Top

Vốn nhỏ - rủi ro lớn

Cập nhật 20/05/2010 13:10

Sau những thăng trầm, thị trường BĐS Việt Nam đang hiện rõ những điểm yếu cố hữu. Trong đó, câu chuyện thiếu vốn, sử dụng vốn trên thị trường không chụp giật, vẫn đang là tình trạng phổ biến. Và, chính điều này, vô hình trung đã “đóng góp” một phần nhỏ vào sự bất ổn của thị trường.

Thực tế cho thấy, trong rất nhiều dòng vốn với đủ quy mô lớn nhỏ khác nhau, bên cạnh nguồn vốn đầu tư trung dài hạn, cũng đã có một lượng không nhỏ nguồn vốn đầu tư ngắn hạn đổ vào thị trường BĐS, thậm chí có những giai đoạn nguồn vốn này còn lấn át nguồn vốn trung dài hạn trong việc chi phối sự vận động của thị trường BĐS, tạo ra những cơn sốt nóng, đồng thời góp phần chủ yếu tạo ra “bong bóng” trên thị trường BĐS làm gia tăng rủi ro trên thị trường tài chính, cả thị trường tài chính chính thức và phi chính thức.

TS Vũ Đình Ánh (Viện Nghiên cứu kế hoạch thị trường giá cả) chỉ ra rằng, quy mô càng lớn, tốc độ càng cao, thời gian càng ngắn và đặc biệt là tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn tham gia vào thị trường BĐS lại dựa trên huy động những nguồn lực thiếu ổn định như vay nóng, tín dụng đen, tín dụng có rủi ro đạo đức cao, nguồn vốn mang tính chất đầu cơ cao… càng cao thì tác động càng tiêu cực đến thị trường BĐS nói riêng và sự ổn định của thị trường tài chính tiền tệ nói chung, thậm chí có thể gây ra những hậu quả kinh tế - xã hội khôn lường.

Trong thời điểm hiện tại, việc huy động vốn để đầu tư kinh doanh BĐS quả không dễ. Nếu như 2 - 4 năm trước, DN địa ốc được ngân hàng ưu ái, dự án nằm trên giấy cũng được chăm sóc tận tình. Thì nay, ngân hàng đã thắt chặt hầu bao khiến DN chật vật. Đã vậy, lãi suất cũng không dễ chịu chút nào, phổ biến ở mức 15 - 17%, và không phải bất cứ dự án nào cũng tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Điều này có nguyên do của nó. Đại diện một ngân hàng cho biết, tình hình địa ốc trong thời gian qua đầu tư theo phong trào dẫn đến giá cả bị đội lên không phản ánh đúng giá trị thực. Nếu ngân hàng tiếp tục rót vốn sẽ làm cho thị trường địa ốc càng thêm căng thẳng hơn, xu hướng đầu cơ tăng làm thị trường phát triển không bền vững. Khi giá vọt lên quá cao vượt quá khả năng chi trả sẽ dẫn đến tình trạng đóng băng, doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, sẽ gây rủi ro cho ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng buộc phải có những giới hạn để kiểm soát rủi ro. Tuy nhiên, các DN địa ốc có phương án kinh doanh hiệu quả, cơ sở pháp lý đầy đủ, kế hoạch kinh doanh rõ ràng, phía ngân hàng sẵn sàng cung ứng vốn.

Xem ra, đó mới chỉ là lời hứa được phát ra từ diễn đàn của một hội thảo. Còn thực tiễn ra sao, quả không dễ hình dung.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng