Top

Doanh nghiệp địa ốc khát vốn

Cập nhật 23/03/2009 16:15

Tuyệt đối không cho vay đảo nợ xấu. Nếu cho vay để đảo nợ thì cả một nền kinh tế sẽ phải gánh hệ lụy, trong đó các doanh nghiệp trẻ sẽ hứng chịu hậu quả trước.

Sáng qua (22-3), Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cùng Hội Doanh nghiệp trẻ TP.HCM đã có buổi trao đổi về các giải pháp tiền tệ-tài chính.

Bất động sản cần hỗ trợ vốn

Trong gói kích cầu hỗ trợ 4% lãi suất của Chính phủ thì bất động sản không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Nhưng trên thực tế thì nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp này rất cao.

Ông Dương Tuấn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng-kinh doanh nhà Anh Tuấn, cho biết: “Bất cứ nhà kinh doanh bất động sản nào cũng cần vốn của ngân hàng. Doanh nghiệp nào có khả năng tài chính tốt thì cũng chỉ có khoảng 30%-40% số vốn đầu tư của dự án. Từ năm 2008 đến nay, các doanh nghiệp đầu tư bất động sản hết sức khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn”.

Theo ông Tú, vì tình hình khó khăn tài chính chung nên hạn mức của các ngân hàng thương mại dành cho bất động sản rất ít, không thể cho doanh nghiệp vay tiếp được. Điều đó đồng nghĩa với việc phải để dự án chừng mấy trăm tỷ đồng phải chờ. Như vậy, trong vòng một đến hai năm, chắc chắn nhiều doanh nghiệp địa ốc sẽ phá sản.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, các ngân hàng vẫn cho vay bình thường, Chính phủ không cấm. Tất nhiên nhiều ý kiến cho rằng nhà nước cần giới hạn cho vay bất động sản. Trước đây đã hội thảo, dự thảo khống chế cho vay nhưng cũng dừng lại vì đó cũng là một thị trường nằm trong hệ thống kinh tế thị trường.

Theo ông Giàu, trên thực tế lĩnh vực bất động sản không được hưởng chính sách hỗ trợ nhưng các chính sách khác của Chính phủ cũng đang gián tiếp kéo theo sự tăng trưởng của thị trường này.

Cấm đảo nợ xấu

Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp có xu hướng đảo nợ. Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng theo Thông tư 02 của Chính phủ, việc ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay để trả nợ tại ngân hàng mình hoặc ngân hàng khác là nghiêm cấm. Còn việc trả nợ trước hạn và đến hạn trả để vay nợ mới thì bình thường vì trong gói hỗ trợ lãi suất này cũng làm như thế.

Ông Giàu cũng cho biết ở nông thôn, nông dân nghe nguồn tin biết ngân hàng hỗ trợ lãi suất nhưng họ vẫn trả trước. Bởi vì nếu vay, một tháng nữa họ mới sản xuất thì vay để làm gì. Họ cứ trả, đến chừng nào sản xuất thì vay lại để được hỗ trợ lãi suất. Chứ không phải người ta vay rồi để vốn ở nhà. Ngoài ra, doanh nghiệp vay mới phải tuân thủ đầy đủ điều kiện tín dụng, trong đó điều kiện làm cơ sở để ngân hàng cho vay là có phương án khả thi.

Về ý kiến đề nghị cho vay đảo nợ, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng nếu làm như thế thì hệ lụy sẽ đè lên nền kinh tế và bản thân những doanh nghiệp trẻ là người hứng chịu đầu tiên. Theo Ông Giàu thì tuyệt đối không nên cho phép đảo nợ xấu.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP