Doanh nghiệp bất động sản đang phấp phỏng chờ đợi những động thái nới lỏng từ hệ thống tín dụng sau 1 năm dài siết tín dụng.
Động thái đầu tiên được ghi nhận là trong cuộc đối thoại trực tuyến vào cuối tuần qua, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đang giải quyết vấn đề tín dụng cho bất động sản, để đưa thị trường thoát khỏi tình trạng đóng băng hiện nay.
Việc áp dụng một cơ chế tín dụng cởi mở hơn cho bất động sản xuất phát từ việc hệ thống tín dụng cho lĩnh vực này đã được điều chỉnh ở mức độ an toàn cho phép trong năm 2011. Mới đây, Bộ Xây dựng đã công bố các khoản tín dụng trong năm 2011. Theo đó, tổng dư nợ cho vay bất động sản là 203.598 tỷ đồng, chiếm 9,25% tổng dư nợ của toàn hệ thống. Số dư nợ này giảm 13,46% so với thời điểm 31/12/2010, trong khi đó tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống khoảng 12%. Điều này có nghĩa là, dư nợ của tín dụng bất động sản đã được khống chế và Chính phủ sẽ tiếp tục có những bước điều chỉnh tiếp theo cho thị trường.
Sau khi có kết quả lạc quan về hiệu quả của việc giảm tín dụng bất động sản, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận rằng, trong năm 2012, “room” của tín dụng bất động sản sẽ không mở rộng cho tất cả các đối tượng, mà sẽ bố trí vốn vay cho một số dự án, phân khúc của thị trường có khả năng tiêu thụ và thu hồi vốn trong năm 2012.
Sở dĩ có nhận định này là vì trước đó, chính sách về tín dụng bất động sản đã có những động thái “tiếp sức” đáng chú ý, dù chưa thực sự mạnh mẽ. Trong Chỉ thị 2196/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ khá quan trọng cho Ngân hàng Nhà nước là “phối hợp với các bộ, ban, ngành chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm tín dụng bất động sản có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng hợp lý, an toàn, phù hợp với chính sách điều hành tín dụng chung”.
Giải pháp trước mắt cho lộ trình tín dụng cho bất động sản cũng có sự lựa chọn về đối tượng và các chủ thể nhất định. Trong lộ trình này, Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên cho việc giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng bất động sản một cách hợp lý. Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Tuy nhiên, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lưu ý rằng, để khơi thông nguồn vốn cho bất động sản cần thiết phải có sự tham gia của cả doanh nghiệp, nhà nước và người dân. Đối với chính sách tiền tệ cần được vận hành chặt chẽ, linh hoạt, nhất quán, có kế hoạch phân bổ đều nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng ổn định, có chất lượng. Nhà nước cần tăng cường quản lý rủi ro và kiểm soát hiệu quả dòng tín dụng vào bất động sản…
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: