thỏa thuận nên không có việc ngân hàng chê khách hàng” - ông Châu khẳng định.

Tương tự, theo thông tin từ nhiều ngân hàng cung cấp thì việc cho vay, trong đó có cho vay lĩnh vực bất động sản vẫn được các ngân hàng triển khai bình thường.

Ông Đàm Thế Thái, Giám đốc khối khách hàng cá nhân Ngân hàng An Bình, khẳng định lâu nay ngân hàng này vẫn rộng cửa cho vay bất động sản. Thậm chí ngoài việc cho các chủ đầu tư vay vốn triển khai dự án AnBinhbank còn mở rộng cho người dân vay tiền mua nhà đất thông qua các sản phẩm cho vay tiêu dùng.

Theo khảo sát của chúng tôi tại nhiều ngân hàng cũng cho thấy không có chuyện ngân hàng đóng cửa hoặc gây khó cho các chủ đầu tư. Vì thực tế có nhiều ngân hàng hiện đang bao tiêu luôn sản phẩm đầu ra cho doanh nghiệp địa ốc khi cho người mua vay đến 70% giá trị căn hộ, nền đất với thời gian trả nợ lên đến 20 năm. Bằng chứng là hai tháng trở lại đây, hàng loạt chủ đầu tư từ lớn như Novaland, Phú Mỹ Hưng, Thuduc House... đến các doanh nghiệp vừa như Sacomreal, địa ốc Tân Bình, Tín Nghĩa... bán căn hộ, nền đất đều có rất nhiều ngân hàng chung tay vào cho vay.

Định giá dự án thấp


Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết việc doanh nghiệp bất động sản than khó tiếp cận vốn ngân hàng là không có cơ sở. Từ trước đến giờ chưa có văn bản nào nói cấm cho vay, chỉ có lúc thị trường nhà đất quá nóng Ngân hàng nhà nước có khuyến cáo các ngân hàng hạn chế cho vay. Tuy nhiên, hiện nay việc cho vay bất động sản đã trở lại bình thường. Tính đến tháng 3 này, các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đã cho vay gần 63.000 tỷ đồng trong lĩnh vực nhà đất là một ví dụ.

“Theo tôi biết thì doanh nghiệp bất động sản hiện kêu khó ở chỗ sao ngân hàng định giá các dự án quá thấp chứ không phải kêu không cho vay. Mà việc định giá dự án tốt hay xấu để cho vay với hạn mức bao nhiêu là việc giữa doanh nghiệp với ngân hàng chứ không phải do cơ chế, chính sách” - ông Hạnh nói.

Diễn biến thị trường bất động sản hiện nay cho thấy điều đó do các chủ đầu tư ôm nhiều dự án nên không đủ năng lực triển khai được chứ không liên quan đến việc ngân hàng không bơm vốn. Vì thực tế mới đây đã có hai doanh nghiệp bất động sản lớn dù được các ngân hàng hỗ trợ vốn thường xuyên nhưng vẫn buộc phải bán dự án lại cho đơn vị khác.

Giám đốc một ngân hàng cổ phần ở miền Tây cho biết khi cho vay với bất kỳ dự án nào các ngân hàng đều lường trước độ rủi ro bằng một số điều kiện. Do vậy, nếu doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp địa ốc mà không vượt qua được các điều kiện do ngân hàng đưa ra thì khó vay vốn là chuyện đương nhiên.

Ngoài ra còn một lý do khác khiến doanh nghiệp địa ốc hiện khó vay vốn là độ hấp dẫn của thị trường nhà đất đang giảm. Ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu, cho biết điều kiện vay vốn ở ACB vẫn không thay đổi so với trước kia nhưng hiện tại ngân hàng này ít cho doanh nghiệp địa ốc vay vì kênh nhà đất đang xuống giá, tỷ lệ lợi nhuận đã không còn hấp dẫn nữa.

Thực tế việc giảm giá trên thị trường bất động sản cũng đã chứng minh cho chuyện này. Ông Lê Hùng, Giám đốc Công ty Phát triển nhà Hoàng Anh Gia Lai, thừa nhận trong kinh doanh bất động sản mà lợi nhuận không đạt được tỷ lệ 30%/năm thì không doanh nghiệp nào dám làm dự án. Mà thực tế diễn biến thị trường nhà đất hiện nay thì việc tìm kiếm lợi nhuận từ 30% trở lên là rất khó khăn.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP