Top

Trái phiếu bất động sản - kênh bổ sung nguồn vốn hiệu quả

Cập nhật 21/05/2010 10:40

Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút lượng lớn nguồn vốn đổ vào. Bên cạnh nguồn vốn truyền thống, một trong những kênh huy động vốn mới đã được một số doanh nghiệp sử dụng là phát hành trái phiếu gắn với quyền mua BĐS.

Theo TS. Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trên thế giới, sự phát triển của thị trường BĐS phải trải qua 5 cấp độ, từ sơ khai, tập trung hoá, tiền tệ hoá đến tài chính hoá và cao nhất là cấp độ trưởng thành. Thị trường BĐS Việt Nam đã và đang ở cấp độ tiền tệ hoá, bắt đầu chuyển sang giai đoạn tài chính hoá. Xét tổng thể thị trường cả phía cung lẫn phía cầu về vốn, với chính sách hiện hành, nguồn vốn đã đến mức tới hạn. Vì vậy, một số nguồn vốn có tiềm năng và một số kênh huy động vốn mới như kênh cấp vốn qua thị trường trái phiếu, chứng chỉ BĐS, quỹ tiết kiệm, kênh cấp vốn thông qua thị trường tái thế chấp… cần được khai thác. Đây được coi là kênh bổ sung nguồn vốn hiệu quả cho thị trường BĐS đang trong cơn khát vốn.

Việc huy động vốn bằng trái phiếu là một kênh huy động vốn mới đã và đang được một số doanh nghiệp BĐS áp dụng. Tiên phong là Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal, phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 500 triệu đồng kèm quyền ưu tiên mua căn hộ với giá ưu đãi giảm 5 %/căn và lãi suất được hưởng là 8,8%/năm .Tiếp sau Sacomreal, một số doanh nghiệp như Công ty CP Tài chính Sông Đà và Cty Sông Đà - Thăng Long, Cty CP Tài chính và Phát triển doanh nghiệp, HUD…cũng phát hành trái phiếu và coi đây là kênh huy động vốn hiệu quả để đầu tư các dự án BĐS.

Đại diện doanh nghiệp, ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Kinh doanh BĐS - TKV phân tích: trái phiếu doanh nghiệp liên quan tới BĐS (còn gọi là trái phiếu BĐS) là một trong những kênh huy động vốn tốt mà một số doanh nghiệp thực hiện. Hiện nay, pháp luật chưa có những quy định cụ thể về kênh huy động vốn này.

Mặc dù, khi chưa có rủi ro xảy ra, đây là kênh huy động vốn hai bên cùng có lợi, doanh nghiệp huy động được vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất vay ngân hàng và không cần tài sản thế chấp, còn nhà đầu tư được hưởng lãi suất và quan trọng hơn được quyền ưu đãi mua BĐS dự án. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cảnh báo, khi chưa có quy định cụ thể của luật pháp, kênh huy động vốn này sẽ có những rủi ro nhất định đối với cả nhà đầu tư và người huy động vốn vì chưa có hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi cả hai bên.

Bản chất của đầu tư trái phiếu BĐS chính là đầu tư BĐS, vì vậy, khi quyết định mua trái phiếu BĐS, nhà đầu tư cần xem xét kỹ về lãi suất, thời gian đáo hạn, cách thức thanh toán và quyền mua bất động sản kèm theo. Hiện trái phiếu BĐS được phát hành riêng lẻ chứ chưa được phát hành rộng rãi ra công chúng nên kênh đầu tư và huy động vốn này còn khá xa lạ với nhiều người dân.

TS. Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất, giải pháp hiện nay cần thực hiện là nhanh chóng giải phóng hiện tượng “tiền tệ hoá”, thay vào đó là các giải pháp nhằm tạo cơ chế, định chế chuyển tiếp có tính dài hạn “tài chính hoá”. Một trong những giải pháp đối với công cụ tài chính nhằm khơi dòng vốn cho BĐS cần hình thành khung pháp lý, nhân rộng và phát triển mô hình trái phiếu BĐS, quỹ đầu tư BĐS.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng